Nơi Bác dừng chân - Ba nhịp cầu son nối tình hữu nghị Việt Nam – Thái Lan

Dù chỉ hoạt động tại Thái Lan trong thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong lòng kiều bào Việt Nam tại đây. Người đã đi nhiều nơi, truyền bá tư tưởng yêu nước, động viên kiều bào hướng về quê hương, tạo dựng niềm tin và khơi dậy tinh thần đoàn kết, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Thái Lan là quốc gia duy nhất ngoài Việt Nam có tới ba công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng chính thức, với quy mô trang trọng và được duy trì bền vững theo thời gian. Mỗi công trình đều gắn liền với nơi Bác từng sống và hoạt động, trở thành địa chỉ thiêng liêng để cộng đồng Việt kiều tìm về tưởng nhớ Người với lòng thành kính sâu sắc. Không chỉ lưu giữ dấu ấn lịch sử, những công trình này còn là biểu tượng sống động của tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Thái Lan — mối quan hệ được nuôi dưỡng từ chính những bước chân đầu tiên của Bác trên đất bạn.

Tọa lạc trong khuôn viên rộng 6.400 m² của Trung tâm Hữu nghị Thái Lan – Việt Nam ở tỉnh Phichit, Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm đến giàu cảm xúc, nơi kiều bào thường xuyên tìm về để tưởng nhớ và tỏ lòng kính yêu với Bác.

Theo Ông Somphon Leck Uthaiphanit – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng được khởi công tháng 12/2013 và khánh thành năm 2018 tại Bản Đông, xã Pamakab, cách thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 350 km về phía Bắc. Công trình là sáng kiến đặc biệt của chính phủ Thái Lan, được phối hợp thiết kế và thẩm định với Bảo tàng Quốc gia Thái Lan và Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Không gian trưng bày tái hiện sinh động thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống, hoạt động tại Bản Đông năm 1928, với các hiện vật, kỷ vật và lời kể còn lưu giữ từ cả hai quốc gia.

Dù chỉ lưu lại nơi đây trong thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn sâu đậm bằng việc vận động kiều bào học chữ Việt – Thái, đoàn kết với nhân dân bản địa, sống giản dị, tôn trọng luật pháp sở tại. Chính vì thế, hình ảnh của Người đã ghi sâu trong tâm khảm người dân Bản Đông suốt gần một thế kỷ.

Cô Phan Thị Thoa, một Việt kiều gốc Sơn Tây (Hà Nội), xúc động chia sẻ: “Tất cả kiều bào ở đây đều biết Bác đã sống và cống hiến thế nào. Mọi người thương yêu và nhớ Bác lắm” .

Còn với cô Phan Thị Hồng Loan, một kiều bào sinh ra tại Thái Lan và sau này hồi hương về Việt Nam, mỗi chuyến trở lại Thái Lan và thăm các khu tưởng niệm Hồ Chí Minh đều khiến cô xúc động: “Thấy các khu di tích về Bác được xây dựng ở khắp nơi trên đất Thái, tôi rất tự hào và cảm nhận rõ tình hữu nghị giữa hai nước”. Cô Loan bày tỏ tin tưởng rằng các công trình này sẽ giúp thúc đẩy du lịch và tăng cường hơn nữa sự gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia.

Với những người Thái gốc Việt thế hệ sau như cô Pornphen Phephuon, sự hiện diện của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Phichit là minh chứng sống động cho tầm vóc và ảnh hưởng của một vị lãnh tụ được người dân hai nước kính trọng: “Tôi cảm thấy tự hào vì nơi mình sống có di tích đặc biệt này và vì Việt Nam có một người lãnh đạo như Bác Hồ”.

Rời Phichit tới Udon Thani, trên con đường mang tên “Thầu Chín” – bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động ở Thái Lan – phóng viên VOV tìm về Khu tưởng niệm Bác tại tỉnh Udon Thani nơi lưu giữ rất nhiều những hình ảnh và bút tích của Bác Hồ với kiều bào, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cùng quãng thời gian 16 tháng Người sống và hoạt động tại Thái Lan, từ tháng 7/1928 đến tháng 1/1929.

Khu tưởng niệm hiện là điểm đến hàng đầu của tỉnh, thu hút không chỉ du khách Việt Nam mà cả học sinh, cựu chiến binh, người dân Thái đến tìm hiểu về con đường cứu nước của Người. Theo ông Phạm Đức Dậu, Trưởng Ban Quản lý khu tưởng niệm, điều được thế hệ đi trước kể lại nhiều nhất là đức tính giản dị và sự khích lệ của Bác đối với kiều bào: học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc, nỗ lực trau dồi bản thân, vì “tiếng Việt còn thì người Việt còn”.

Cô Nguyễn Thị Hường – một giáo viên Việt kiều tại Udon Thani – chia sẻ rằng với cộng đồng nơi đây, tình yêu với Bác Hồ là điều sâu thẳm trong tim và được vun đắp qua bao thế hệ: “Chỉ cần nhắc đến Bác là mọi người đều sẵn sàng hy sinh, cố gắng. Trẻ nhỏ luôn được dạy rằng phải chăm chỉ, làm nhiều việc tốt để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”. Cô Nguyễn Thị Thế, cựu thành viên Ban Quản lý khu tưởng niệm, ví sự gắn bó ấy như niềm tin “không thấy mà có thật”, hiện hữu trong những câu chuyện, bức ảnh hay món quà “chiếc kẹo Bác Hồ”. Dù chỉ ở Thái Lan một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gieo mầm yêu nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết cho cộng đồng người Việt xa quê.

Ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Udon Thani, khẳng định: Bác Hồ không chỉ truyền lửa cách mạng mà còn để lại di sản về sự đoàn kết, lòng tự hào dân tộc – nền tảng giúp các thế hệ Việt kiều tại Thái Lan “luôn làm theo Bác, tự hào là con cháu của Người”.

Nakhon Phanom – miền đất yên bình bên dòng Mekong – là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân và hoạt động cách mạng trong những năm 1928–1929. Không chỉ là nơi Người tiếp tục xây dựng phong trào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nakhon Phanom còn là nơi nhiều người Việt sinh sống, hình thành cộng đồng kiều bào gắn bó lâu đời.

Làng Nachok (Bản Mạy) – nơi Bác lưu lại lâu nhất – được gìn giữ như một di tích thiêng liêng. Những gốc cây do chính tay Bác trồng, những hiện vật giản dị và hình ảnh đời thường của Người vẫn còn hiện hữu, lan tỏa ký ức sống động về một lãnh tụ giản dị mà gần gũi. Địa phương này từ lâu được xem là biểu tượng của tình hữu nghị Thái – Việt. Năm 2004, Làng Hữu nghị Thái Lan – Việt Nam được khánh thành tại Nachok, với phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ keo sơn giữa hai dân tộc Việt-Thái.

Đặc biệt, vào ngày 19/5/2016 – đúng dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Bác – Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành với 12 hạng mục, bao gồm: gian nhà thờ Bác theo kiến trúc Việt, ba khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật, hồ sen, núi đá nhân tạo... Khu di tích không chỉ là điểm đến của du khách và Việt kiều trong các dịp lễ tết, mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tháng 2/2024, cựu Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã tới thăm và khẳng định khu tưởng niệm là biểu tượng lịch sử quan trọng, góp phần tăng cường quan hệ hai nước. Nguyên Tỉnh trưởng Nakhon Phanom, ông Wanchai Janporn, cũng cho rằng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng đầu tiên cho tình hữu nghị Việt Nam – Thái Lan.

Năm nào cũng ghé thăm Khu tưởng niệm nhân dịp sinh nhật Bác Hồ, ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái, nhấn mạnh sự quan tâm của Bác đối với kiều bào xa Tổ quốc luôn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp cộng đồng gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại.

Chia sẻ với phóng viên VOV, Ông Trần Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, xúc động cho biết: “Kiều bào chúng tôi – không chỉ ở Nakhon Phanom mà trên khắp đất Thái – đều tự hào mang dòng máu Việt, tự hào là con cháu Bác Hồ. Những gì chúng tôi có được hôm nay là nhờ công ơn của Bác, của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.

Với người dân nơi đây, Khu tưởng niệm không chỉ là địa danh lịch sử – mà còn là nơi lưu giữ tình cảm, lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc về một con người đã chạm đến trái tim kiều bào bằng cả cuộc đời dấn thân vì dân tộc.

Ba công trình: Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Bản Đông, Phichit, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon Thani, và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nakhon Phanom không chỉ lưu giữ lịch sử mà còn là những nơi gìn giữ tình cảm bền vững giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan, cũng như tấm lòng sắt son của cộng đồng người Việt tại Thái Lan đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Kiều Anh, Bích Thuận, Ngọc Diệp, Lê Hoàng, Hùng Cường

Nguồn ảnh: Hà Phương

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/noi-bac-dung-chan-ba-nhip-cau-son-noi-tinh-huu-nghi-viet-nam-thai-lan-post1212432.vov