Nổi bật tuần qua: Trang trọng Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Tuần từ ngày 28/4 đến 4/5, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Trang trọng Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Xem xét, quyết định 64 nội dung tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Giải quyết việc làm cho người bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy; Hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ tai nạn giao thông tại Vĩnh Long.

Các khối lực lượng quân đội, công an lần lượt diễu qua lễ đài. Ảnh: TTXVN
Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sáng 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ diễu binh, diễu hành cấp Quốc gia Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Lễ diễu binh, diễu hành được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể, trang trọng với chủ đề “Rạng rỡ non sông Việt Nam”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đọc diễn văn Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhấn mạnh đến khát vọng bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước và hiện thực mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, phát huy những bài học quý báu từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng bắt tay khôi phục, tái thiết, xây dựng và phát triển đất nước. Sau 50 năm thống nhất, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và tạo được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu theo dõi màn diễu binh, diễu hành từ trên lễ đài. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, dân tộc Việt Nam đã trải qua muôn vàn đau thương, tổn thất vì chiến tranh trong quá khứ và cũng là dân tộc được thụ hưởng những lợi ích to lớn từ hòa bình, hợp tác hữu nghị trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam tha thiết mong muốn cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết, phát triển. Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, thi đua lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đại diện thế hệ trẻ, đồng chí Huỳnh Mạnh Phương, Ủy viên Ban chấp hành Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, thế hệ thanh niên luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng tiếp nối ngọn lửa cách mạng các thế hệ cha anh đã trao truyền, khắc ghi chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Tự hào truyền thống vẻ vang của đất nước, thế hệ đi sau sẽ luôn vững vàng niềm tin theo con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, trau dồi phẩm chất đạo đức, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu của đất nước, lan tỏa giá trị Việt Nam ra trường quốc tế.
Lễ diễu binh, diễu hành được bắt đầu bằng màn biểu diễn của phi đội máy bay trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cùng phi đội máy bay tiêm kích chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam trên bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, khối xe Nghi trượng gồm: Xe mô hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; xe biểu tượng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo thứ tự tiến vào lễ đài…
Các khối diễu binh, diễu hành gồm 38 khối của lực lượng vũ trang và 12 khối diễu hành đại diện cho các tổ chức quần chúng xuất phát từ Giao lộ Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), di chuyển qua lễ đài chính trên đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống Nhất, sau đó chia ra 4 hướng di chuyển về điểm tập kết. Khối diễu binh của Quân đội Trung Quốc, Lào, Campuchia cùng tham gia chương trình diễu binh, diễu hành. Chương trình lễ kỷ niệm kết thúc bằng nghi thức thả bóng bay…
Trước đó, từ tối 29/4 và rạng sáng 30/4, hàng vạn người dân đã đổ về các trục đường trung tâm khu vực tổ chức Lễ diễu binh, diễu hành trên đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Điện Biên Phủ... với sắc phục đỏ sao vàng, cờ giải phóng trên tay. Nhiều người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc hòa chung không khí háo hức cùng người dân TP Hồ Chí Minh chia sẻ tự hào khi được tận mắt chứng kiến sự kiện trọng đại, hoành tráng của dân tộc qua Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Còn với những người trong cuộc trực tiếp tham gia diễu binh, diễu hành, Trung tá Nguyễn Thành Luân, Giáo viên hướng dẫn khối diễu binh nữ Sĩ quan Thông tin xúc động bày tỏ: “Tôi vinh dự, tự hào khi được có mặt tại đây hôm nay. Qua những tháng ngày huấn luyện, luyện tập của cán bộ và chiến sĩ với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết và quyết tâm, chúng tôi tự tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễu binh, đóng góp vào sự thành công chung của buổi lễ, mang lại những ấn tượng sâu sắc cho người dân Thành phố và bạn bè quốc tế…”.
Sự cổ vũ, náo nức của hàng triệu người dân Việt Nam chờ đón chiêm ngưỡng Lễ diễu binh, diễu hành qua truyền hình, mạng xã hội như một lời khẳng định: Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ về lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến trường chinh chống giặc ngoại xâm, để cùng nhau phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…

Khối Sĩ quan đại diện 5 cánh quân qua các cung đường TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước góp phần khẳng định tầm vóc vĩ đại của chiến thắng lịch sử 30/04/1975, phát huy tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất đất nước; bồi đắp, phát huy tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh xương máu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước
Chiều 4/5, tại buổi Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc chiều 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu trong Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến chuẩn bị về Kỳ họp thứ 9. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 5/5 - 29/5/2025; đợt 2 từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc ngày 30/6.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Theo ông Vũ Minh Tuấn, việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 được tiến hành kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian cho ý kiến về các nội dung Kỳ họp, tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận về các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, tích cực triển khai, rà soát, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ Kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chia sẻ tại buổi họp báo, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV khẳng định, đây là kỳ họp có công tác lập pháp lớn nhất từ trước tới nay và mang ý nghĩa lịch sử.
Giải quyết việc làm cho người bị ảnh hưởng do sắp xếp bộ máy
Tuần qua, Bộ Nội vụ đã thông báo kết quả đợt 1 tinh gọn bộ máy các bộ, ngành, địa phương, dự kiến có 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ chế chính sách, vấn đề đào tạo, thông tin thị trường lao động, cho vay vốn… để tham mưu Bộ đánh giá được đối tượng hỗ trợ và triển khai những cơ chế, chính sách giới thiệu việc làm, tiếp cận vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm. Thực tế, có nhiều nhóm lao động khác nhau, có nhóm lao động trẻ, có nhóm lao động trên 50 tuổi, phải có sự ứng xử khác nhau trong cơ chế chính sách.
Theo rà soát của Cục Việc làm, Việt Nam hiện có 54 triệu lao động, trong đó có gần 53 triệu lao động đang tham gia vào thị trường, với đợt sắp xếp đầu tiên là 100.000 người bị ảnh hưởng, cần có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ thị trường lao động, số lượng 100.000 người ở nhiều ngành, nghề khác nhau, trải đều trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bổ sung vào thị trường lao động, có thể nói rằng không tạo ra biến động lớn của thị trường lao động.

Cử tri Hà Nội kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: TTXVN
Hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ tai nạn giao thông tại Vĩnh Long
Trong tuần, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 4/9/2024 tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long làm 1 cháu bé tử vong; chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau khi kiểm tra hồ sơ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy, hành vi của lái xe Nguyễn Văn Bảo Trung điều khiển xe ô tô tránh, vượt xe khi không đảm bảo an toàn, phía trước có chướng ngại vật, có xe ngược chiều, vi phạm điểm a khoản 5 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Ngày 2/5/2025, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-VKSTC-V12 hủy bỏ Quyết định giải quyết khiếu nại số 55/QĐ-VKS ngày 14/3/2025 đã có hiệu lực pháp luật của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long và Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-VKS ngày 10/2/2025 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Quyết định cũng yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long hủy bỏ Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 73/QĐ-ĐTTH ngày 23/1/2025 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.