Nỗi buồn của gia đình bị 'treo' bằng Tổ quốc ghi công 35 năm

35 năm đã trôi qua kể từ khi Chính phủ có quyết định trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giần, hy sinh vào đêm 25-7-1954, nhưng tấm bằng vẫn chưa đến được tay người nhận.

Chung tôi ghé căn nhà cấp 4 tại đường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), tiếp đón chúng tôi là bà Nguyễn Thị Hòa – con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Giần.

Video: Nỗi buồn của gia đình bị 'treo' bằng Tổ quốc ghi công 35 năm

Hai bố con đều hi sinh vì cách mạng

Lật từng bức ảnh kỷ vật của gia đình, bà Hòa kể bố mình sinh năm 1926 trong một gia đình tiểu thương ở thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Khi cha mất, ba chị em bà còn nhỏ nên nhiều chuyện chỉ được nghe qua lời kể của mẹ là bà Nguyễn Thị Huyền. Giờ dù đã gần 70 năm sau ngày mất của cha, nhưng mỗi khi nhớ lại những câu chuyện mẹ kể, khóe mắt bà lại cay xè.

Bà Hòa nghe mẹ kể công việc của ông Giần được chỉ huy giao là đi lấy tài liệu trong bốt của địch. Đêm 25-7-1954, ông Giần bí mật đi làm nhiệm vụ thì bị lính Pháp phục kích bắn chết ở gần phố Hàng Đàn (thị xã Sơn Tây).

 Bà Nguyễn Thị Hòa bên di ảnh của cha là liệt sĩ Nguyễn Văn Giần.

Bà Nguyễn Thị Hòa bên di ảnh của cha là liệt sĩ Nguyễn Văn Giần.

Do điều kiện hoàn cảnh lịch sử, nên sự thật về cái chết của ông Giần trong suốt một thời gian dài chưa được làm sáng tỏ. Trước đó, người dân thị xã Sơn Tây chỉ biết ông chuyên làm nghề mổ trâu bò bán cho các trại lính, đồn cảnh binh ở thị xã. Sau ngày mất của cha, gia đình bà Hòa chỉ nhận được một mảnh giấy chứng nhận của Sở Quân sự tỉnh Hà Tây về việc ông Giần hoạt động cách mạng trước khi chết.

Cha mất, mẹ bà Hòa ở vậy nuôi bà và hai người em trai. Sau đó không lâu, một trong hai người em bà bị lâm bệnh mất khi còn nhỏ. Lớn lên, người em trai còn lại là ông Nguyễn Văn Hải lên đường nhập ngũ trong kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1969, ông Hải hy sinh. Một năm sau đó gia đình bà Hòa được công nhận là gia đình liệt sĩ.

Trở lại với câu chuyện của ông Giần, sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, gia đình bà Hòa làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng đề nghị công nhận chế độ liệt sĩ cho ông, nhưng đều không có hồi âm.

Đến năm 1985, khi Bộ LĐ-TB&XH có văn bản hướng dẫn làm chế độ liệt sĩ cho một số trường hợp hy sinh trong kháng chiến, gia đình bà Hòa lại tiếp tục gửi đơn lên các cơ quan chức năng của tỉnh và trung ương.

Sau một thời gian xác minh, ngày 5-3-1988, Bộ LĐ-TB&XH có công văn ghi rõ: “Trường hợp hy sinh của ông Nguyễn Văn Giần đêm 25-7-1954 đủ điều kiện xác nhận là liệt sĩ theo quy định hiện hành của Nhà nước”.

Tiếp theo đó, ngày 8-12-1988, Cục Tổ chức - Động viên (nay là Cục Quân lực của Bộ Quốc phòng) đã cấp giấy báo tử cho liệt sĩ Nguyễn Văn Giần.

Ngày 12-4-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định 59/CTKT, cấp bằng Tổ quốc ghi công (số BB-885b) cho liệt sĩ Nguyễn Văn Giần. Đã có đầy đủ giấy tờ, điều lệ công nhận là liệt sĩ, thế nhưng quyết định trên không được thực hiện ngay.

 Bà Hòa đã 80 tuổi nên chỉ mong Nhà nước sớm trao bằng Tổ quốc ghi công cho cha bà.

Bà Hòa đã 80 tuổi nên chỉ mong Nhà nước sớm trao bằng Tổ quốc ghi công cho cha bà.

Bà Hòa cho biết: “Một số người ở Sơn Tây không nhất trí với việc cha bà được công nhận liệt sĩ” nhưng không đưa ra được bằng chứng. Họ thắc mắc với chính quyền là đã ở Sơn Tây từ lâu sao không biết ông Giần hoạt động cách mạng?.

Lý giải điều này, bà Hòa cho biết việc ông Giần được giao một nhiệm vụ hoạt động bí mật đối với một số cán bộ hoạt động ở TX Sơn Tây lúc đó không biết là một điều dễ hiểu. Vì tháng 5-1954, sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ, giặc Pháp ở Sơn Tây cũng như nhiều địa bàn khác điên cuồng khủng bố, do vậy nhiều cán bộ làm cho cách mạng phải hoạt động đơn tuyến, ông Giần là một trường hợp như vậy.

Thêm nữa, những người không đồng ý công nhận ông Giần là liệt sĩ đều là người chuyển về Sơn Tây sau khi ông mất. Còn những người hoạt động bí mật với ông khi đó đều đã mất cả, nhưng trước đó họ đều xác nhận đã giao nhiệm vụ cho ông.

Quyết định của Thủ tướng vẫn bị “treo”

Không hiểu vì lý do gì mà UBND thị xã Sơn Tây vẫn chưa chịu trao Quyết định của Thủ tướng và Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình bà Hòa, trong khi đó địa phương lại tổ chức những cuộc họp để xem xét thêm và gửi công văn kiến nghị kiểm tra lại. Để làm sáng tỏ việc này, gia đình bà Hòa tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền trình bày và đề nghị giúp đỡ.

Tại Công văn số 236/TTr, ngày 14-5-1990, của Ủy ban Thanh tra Nhà nước đã nhắc nhở tỉnh Hà Tây thi hành Quyết định 59/CTKT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Trong bản kết luận phúc tra về trường hợp cái chết của ông Giần của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Thanh báo cáo Thủ tướng ngày 19-11-1992 khẳng định: “Ông Nguyễn Văn Giần dù hoạt động chưa lâu dài, chưa có nhiều thành tích nhưng ông đã nhận một việc do cán bộ cách mạng giao và đã chết vì việc đó. Vì vậy ông Giần có đầy đủ điều kiện được công nhận là liệt sĩ”.

 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định cấp Bằng tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Văn Giần.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định cấp Bằng tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Văn Giần.

Sau đó, các cấp chính quyền, Bộ LĐTB&XH, Bộ Quốc Phòng, Thanh tra Nhà nước, Đoàn phúc tra của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tòa hành chính Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thẩm tra, xác minh, phúc tra…

Kết quả từ các cơ quan này đều khẳng định việc ông Giần hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cách mạng là đúng. Việc công nhận ông là liệt sĩ là hoàn toàn đúng và có đủ cơ sở.

“Những người phản đối đều không phải là người trực tiếp biết và không có mặt chứng kiến sự việc. Đề nghị Thủ tướng cho tiếp tục thực hiện việc trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Dần”- kết luận của Bộ LĐ-TB&XH ngày 8-7-2008 do Thứ trưởng Bộ LĐ-Tb&XH Bùi Hồng Lĩnh nêu.

Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ đã năm lần ra công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thế nhưng UBND tỉnh Hà Tây mà cụ thể là UBND thị xã Sơn Tây vẫn chưa thi hành quyết định này. Kèm theo quyết định cuối cùng là bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18-1-2002 (cấp lại) hiện vẫn đang được lưu giữ tại UBND thị xã Sơn Tây, cùng với hai Bằng Tổ quốc ghi công khác do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký từ trước đó.

Như vậy đã 35 năm kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công; 23 năm kể từ ngày Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định cuối cùng về việc này, những tấm bằng lẽ ra phải được trao cho gia đình bà Hòa vẫn cất trong ngăn tủ của UBND thị xã Sơn Tây.

Bà Hòa nói mẹ của bà đã dành cả cuộc đời mòn mỏi để đi kêu oan cho chồng. Nhưng đến cuối cùng vẫn không đợi được đến ngày thấy tấm Bằng Tổ quốc ghi công của chồng treo ngay cạnh Bằng tổ quốc ghi công của con mình.

“Đến lúc sắp lâm chung mẹ vẫn nắm chặt tay tôi căn dặn phải cố gắng tìm ra sự thật của câu chuyện này. Giờ tôi cũng gần 80 tuổi, gia đình không cần chế độ hay gì cả, chỉ mong chính quyền có câu trả lời thích đáng để bố tôi được an ủi, gia đình không mang tiếng xấu…”- bà Hòa nghẹn ngào.

Cục người có công nói gì ?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Phòng LĐ-TB&XH thị xã Sơn Tây, cho biết sự việc trên hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết, đơn vị đang chờ kết luận cuối cùng để thực hiện.

Báo Pháp Luật TP.HCM cũng liên lạc với lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) về sự việc này từ giữa năm 2023, tuy nhiên đến nay đơn vị này vẫn cho biết: “Do sự việc kéo dài khá lâu nên cục cần có thời gian tìm hiểu để có trả lời báo và người nhà một cách chính xác nhất”- đại diện Cục Người có công khẳng định.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin trả lời của cơ quan chức năng...

VIẾT LONG - MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/noi-buon-cua-gia-dinh-bi-treo-bang-to-quoc-ghi-cong-35-nam-post786858.html