Nói chín thì phải làm mười...

Người xưa từng răn dạy: 'Nói chín thì phải làm mười/ Nói mười làm chín, kẻ cười người chê', đại ý để khuyên răn mỗi chúng ta dù đã làm được chín phần nhưng chỉ còn một phần không làm được như lời đã nói, đã hứa thì cũng bị chê cười, giễu cợt.

Trong xã hội phong kiến trước đây, các bậc quân tử luôn coi trọng “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” mà trong đó biểu hiện cốt lõi của chữ tín là “quân tử nhất ngôn”. Nghĩa là người quân tử chỉ nói một lời và khi đã nói là làm, không bao giờ thay đổi.

Nhắc lại điều đó để thấy, thời nào cũng vậy, những người có vị trí, “vai vế” trong xã hội luôn được ví như một trong những biểu tượng, hình ảnh, đại diện cho thể chế xã hội đương thời. Do vậy, họ luôn phải đề cao, coi trọng và có trách nhiệm giữ gìn, bảo đảm thống nhất giữa lời nói và hành động. Nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, bất cứ lời nói, phát ngôn nào của cán bộ, đảng viên khi đã được đăng tải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thì những lời hay, ý đẹp của họ cũng dễ trở thành tiêu điểm của dư luận; đồng thời cũng là bằng chứng để người dân theo dõi, giám sát giữa lời nói và việc làm của họ có nhất quán hay không.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Thế nhưng ngày nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên nói và làm không nhất quán, nói không đi đôi với làm, hứa nhiều làm ít mà nguy hại hơn là nói một đằng, làm một nẻo. Trong đó vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có chức vụ khá cao chỉ nói mà không làm, chỉ hứa hão nhưng không thực hiện, nói thì hay nhưng làm thì dở, thậm chí hành động, việc làm trái ngược hoàn toàn với những lời hoa mỹ đã phát ngôn. Họ không chỉ tự bêu gương xấu trước cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào thể chế, bộ máy công quyền và đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.

“Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo...” là một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Thực tiễn cũng cho thấy, một bộ phận quan chức ở nhiều cấp, nhiều nơi vẫn chỉ nói mà không làm, nói đúng đường lối nhưng lại làm sai nghị quyết, làm trái pháp luật. Bởi vậy mà có không ít quan chức khi phát biểu trong hội nghị hay tiếp xúc với nhân dân thì rao giảng đạo đức, hô hào quyết liệt đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực nhưng chính bản thân họ lại có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, đòi quà cáp, đòi hối lộ từ người dân, doanh nghiệp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, coi đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng và bản thân Người là tấm gương sáng ngời trong việc nói đi đôi với làm. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ triệt để thực hành “nói đi đôi với làm” mà còn phải “nói chín, làm mười”. Đây không chỉ là nguyên tắc, đạo đức, lẽ sống mà còn là biểu hiện của sự gương mẫu, mực thước để quần chúng nhân dân học theo, làm theo.

NGUYỄN PHƯƠNG LOAN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/y-kien-tam-huyet-voi-dang/noi-chin-thi-phai-lam-muoi-741775