Nơi đã đi qua và viết

Đối với người làm báo, mỗi nơi đi qua đều để lại ấn tượng, cảm xúc và trải nghiệm quý giá. Đó không chỉ là nơi thoáng qua, mà nhiều phóng viên vẫn luôn dõi theo sự thay đổi của vùng đất ấy.

Cơ duyên với Đắk Panh

Thôn Đắk Panh, xã Sơn Màu từng là một trong những thôn xa xôi và cách trở nhất của huyện Sơn Tây. Năm 2016, tôi có dịp đến thôn Đắk Panh sau một giờ vượt qua con đường đất quanh co dài gần chục cây số, uốn lượn theo sườn núi. Chúng tôi phải để xe máy bên ngoài thôn Đắk Pao, rồi đi bộ vào thôn Đắk Panh. Tôi đã viết tác phẩm “Đắk Panh mong "mùa xuân" về”, đăng trên báo Quảng Ngãi vào tháng 10/2016. Nội dung tác phẩm nói lên những khó khăn, thiếu thốn của người dân ở thôn Đắk Panh.

Đường vào thôn Đắk Panh năm 2019.

Đường vào thôn Đắk Panh năm 2019.

Đầu năm 2019, UBND tỉnh có quyết định khen thưởng cho 6 hộ dân ở thôn Đắk Panh vì nghĩa cử hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển nông thôn mới. Đây là lần đầu tiên ở thôn Đắk Panh có 6 hộ dân tiêu biểu vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Biết được thông tin này, trong lòng tôi càng thêm quý mến người dân thôn Đắk Panh, bởi dù cuộc sống còn nhiều gian khó, nhưng họ luôn có tinh thần sẻ chia vì cộng đồng. Vậy là tôi cùng đồng nghiệp quyết định trở lại thôn Đắk Panh vào tháng 3/2019, gặp ông Đinh Văn Gành - người đã hiến hơn 5.000m2 đất. Chúng tôi đã thực hiện tác phẩm “Tấm lòng cao thượng ở vùng cao” đăng báo Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND xã Sơn Màu Võ Thế Vinh cho biết, bây giờ đường vào thôn Đắk Panh đã được bê tông. Đặc biệt, qua triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp người dân thay đổi nếp nghĩ và cách làm trong chăn nuôi, trồng trọt. “Đồng bào Ca Dong ở thôn Đắk Panh chịu khó lao động để phát triển kinh tế gia đình. Không cần vận động, người dân rất có ý thức đưa con đến trường để cha mẹ, ông bà yên tâm đi làm rẫy... Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện”, ông Võ Thế Vinh chia sẻ.

Hy vọng ở Gòi Tùng

Xóm Gòi Tùng, thôn Làng Mạ, xã Ba Tô (Ba Tơ) nằm heo hút và biệt lập giữa núi đồi. Gòi Tùng cách trung tâm xã Ba Tô 7km đường rừng, từng là nơi “bốn không”: không điện, không đường, không trường, không trạm. Năm 2019, tôi vượt đường núi trên chiếc xe máy men theo vết bánh xe của những chiếc xe chở keo để đến xóm Gòi Tùng. Nằm lọt thỏm giữa núi rừng, người dân Gòi Tùng chật vật trong đói nghèo và lạc hậu. Vào mùa mưa, những con suối chảy xiết khiến Gòi Tùng bị cô lập...

Người viết cùng với người dân thôn Gòi Tùng.

Người viết cùng với người dân thôn Gòi Tùng.

Chúng tôi rời Gòi Tùng mà lòng đầy trăn trở, hy vọng trong tương lai đời sống của người dân ở Gòi Tùng sẽ cải thiện. Những khó khăn, vất vả của người dân Gòi Tùng được phản ánh qua tác phẩm “Xóm biệt lập giữa đại ngàn” đăng báo Quảng Ngãi vào tháng 9/2019. Mỗi lần có dịp gặp lại cán bộ xã Ba Tô, chúng tôi vẫn thường nhắc nhớ về Gòi Tùng.

Trưởng thôn Làng Mạ Phạm Văn Phốc cho biết, xóm Gòi Tùng hiện có 17 hộ với 72 khẩu. Năm 2023, dự án khu tái định cư cho người dân xóm Gòi Tùng với diện tích 3ha đã được khởi công trên phần đất của thôn Làng Mạ và thôn Tà Nô, gần UBND xã Ba Tô. Người dân mong khu tái định cư sớm hoàn thành để có nơi ở mới ổn định, đời sống cải thiện hơn trước.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202406/noi-da-di-qua-va-viet-bab1080/