Nối dài 'mạch máu' giao thông

Trong cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, được ví như mạch máu của nền kinh tế. Bởi đường đi đến đâu, người dân, địa phương nơi đó phát triển đến đấy. Với mục tiêu chuyển từ vị trí dự trữ thành động lực tăng trưởng của cả vùng, Bình Phước đang đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng giao thông và xem đây là mũi nhọn đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế.

GỠ NÚT THẮT GIAO THÔNG

Những con đường lồi lõm ổ gà, ổ trâu, trời mưa thì ngập nước, trời nắng bụi mù, nay đã dần được thay thế bằng những con đường mới khang trang, có khả năng kết nối liên xã, liên huyện. Đó là niềm vui không thể kể xiết của người dân ở các xã thuộc huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh.

ĐT756 - tuyến đường vừa hoàn thành trong thời gian gần nhất có khả năng kết nối 3 huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, nối liền quốc lộ 14 với Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và Cửa khẩu Hoàng Diệu đã tạo nên diện mạo mới cho các xã vùng ven, giải tỏa được bức xúc của người dân sau nhiều năm dài chờ đợi.

Tuyến đường ĐT756 hoàn thành thỏa niềm mong đợi bấy lâu của người dân

Tuyến đường ĐT756 hoàn thành thỏa niềm mong đợi bấy lâu của người dân

Bà Hồ Thị Thanh ở ấp Thanh Hòa, xã Thanh An, huyện Hớn Quản vui mừng chia sẻ: “Đường này trước đây là đường đất, mùa mưa đi bị té lên té xuống, dân kêu nhiều. Giờ có đường mới khang trang, rộng rãi, ai cũng mừng hết. Nhà nước làm cho con đường quá tuyệt vời”.

Còn bà Nguyễn Thị Hoài Như ở ấp Chàng Hai, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh bày tỏ: “Trước đây khó khăn, hàng hóa chở ra mình bán không được giá. Hiện nay, xe vô tới chỗ, cước phí rẻ hơn, hàng hóa mình bán được giá cao hơn”.

Đi lên từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, nút thắt lớn nhất kìm hãm sự phát triển của Bình Phước có thể nói chính là giao thông. Giờ đây, sau nhiều năm dài nỗ lực, nút thắt này đang dần được tháo gỡ và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Có mở đường mới có phát triển. Không chỉ phát triển mạng lưới giao thông tỉnh lộ mà hệ thống giao thông trên địa bàn các xã, thị trấn cũng đang từng bước được nâng cấp, mở rộng bằng nhiều nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình khác nhau. Các tuyến đường bê tông, nhựa hóa xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Bức tranh giao thông của Bình Phước ngày thêm hoàn thiện, khởi sắc hơn với những gam màu sáng.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cho biết: “Lộc Phú vẫn chưa về đích nông thôn mới nhưng đã có 60% tuyến đường trên địa bàn thôn, ấp được bê tông hóa, nhựa hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại tương đối thuận tiện. Còn lại 40%, chúng tôi đang tiếp tục vận động người dân tham gia xã hội hóa cũng như đề nghị các cấp có thẩm quyền đầu tư để nhanh chóng hoàn thành các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn”.

MỞ RA KẾT NỐI LIÊN VÙNG

Bình Phước đang rất cần nhiều con đường lớn mang tính kết nối. Khi đó, hàng hóa, nông sản của tỉnh mới mở rộng được đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh cũng như thu hút được các nhà đầu tư lớn tìm đến. Đặc biệt, khoảng cách giữa các vùng sẽ được rút ngắn, mở ra cơ hội giao thương, phát triển thương mại - đều là những tiềm năng mà Bình Phước đang còn bỏ ngỏ. Trong đó, việc tập trung nguồn lực cho tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng được tỉnh ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.

Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây có ý nghĩa đặc biệt, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội giúp kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh, tạo động lực để 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước phát triển nhanh, bền vững. Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Xoài khẳng định: “Là địa bàn có tuyến cao tốc đi qua, nhân dân đã bày tỏ sự đồng thuận cao với dự án này. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan hết sức phối hợp với đơn vị tư vấn, thi công để đảm bảo kết nối thông suốt và hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra”.

Kết quả việc nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông có thể thấy ngay trong những thay đổi cuộc sống của người dân trên địa bàn. Nông dân sẽ đưa được nông sản của họ đến thị trường xa hơn, trẻ em được tiếp cận dịch vụ giáo dục tốt hơn, những ngôi nhà mới sẽ được xây dựng khang trang hơn trên những con đường thẳng tắp... Ở góc độ xa hơn, phát triển tốt hạ tầng giao thông cũng là điều kiện quan trọng để Bình Phước hoàn thành sứ mệnh kết nối của mình khi vừa là cửa ngõ vừa là điểm trung chuyển không thể thiếu trong nhiều dự án kết nối quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/134219/noi-dai-mach-mau-giao-thong