Nối dài những ca khúc về Bắc Kạn yêu thương

Đề tài về quê hương đất nước luôn mang ý nghĩa sâu sắc, là niềm cảm hứng vô tận cho những người sáng tạo văn học, nghệ thuật. Từ tình cảm chân thành, da diết đó đã có nhiều ca khúc về Bắc Kạn ra đời.

 Những ca khúc về Bắc Kạn thường mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.

Những ca khúc về Bắc Kạn thường mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao.

Với mong muốn góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương đến mọi miền, các nhạc sĩ, tác giả đã sáng tác nhiều ca khúc về đất và người Bắc Kạn. Những lời ca da diết, mang đậm thanh âm vùng cao là lời mời gọi thân thương đưa bước chân du khách về vùng đất có thiên nhiên hữu tình, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhạc sĩ Nông Văn Nhủng, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một trong những tác giả tiêu biểu sáng tác nhiều ca khúc về quê hương Bắc Kạn. Trong đó, ông đã phổ nhạc các bài thơ của các tác giả, nhà thơ, những câu thơ gợi mở góp phần để âm nhạc chắp cánh bay lên. Những bài thơ được Nhạc sĩ Nông Văn Nhủng phổ nhạc đều mang đậm bản sắc văn hóa và dạt dào tình yêu thiên nhiên, con người vùng cao. Tiêu biểu như: Người đẹp Núi Hoa (lời thơ: Dương Khâu Luông); Câu hát chia tay (lời thơ: Ma Phương Tân)…

Nhạc sĩ Nông Văn Nhủng: Từ những năm tháng ấu thơ, tôi đã được tiếp xúc nhiều hơn đến văn hóa các dân tộc trong tỉnh, từ đó các sáng tác của tôi thiên nhiều về thiên nhiên, về quê hương Bắc Kạn. Khi tiếp xúc với các bài thơ của các tác giả trong tỉnh, có nhiều bài thơ rất hay, mang những nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc như Tày, Dao… Thế là tôi bắt đầu phổ nhạc cho những bài thơ mà mình tâm đắc, với mong muốn mọi người sẽ biết đến nhiều hơn, lời thơ có thể bay xa hơn.

Ca khúc mới của nhạc sĩ Quan Anh Tuấn (NVCC)

Có thế thấy, những chất liệu âm nhạc ở Bắc Kạn tương đối phong phú và đặc sắc với: hát sli Nùng, hát lượn cọi, hát then cổ của người Tày… Từ đó, các tác giả đã tập trung khai thác tốt những chất liệu đó.

Nhạc sĩ Quan Anh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn là tác giả của nhiều ca khúc mang đậm bản sắc vùng cao Bắc Kạn, có thể kể đến các bài hát như: Sớm vùng cao quê em; Thênh thang Bắc Kạn quê tôi; Em có lên Bắc Kạn cùng anh… Những sáng tác đó đã góp phần giữ gìn và phát huy được vốn dân gian dân tộc bản địa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đồng thời tạo ra một phong cách riêng của nhạc sĩ Quan Anh Tuấn.

Nhạc sĩ Quan Anh Tuấn: Tôi đã nhiều năm làm việc và sinh sống ở Bắc Kạn, đây như là quê hương thứ hai của tôi. Thiên nhiên hoang sơ và sự thân thiện của con người cùng những bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng của các dân tộc là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác. Tôi mong sao những ca khúc của mình sẽ góp phần để mọi người hiểu và biết đến nhiều hơn về những đổi thay của Bắc Kạn hôm nay.

Thời gian gần đây đã có nhiều người yêu âm nhạc viết về Bắc Kạn với nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó có tác giả Bế Cao Kết với các ca khúc: “Ba Bể tình em”; “Tìm em trong lời then”; “Bắc Kạn quê hương tôi”, nhận được sự yêu thích của những người yêu nhạc trong và ngoài tỉnh.

Một sáng tác đặc sắc của tác giả Bế Cao Kết (NVCC)

Với tình yêu và năng khiếu âm nhạc, những bài hát do tác giả Bế Cao Kết sáng tác đều được anh đầu tư thu âm và chia sẻ trên các mạng xã hội. Đặc biệt hơn, các ca khúc của tác giả Bế Cao Kết đều mang đậm dấu ấn của quê hương Bắc Kạn. Đó là lời mời gọi du khách đến với “Ba Bể tình em”, là những nông sản của từng vùng miền của “Bắc Kạn quê hương tôi”, là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày “Tìm em trong lời then”.

Thông qua những ca khúc truyền cảm, tha thiết du khách mọi miền biết nhiều hơn đến một Bắc Kạn với thiên nhiên hữu tình, con người thân thiện và những bản sắc văn hóa đặc sắc. Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn hiện đang tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật Bắc Kạn hướng đến Kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), mong rằng sẽ nhận được nhiều ca khúc của các tác giả trong và ngoài tỉnh, để từ đó cùng nối dài những thanh âm thật đẹp về Bắc Kạn yêu thương./.

Bích Phượng

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/noi-dai-nhung-ca-khuc-ve-bac-kan-yeu-thuong-post65107.html