Nối dài những chuyến hàng xuyên biên giới

Ngày 16-3 vừa qua, Đồng Nai đón chuyến tàu đường sắt chở hàng đầu tiên từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tại Ga Trảng Bom (H.Trảng Bom). Chuyến tàu do Công ty TNHH Shandong Hi-Speed Qilu Eurasia Railway, thuộc Tập đoàn Cao tốc Sơn Đông khai thác, vận chuyển hàng hóa qua lại giữa 2 nước.

Buổi đón chuyến tàu đường sắt chở hàng đầu tiên từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tại Ga Trảng Bom (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Buổi đón chuyến tàu đường sắt chở hàng đầu tiên từ tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tại Ga Trảng Bom (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Sự kiện này đánh dấu mốc khởi điểm quan trọng trong vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) tại Đồng Nai và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: chuối, sầu riêng, mít, chôm chôm…

* Trung tâm trung chuyển hàng hóa cấp vùng

Đồng Nai đã được quy hoạch Tổng kho trung chuyển miền Đông với diện tích 614ha tại khu vực Ga Trảng Bom (ga tàu hỏa chuyên vận tải hàng hóa). Do đó, với vai trò là khu phát triển dịch vụ kho bãi, trung chuyển hàng hóa cho Đồng Nai và các tỉnh lân cận, Đồng Nai trở thành địa phương có tiềm năng thu hút phát triển kinh tế thông qua sự đa dạng của các loại hình giao thông - vận tải như: đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy.

Toàn tỉnh hiện có 120 mã số vùng trồng và 58 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 24 ngàn ha, với 7 loại trái cây gồm: chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh, sầu riêng. Trong đó có 83 mã số vùng trồng gồm: chuối, mít, xoài, thanh long, chôm chôm, sầu riêng phục vụ thị trường Trung Quốc. Có 4 loại trái cây gồm: măng cụt, sầu riêng, chuối và chanh đã được ký kết nghị định thư giữa 2 nước. Hiện Trung Quốc và Việt Nam đang đàm phán để ký kết xuất khẩu khoai lang và quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ông Xu Meng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Shandong Hi-Speed Qilu Eurasia Railway thông tin, sự xuất hiện của tuyến đường sắt Sơn Đông - Đồng Nai là thành tựu quan trọng của Tập đoàn Cao tốc Sơn Đông, mở ra kênh vận chuyển đường sắt giữa tỉnh Sơn Đông và các nước thành viên RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực).

Theo ông Xu Meng, kể từ khi RCEP có hiệu lực vào ngày 1-1-2022, giao thương giữa Trung Quốc với 10 nước ASEAN và các nước thành viên khác đã trở nên gần gũi hơn. Tuyến đường sắt Trung Âu đã mở các tuyến mới từ Sơn Đông đến Hà Nội; Viêng Chăn, Luông Pha Băng (Lào) và các tuyến Đông Nam Á khác… nhờ các chính sách ưu đãi từ RCEP.

Không chỉ là một trong những tỉnh, thành đứng đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai còn là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn với những vùng trồng cây trái chủ lực như: bưởi, xoài, mít, sầu riêng, chuối… Đặc biệt, cuối tháng 2 vừa qua, Đồng Nai đã xuất khẩu lô chuối tươi đầu tiên trong năm 2023 sang thị trường Trung Quốc. Do đó, nhiều nông dân mong rằng, thời gian tới, tuyến tàu hỏa Sơn Đông - Đồng Nai sẽ mang lại cho các doanh nghiệp, nông dân Đồng Nai cơ hội được XNK hàng hóa một cách nhanh nhất, rẻ nhất và an toàn nhất, đặc biệt là nông sản của tỉnh.

* Tăng cường hợp tác quốc tế

Đánh giá về chuyến tàu đường sắt chở hàng đầu tiên từ Trung Quốc đến Đồng Nai, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM nhấn mạnh, đây sẽ là chuyến tàu khởi nguồn mang lại nhiều cơ hội giao thương, hợp tác đầu tư giữa 2 nước. Ông Ngụy Hoa Tường kỳ vọng các bên cùng nhau hợp tác, đổi mới công dụng, tạo giá trị cao hơn từ các chuyến hàng nhằm phục vụ hợp tác và phát triển 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, ngoài sự đầu tư, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ, dự án Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2026, các dự án đường thủy thì hệ thống giao thông đường sắt đã được quan tâm phát triển như: tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, tổng kho trung chuyển miền Đông đến sân bay Long Thành và hệ thống cảng biển Nhóm V trên địa bàn H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và khu vực cảng Thị Vải - Cái Mép. Với những lợi thế và tiềm năng phát triển như trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Đồng Nai luôn sẵn sàng chào đón và hợp tác cùng các nhà đầu tư trên tinh thần hai bên cùng có lợi để phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là về lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ logistics.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202303/noi-dai-nhung-chuyen-hang-xuyen-bien-gioi-3160805/