Nội địa hóa ô tô và kỳ vọng từ thành quả của VinFast

'VinFast mới có hơn 7 năm thôi nhưng đã đạt tỷ lệ nội địa hóa ô tô trên 60%, điều mà nhiều hãng xe lớn tại Việt Nam không làm được dù đã hiện diện tại Việt Nam gần 30 năm'.

Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh câu chuyện tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đặc biệt là sau khi VinFast thông báo đã chính thức đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60% cho các dòng ô tô điện sản xuất tại nhà máy Hải Phòng. Mục tiêu của hãng xe thuộc tập đoàn Vingroup là nâng tỷ lệ nội địa hóa lên hơn 84% vào năm 2026.

Theo bà Lan, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, cụ thể là công nghiệp phụ trợ ô tô, thực sự là bài toán rất khó. Và cũng chính vì vậy, nền công nghiệp hóa của Việt Nam đã không thực hiện được theo tiến độ.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thăm xưởng khuôn mẫu tại nhà máy ô tô VinFast - Ảnh: TC

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thăm xưởng khuôn mẫu tại nhà máy ô tô VinFast - Ảnh: TC

“Vào năm 2020, chúng ta đã từng khát khao trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, sau đó lùi lại mục tiêu đến năm 2030. Nhưng liệu chúng ta có làm được hay không vẫn là một dấu hỏi. Chúng ta phải có sự nỗ lực hết sức to lớn mới có thể hoàn thành. Nhưng nhìn thấy những thành quả VinFast vừa đạt được, tôi rất mừng và hy vọng”, bà Lan chia sẻ.

“Tôi từng rất lo cho VinFast”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, khi biết Vingroup quyết định làm ô tô vào năm 2017, bà đã rất lo vì sự cạnh tranh quá lớn, không chỉ đến từ các nước tiến tiến, công nghiệp hóa cao trên thế giới mà cả nguồn cạnh tranh đến trực tiếp từ các nước trong khối ASEAN, những nơi rất gần Việt Nam.

Mối lo ngại của bà Lan chính là kể từ ngày 1/1/2018, ô tô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đáng chú ý là hầu hết các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới đều đặt nhà máy lắp ráp tại Thái Lan và Indonesia để phục vụ xuất khẩu ra thị trường khu vực Đông Nam Á.

“Nhưng được đi thăm nhà máy giai đoạn đầu, rồi theo dõi mấy năm nay, đặc biệt là năm 2024, tôi thực sự thấy rất nhẹ nhõm khi biết VinFast đang dẫn đầu về thị phần ô tô. Chiến lược chuyển sang xe điện thực sự rất khôn ngoan, đúng đắn và tạo thành công lớn cho VinFast. Tôi rất mừng khi VinFast đã làm được việc đó”.

Cũng theo bà Lan, mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 84% vào năm 2026 mà VinFast đặt ra là hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào thực tế hiện nay và những gì hãng xe Việt đang làm. “VinFast mới có hơn 7 năm thôi nhưng đã làm được điều mà nhiều hãng xe lớn tại Việt Nam không làm được dù đã hiện diện tại Việt Nam gần 30 năm”, bà Lan chia sẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật cũng cho rằng, những kết quả mà VinFast đạt được cho đến thời điểm này thực sự rất đáng tự hào. Thậm chí, tỷ lệ nội địa hóa trên 60% đối với các dòng xe du lịch của VinFast hiện nay có thể coi là kỳ tích khi đặt vào bối cảnh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần 30 năm qua.

 Sản xuất mô-tơ điện ô tô VinFast - Ảnh: ĐT

Sản xuất mô-tơ điện ô tô VinFast - Ảnh: ĐT

Năm 1995, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu hình thành với sự góp mặt của 11 hãng ô tô lớn trên thế giới. “Đối với những nhà đầu tư đó, ban đầu chúng ta cho họ ưu đãi khá cao trên cơ sở cam kết tạo lao động, việc làm cho Việt Nam và liên tiếp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Phần lớn các nhà đầu tư cam kết đạt khoảng 30% nội địa hóa cho Việt Nam sau 10-15 năm và chuyển giao công nghệ, cam kết xuất khẩu… Tuy nhiên, sau gần 30 năm, những mục tiêu lớn đặt ra vẫn không đạt được, hoặc rất ít.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô đang tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe du lịch dưới 10 chỗ ngồi vẫn rất thấp. Mục tiêu đề ra là đạt 30-40% nội địa vào năm 2020, tăng lên 40-45% vào năm 2025 và đạt 50-55% vào năm 2030. Tuy nhiên, con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, thấp hơn rất nhiều so với “kế hoạch” và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Chờ đợi “cánh chim đầu đàn”

Bên cạnh VinFast, một số doanh nghiệp ô tô lớn khác cũng đang đạt tỷ lệ nội địa hóa rất đáng khích lệ. Thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và tham vấn các chuyên gia cho thấy, Toyota Việt Nam đang đạt tỷ lệ sản phẩm, linh kiện ở mức 30-40%, theo đó một số mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa khá cao là Vios đạt khoảng 43%, Innova đạt khoảng trên 70%.

Ghi nhận từ tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng cho biết các mẫu xe lắp ráp trong nước doanh nghiệp này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%, một số mẫu xe thương mại đạt 80-90%.

Theo các chuyên gia, điểm chung của các doanh nghiệp này là luôn nỗ lực kết nối, tạo chuỗi cung ứng trong nước và thậm chí ngay trong tổ hợp sản xuất của mình.

Đơn cử như Thaco, tập đoàn đặt trung tâm sản xuất tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) hiện đang có các doanh nghiệp, đơn vị vệ tinh, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng. Nhờ vậy, Thaco đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, xe bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa – composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.

Hay như VinFast, hãng xe thuộc tập đoàn Vingroup đang dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp sản xuất tại Hải Phòng để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, VinFast đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, trong nhà máy VinFast có các xưởng dập, hàn, lắp ráp và động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc, Tây Ban Nha

 Dây chuyền hàn thân vỏ trong nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng - Ảnh: VF

Dây chuyền hàn thân vỏ trong nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng - Ảnh: VF

Theo GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với công nghiệp ô tô, những phân xưởng nhà máy được đánh giá quan trọng là dập thân vỏ, động cơ điện, pin và những cấu phần quan trọng này đều đang được sản xuất tại nhà máy VinFast.

“Tại VinFast, tỷ lệ nội địa hóa hiện đã đạt hơn 60% với những chi tiết quan trọng như động cơ điện, thân vỏ, trần xe, giảm xóc… Tôi đến nhà máy VinFast và bị thuyết phục vì thực tiễn là rõ ràng. Ngoài ra, với ô tô điện, các thành tố chính còn là cell pin, pack pin, hệ thống điện, sạc, hệ thống truyền động, điều hòa, phần mềm điều khiển… Tôi mừng là VinFast đã đi thẳng vào những chi tiết quan trọng này để làm chủ”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng những thành tựu mà VinFast đạt được sau 7 năm là rất đáng tự hào. Vì vậy, VinFast và một số doanh nghiệp đi đầu trong ngành công nghiệp chế tạo cần sắm vai “cánh chim đầu đàn” để kéo theo nhiều “cánh chim” khác, qua đó giúp ngành công nghiệp ô tô nói riêng và các ngành công nghiệp chế tạo nói chung phát triển mạnh mẽ và phù hợp với bối cảnh mới.

Chiến lược tăng tỷ lệ nội địa hóa của VinFast:

Phối hợp với các đối tác có sẵn sự hiện diện tại Việt Nam

Tận dụng mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ sẵn có để tối ưu hóa nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Với các đối tác nội địa: Kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất phụ tùng, linh kiện hoặc các lĩnh vực hỗ trợ như logistics, lắp ráp, gia công… nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng tốc độ cung ứng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Với các đối tác FDI tại Việt Nam: Kết hợp với các doanh nghiệp FDI đã có tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc sản xuất linh kiện, giúp tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cao và kỹ năng quản lý hiện đại.

Hợp tác chuyển giao công nghệ

Với mục tiêu đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa.

VinFast sẽ làm việc với các công ty có chuyên môn về thiết kế, sản xuất các linh kiện phức tạp, và đòi hỏi chất xám, công nghệ hàng đầu thế giới để hợp tác chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác hiện tại của VinFast tại Việt Nam. Đồng thời phát triển năng lực nội bộ bằng cách đào tạo đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam để vận hành công nghệ một cách hiệu quả và sáng tạo.

Hoạt động này sẽ giúp tăng tính chủ động trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí nhập khẩu, và từng bước xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững.

Kêu gọi đầu tư, hợp tác cùng phát triển

VinFast sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ.

Cụ thể, VinFast sẽ kêu gọi đầu tư FDI mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất linh kiện trong tổ hợp nhà máy VinFast. Song song, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và tham gia vào chuỗi cung ứng của VinFast.

An Nhi

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/noi-dia-hoa-o-to-va-ky-vong-tu-thanh-qua-cua-vinfast-post325393.html