Nơi đó có tình quân dân...
Chớm xuân Tân Sửu 2021, về công tác tại tỉnh Gia Lai, khắp các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, đến đâu chúng tôi cũng được nghe cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và người dân địa phương nắc nỏm khen LLVT tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, phần việc thiết thực tham gia phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới, thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, củng cố thế trận lòng dân và xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
"Thần đèn" của đồng bào Ba Na
Sáng cuối năm, mưa bay lất phất, tiết trời se lạnh, đón chúng tôi tại trụ sở UBND, anh Phùng Trung Toàn - Chủ tịch UBND xã Chư A Thai (H. Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) phấn khởi kể về quá trình dời về làng Hek tái định cư của các hộ đồng bào dân tộc Ba Na từng sinh sống trên đỉnh núi Cheng Leng. Ngược thời gian 26 năm về trước, năm 2004, do tập tục du canh du cư, một nhóm cư dân người Ba Na của xã đã kéo nhau lên đỉnh núi dựng chòi, thấy đất đai màu mỡ, liền định cư và không muốn xuống núi nữa. Con đường duy nhất lên đây chỉ rộng chừng 2m với lởm chởm đá núi, rất khó đi. Chính vì nằm khá biệt lập nên cuộc sống của người dân thiếu thốn, khó khăn trăm bề: không điện, không đường, không trường, không trạm, không hộ khẩu và không được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách gì. Những đứa trẻ sinh ra như cái cây trên rừng, như hòn đá trong núi, không có giấy tờ tùy thân, không được đến trường. Được các cấp, các ngành từ huyện đến xã kiên trì vận động, thuyết phục, dần dần người dân nghe ra. Để thực hiện việc di dời xuống chân núi tái định cư, Bộ CHQS đã điều động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 50 (Trung đoàn 991) hành quân về với bà con.
Làng Hek xuân này hiện ra trước mắt chúng tôi với những nóc nhà đủ sắc màu, bố trí khá ngay hàng thẳng lối. Chuẩn bị đón Tết cổ truyền thứ 2 ở đây, "ăn cơm mới, nói chuyện cũ", người dân Cheng Leng hào hứng kể lại hành trình "cõng làng": Nhà sàn của người Ba Na dựng lên từ những khung gỗ nặng, khá thô sơ. Bộ đội phải tháo bớt những lớp ván mỏng, chỉ để lại phần khung nhằm giảm bớt trọng lượng; gia cố chằng buộc cẩn thận những điểm nối. Đồng thời, dọn dẹp hết những vật cản trên đường đi, tháo cả cột trụ hay đường dây điện chắn lối. Đoạn đường từ đỉnh xuống chân núi dài chừng 5 cây số, để khiêng 12 nhà ở và 1 nhà rông của bà con, bộ đội đảm nhận nhiệm vụ chính xếp hàng trong cùng, đứng dưới những thanh xà nặng nhất, người dân trong làng xếp vòng ngoài. Cả trăm người cùng ghé vai nâng căn nhà nặng hàng tấn lên, theo hiệu lệnh của người chỉ huy, nhích từng bước để di dời đến địa điểm đã định trước.
Nói về đợt dân vận đặc biệt này, Thiếu tá Nguyễn Văn Trung - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 50 trực tiếp chỉ huy, theo sát bộ đội chia sẻ: "Đó là đợt công tác cuối năm 2018, đơn vị chia làm hai nhóm, một nhóm vượt núi dỡ nhà, đem vật dụng xuống. Nhóm khác chốt tại làng Hek cùng người dân khẩn trương dựng làng. Người đào hố, người chôn cột, mỗi người một việc, mỗi người một tay, tiếng nói cười lúc nào cũng râm ran. Mặc dù làm việc vất vả, khẩn trương nhưng cán bộ, chiến sĩ đều lao động hăng say, đoàn kết cộng đồng trách nhiệm, ai cũng rất vui khi được người dân yêu mến gọi là "thần đèn". Về nơi ở mới, đơn vị còn giúp người dân làng Hek sắp xếp, ổn định lại nhà cửa, vận động bà con đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở, làm công trình vệ sinh xa nơi ở, trồng rau xanh đưa vào bữa ăn hằng ngày; những nhà có tôn và mái lợp bị hư hỏng, đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí thay mới, hướng dẫn bà con tổng dọn vệ sinh môi trường, chủ động phòng ngừa dịch bệnh...".
Đứng bên căn nhà được dựng lại ở làng Hek, anh Nay Bhin (36 tuổi) tâm sự: "Cái gì bộ đội cũng giúp hết, dỡ cái nhà, đem nhà xuống núi, rồi dựng lại. Xuống dưới đây, dân làng có sẵn nước uống, đường đi tiện lợi, lại gần trung tâm xã, có điện thắp sáng, có nước sinh hoạt. Nhà mình 4 đứa con, trước đây ở trên núi không đi học, bây giờ tất cả đều được đến trường biết đọc cái chữ, làm phép tính rồi, vui lắm!".
Hàng loạt chương trình "vì dân" hiệu quả
Làm việc với chúng tôi, Đại tá Lê Tuấn Hiền - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Hằng năm, Đảng ủy Quân sự tỉnh đều bổ sung nội dung phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" vào nghị quyết lãnh đạo; rà soát, ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao 16 đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới tại 36 xã của 11 huyện, thị xã và 17 đơn vị Quân đội tham gia làm công tác dân vận tại 72 xã của 17 huyện, thị xã".
Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, các đơn vị Quân đội đã huy động gần 16.000 lượt quân nhân giúp dân lao động sản xuất phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp với chính quyền làm mới và nâng cấp 113,27km đường giao thông nông thôn; làm mới 24,5km đường điện phục vụ dân sinh; dựng 2 trường học, nâng cấp 9 phòng học, làm mới 4 nhà văn hóa thôn, làng, xây 172 nhà đại đoàn kết cho đồng bào vùng biên giới, khám bệnh, cấp phát thuốc cho hàng chục ngàn lượt người dân... Riêng năm 2017, đã xây mới, sửa chữa 240 nhà cho gia đình chính sách thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Phát huy vai trò nòng cốt, LLVT tỉnh chủ động phối hợp với các ngành, các lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Bám sát đặc điểm của một tỉnh Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, chủ động giúp dân "Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo", các đơn vị kiên trì phương châm "Cầm tay chỉ việc", không chỉ hỗ trợ con giống, vật nuôi, phân bón, làm chuồng trại... mà còn phối hợp với địa phương giúp các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, học tập các mô hình điểm.
5 năm qua, LLVT tỉnh đã nhận giúp 98 hộ dân vươn lên thoát nghèo, trong số đó có 63 hộ đã thoát nghèo bền vững. Trên trận tuyến chống thiên tai, Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, nỗ lực phòng chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả bão lũ, thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của người dân trong những lúc nguy nan nhất. Ngoài ra, LLVT tỉnh thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng với các tỉnh Ranatakiri, Stung Treng, Preah Vihear, Quân khu 1, Quân khu 4 (Vương quốc Campuchia) thông qua các hoạt động hội đàn, kết nghĩa, giao lưu cán bộ, sĩ quan trẻ và nhân dân 2 bên biên giới, thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, góp phần tăng cường tình đoàn kết, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tân Sửu này, cũng như mọi năm, bộ đội sẽ lại tỏa về ăn Tết Nguyên đán với đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai chương trình "Xuân đoàn kết - Tết yêu thương", góp phần mang lại những mùa xuân tươi vui, ấm no, hạnh phúc. Đại tá Lê Kim Giàu - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai khẳng định: "LLVT tỉnh luôn chăm lo xây đắp, củng cố tình đoàn kết quân dân ngày càng khăng khít, bền chặt. Đó chính là cội nguồn sức mạnh, bản chất, truyền thống của Quân đội ta "Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu", là bức tường thành vững chãi, góp phần xây dựng tỉnh Gia Lai giàu về kinh tế, mạnh về QP-AN".
Ghi chép: Ngọc Diệp
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_235703_noi-do-co-tinh-quan-dan.aspx