Nơi đón Tết trung thu sớm nhất

Độ gần một tháng nữa, mùa Tết trung thu mới đến nhưng phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tràn ngập món đồ chơi trung thu truyền thống đủ sắc màu. Chiếc đèn ông sao, mặt nạ, đèn cù, đèn kéo quân, trống, mặt nạ giấy bồi, đầu lân được trang trí vô cùng bắt mắt.

Phố Hàng Mã lung linh sắc màu của món đồ chơi truyền thống. Ảnh: Mộc Miên

Phố Hàng Mã lung linh sắc màu của món đồ chơi truyền thống. Ảnh: Mộc Miên

Ngay đầu tháng 8 dương lịch, nhiều bạn trẻ rỉ tai nhau đến phố Hàng Mã để chụp ảnh kỷ niệm, các gia đình chở con cái đến mua sắm, vui chơi. Bất cứ ai đặt chân đến đầu phố Hàng Mã đủ cảm nhận về không khí đón Tết trung thu nhộn nhịp, tấp nập. Năm nay, đồ chơi trung thu truyền thống “lên ngôi” tại phố Hàng Mã, với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau. Món đồ chơi được lòng khách hàng nhất vẫn là những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân đủ loại to nhỏ, mặt nạ giấy bồi vẽ hình chú cuội, chú hề, ông địa,… Món đồ chơi tò he với tạo hình đồ chơi trung thu truyền thống cũng được nhiều người tìm mua.

Tín hiệu này là sự khích lệ lớn để lưu giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam. Bên cạnh phục vụ khách hàng, mỗi ngày các tiểu thương cũng sắp xếp các đơn đặt hàng từ nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, doanh nghiệp… với số lượng lớn để trang trí. Các hội, đoàn thể, đoàn thanh niên tại Hà Nội cũng đặt hàng để biểu diễn văn nghệ, phục vụ trung thu cho trẻ nhỏ.

Ngắm nhìn những món đồ chơi trung thu đủ sắc màu, gợi lên bao ký ức mùa trung thu năm xưa. Ngày ấy, quê tôi vẫn còn nghèo, những chiếc đèn ông sao là món đồ ao ước của bao đứa trẻ. Mỗi xóm, mỗi làng thường tập trung làm chiếc đèn giấy to để rước đèn ngày Tết trung thu. Đám trẻ quẩn quanh nhặt những mảnh giấy màu còn sót lại, nhờ bố vót cho chiếc que tre đan thành hình ông sao và dán mặt giấy bằng hồ nước, khi thì bằng cơm nguội. Chiếc đèn ông sao “tự chế” dù không lung linh sắc màu nhưng trọn vẹn niềm vui, háo hức của trẻ nhỏ.

Sau giờ cơm tối, đám trẻ chúng tôi í ới gọi nhau ra đình làng, ngồi chờ sẵn để nhập cuộc với hội rước đèn, hội múa lân đi rước đèn trung thu khắp ngõ, xóm. Tiếng trống hòa nhịp với điệu múa lân, ông địa múa lân tạo không khí nhộn nhịp, tưng bừng. Những nụ cười, ánh mắt đầy niềm vui của bà con thôn xóm khi hội múa lân có “pha” nhảy cao là một tràng vỗ tay cổ vũ. Rước đèn xong cũng là lúc đám trẻ phá mâm cỗ trung thu được những người bà, người mẹ khéo tay chuẩn bị trước. Chia nhau từng miếng bánh dẻo, bánh nướng, chiếc kẹo đủ sắc màu, cùng cùi dừa thơm phức, các loại quả mùa thu từ quả bưởi, quả na, quả hồng,… Chúng tôi vừa ăn, vừa nói chuyện rôm rả.

Giờ đây, đón Tết trung thu nơi phố thị nhộn nhịp, náo nhiệt hơn nhưng có lẽ hương vị Tết trung thu năm xưa vẫn là những ký ức đẹp đẽ, khó phai trong lòng mỗi người con xa quê.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/noi-don-tet-trung-thu-som-nhat-351062.html