Nội dung chính sách phải là một trọng tâm trong quá trình giám sát
Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát năm 2025, các đại biểu Quốc hội đề nghị, tới đây giám sát văn bản quy phạm pháp luật cần chú trọng phân tích, đánh giá chính sách. Qua đó, mới chỉ rõ được căn nguyên thực chất, bản chất trong hệ thống văn bản, chính sách pháp luật, để có những đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023, những tháng đầu năm 2024, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhận thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều hoạt động giám sát có tác động ngay trong quá trình giám sát, như giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; hay giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đặc biệt, một trong những kết quả nổi bật, rõ nét trong hoạt động giám sát, đó là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.
Cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao việc Quốc hội quyết định giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn thực hiện. Nhấn mạnh kết quả này, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) nêu rõ, từ kết quả giám sát, Quốc hội đã đánh giá thực trạng tình hình, kịp thời xem xét, ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý với những điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình.
Nhiệm kỳ này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Quốc hội, hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới. Khẳng định điều này, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) chỉ rõ: chúng ta đã giám sát ngay trong quá trình vừa ban hành chính sách và ngay trong quá trình thực thi.
Hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã được định hướng tập trung vào đánh giá chính sách. Đây là cơ sở rất quan trọng để phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là đề xuất được những vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn thiện thể chế. Dẫn ví dụ về kết quả này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tập trung chỉ đạo rất mạnh về việc phân tích, đánh giá chính sách - cơ sở để chỉ ra những vướng mắc trong thể chế, tạo sự đồng thuận giữa Quốc hội và Chính phủ. Chính vì thế, Quốc hội mới xem xét, ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, với những vấn đề vượt khỏi tầm của các luật là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu.
Đề xuất mở rộng giám sát cả văn bản không phải quy phạm pháp luật
Nhấn mạnh, giám sát văn bản quy phạm pháp luật là điểm mới của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ - UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, hiện nay, kết quả báo cáo giám sát về nội dung này mới chỉ nêu được tính hợp hiến, hợp pháp, đầy đủ, kịp thời của các văn bản quy phạm pháp luật, nội dung chính sách chưa được đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ.
Dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đó là nội dung chính sách là vấn đề rất quan trọng trong giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nội dung chính sách phải là một điểm nhấn giúp cho việc hoàn thiện thể chế. Đại biểu đề nghị, phải tiếp tục quy định rõ các nội dung liên quan đến giám sát văn bản quy phạm pháp luật là phân tích, đánh giá chính sách, xác định những nội dung phù hợp, tính đồng bộ của chính sách.
Giám sát văn bản chính sách dân tộc cho thấy, Bộ Tài chính báo cáo có 5 chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc, nhưng thực tế kiểm tra chỉ có 5 Thông tư liên quan đến 5 bảo tàng, trong đó có một khoản quy định rất nhỏ miễn, giảm 50% vé tham quan của đối tượng là học sinh dân tộc các trường phổ thông dân tộc nội trú. Thực tế cho thấy, tác động của chính sách này rất ít. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đặt câu hỏi: Vừa qua không biết có bao nhiêu cháu ở các trường dân tộc nội trú được về Hà Nội thăm bảo tàng và được miễn, giảm vé…? Đây là những vấn đề cần có sự phân tích, đánh giá chính sách thì mới chỉ rõ được căn nguyên thực chất trong hệ thống văn bản chính sách pháp luật để có đề xuất sửa đổi phù hợp.
Cũng liên quan đến giám sát văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, Điều 69, Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Khoản 2, Điều 6, Luật Tổ chức Quốc hội quy định "Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập”. Khoản 1, Điều 4 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định “Quốc hội giám sát tối cao văn bản quy phạm pháp luật”. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân theo hướng mở rộng đối tượng giám sát văn bản ra cả văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật.
Lý lẽ, theo đại biểu là bởi, “việc ban hành văn bản là văn bản hành chính cũng nằm trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, thì Quốc hội giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tức là hoạt động gồm có cả văn bản quy phạm pháp luật và cả việc ban hành văn bản không phải quy phạm pháp luật”.
Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết, vừa qua, tại Kon Tum, qua 4 chuyên đề giám sát được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương 33 kiến nghị, chuyển đến UBND tỉnh 30 kiến nghị. Qua theo dõi, UBND tỉnh Kon Tum rất đồng tình và kịp thời chỉ đạo các cơ quan nhà nước ở địa phương thực hiện nội dung kiến nghị do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến. Nhờ đó, đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương, giúp cho các quy định pháp luật được triển khai kịp thời và thực hiện nghiêm minh ngay từ cơ sở.
Trong phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao việc chủ động xây dựng Chương trình giám sát cả trong nhiệm kỳ, trong năm 2023 và đầu năm 2024 với nhiều nội dung đổi mới rất quan trọng. Các đại biểu cũng chỉ rõ, nội dung chính sách phải là một trọng tâm trong quá trình giám sát và cần tăng cường phân tích, đánh giá chính sách thật thấu đáo và kỹ lưỡng… Ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu đầy đủ và làm cơ sở để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát trong thời gian tới.