Nơi kết nối thực hiện nhiều việc nghĩa tình
Nơi làm việc của Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh chỉ là một căn phòng nhỏ nằm nép phía sau cuối khu làm việc của Câu lạc bộ hưu trí TP Hồ Chí Minh (41 Nguyễn Đình Chiều, phường Đa Kao, quận 1), nhưng đầy ắp các tài liệu, sách báo, kỷ yếu… Nơi đây là nơi làm việc của các lãnh đạo và một số thành viên Ban liên lạc cựu tù…
Theo bà Hoàng Thị Khánh (SN 1947), Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh (BLL cựu tù), hiện nay BLL cựu tù hoạt động ổn định với 21 quận, huyện và TP Thủ Đức gồm 29 đồng chí (thường trực 8 đồng chí). Tính đến cuối năm 2024, tổng số cựu tù còn sinh hoạt là 6.697 thành viên.

Bà Đoàn Lê Phong tâm huyết với công việc lưu giữ những tư liệu lịch sử quý giá.
Mang trên người nhiều thương tích do bị địch tra tấn dã man trong những năm tháng tù đày ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo và dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng nữ cựu tù Hoàng Thị Khánh cùng với các thành viên lãnh đạo BLL cựu tù vẫn luôn nhiệt huyết với vai trò cầu nối giữa các cựu tù, "giữ lửa" và "truyền lửa", lan tỏa tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ.
Những ngày tháng 4 lịch sử này, nữ cựu tù Hoàng Thị Khánh tất bật với nhiều sự kiện kỷ niệm, gặp mặt, chia sẻ về những câu chuyện lịch sử đã trải qua… Tiếp chuyện chúng tôi, bà nhớ như in ký ức những năm chiến tranh, bắt đầu từ thời điểm sau khi nổ ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ngày ấy, bà Khánh là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động trong nội thành Sài Gòn.
Dưới nhiều "vỏ bọc" khác nhau, cô gái trẻ Hoàng Thị Khánh được giao thực hiện nhiệm vụ vận động, giác ngộ quần chúng, bóc trần sự thật của chế độ Việt Nam Cộng hòa; phổ biến thông tin, tuyên truyền về tình hình địch bị đánh bại, thua cuộc, thiệt hại nặng nề trước Quân Giải phóng; những chiến công của ta trên chiến trường Nam Bộ, động viên đồng bào vận động con em đi lính Việt Nam Cộng hòa trở về hoặc quyết không đi lính...
Năm 1969, đường dây bị lộ nên Hoàng Thị Khánh bị địch bắt khi đang tổ chức rải truyền đơn, lúc ấy bà vừa tròn 22 tuổi. Hồi tưởng về những năm tháng bị tù đày, bà Hoàng Thị Khánh chia sẻ, sau khi bị địch bắt, bà đã bị chúng tra tấn rất dã man, nhưng nhất quyết không khai thông tin về tổ chức. Địch đưa bà và các chị em tù khác giam giữ ở nhiều nơi, từ các nhà tù Chí Hòa, Tân Hiệp, Thủ Đức và cuối cùng là đày ra Côn Đảo. Dù ở đâu, bà cũng bị địch tra tấn bằng đủ hình thức, nhưng khốc liệt nhất, dã man nhất vẫn là ở nhà tù Côn Đảo. Vừa xuống tàu, bà và các đồng chí của mình bị đưa thẳng xuống khu "chuồng cọp", nhồi nhét 4-5 người trong buồng giam có diện tích chỉ 3-5m2. Ở đó, địch tra tấn bằng đủ hình thức man rợ...
Dù vậy, Hoàng Thị Khánh luôn kiên định với lý tưởng đã chọn, cắn răng chịu đau đớn, quyết không đầu hàng, quy phục. Bà cùng các nữ đồng chí kiên trung tích cực động viên chị em, "truyền lửa" cách mạng ngay trong lòng địch, đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, giữ vững khí tiết người cộng sản trong mọi điều kiện, hoàn cảnh...
Sau khi Côn Đảo được giải phóng ngày 1/5/1975, bà Hoàng Thị Khánh trở về Sài Gòn và tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị công tác. Bà tham gia công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống mới. Trước lúc nghỉ hưu, bà là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh.
Với mong muốn chăm lo cho đồng đội là những người cựu tù như mình, bà tiếp tục tham gia BLL cựu tù từ những năm đầu, hằng ngày tất bật với công việc nghĩa tình, vận động tìm nguồn kinh phí, triển khai xây dựng nhà tình nghĩa, chăm lo cho các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Giữ chức danh Phó Trưởng ban thường trực BLL cựu tù, bà Đoàn Lê Phong, con gái của Liệt sĩ Đoàn Văn Bơ (người chiến sĩ cách mạng đã được đặt tên cho một con đường tại quận 4) cũng là người phải trải qua những năm tháng đầy gian khổ và ác liệt trong cuộc chiến tranh… Năm 14 tuổi, khi đang học tại Trường Nữ sinh Gia Long, bà Đoàn Lê Phong thoát ly gia đình và tham gia hoạt động tại Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam đóng quân tại Tây Ninh. Ở chiến khu, bà được giao nhiệm vụ văn phòng kèm nhiệm vụ giao liên.
Kể về cuộc sống nơi chiến khu, khi ấy chỉ là một thiếu nữ, bà Đoàn Lê Phong xúc động chia sẻ: "Từ năm 1964 - 1967 ở chiến khu chưa nguy hiểm, nhưng bắt đầu có những hiện tượng máy bay B52 rải thảm từ những ô này sang ô khác, khi đã xác định được ô thì không còn gì nữa hết. Ngày hôm đó báo động có B52, trên đường về giao tài liệu gấp cho tổ trưởng, khi đang đi ở giao thông hào và chuẩn bị bước lên thì bom nổ đẩy tôi rớt xuống hầm ếch. Tôi sống sót được do may mắn có cái cây ngã xuống hầm làm giảm sức ép của hơi bom. Sau đó các anh mới kéo tôi lên và tôi phát hiện chú thủ trưởng và các anh cận vệ đã hi sinh".
Cả gia đình bà Đoàn Lê Phong đều tham gia lực lượng vũ trang tuyên truyền. Trong quá trình hoạt động, bà bị địch bắt và chuyển qua nhiều nhà lao khác nhau. Khi còn khoảng một tuần lễ trước ngày đất nước thống nhất thì địch chuyển bà về Trại giam Thủ Đức.
Sau ngày hòa bình, kết thúc công tác quản lý tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, bà Đoàn Lê Phong về hưu năm 2005 và bắt đầu làm việc tại BLL cựu tù. Nhiều năm qua, bà vẫn âm thầm gìn giữ, bảo quản từng cuốn sách kỷ yếu, ghi chép quý giá về những con người kiên trung, bất khuất trước quân thù tại BLL cựu tù. Không chỉ gìn giữ, lưu trữ mà bà Đoàn Lê Phong còn đóng góp, thu thập nhiều thông tin, tư liệu và những câu chuyện chưa từng được kể về các cựu tù chính trị, làm dày thêm những trang sử hào hùng qua năm tháng chiến tranh.
Bên cạnh cùng tập thể BLL cựu tù hoàn tất công trình, quan trọng là tập kỷ yếu "Nhân vật sự kiện", tổng hợp thông tin của tất cả những cựu tù chính trị, tù binh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong suốt nhiều năm qua, bà Đoàn Lê Phong còn chấp bút thực hiện quyển sách "Hơn cả tình yêu". Đó là những câu chuyện cảm động về các đôi vợ chồng đều là cựu tù, những người đã vượt lên tất cả khó khăn, cách trở khổ đau của lao tù bằng tình yêu và niềm tin trong nhau, đến với nhau cho đến ngày đất nước hòa bình.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/noi-ket-noi-thuc-hien-nhieu-viec-nghia-tinh-i764627/