Nỗi khiếp sợ của chủ nhà nước Anh trong mùa hè

Sự sinh sôi của một loại cây có thể xuyên thủng đá lát, bê tông nhựa, thậm chí nền móng ngôi nhà. Tổng thiệt hại quy ra tiền đôi khi lên đến 100.000 bảng Anh (gần 127.000 USD).

Bà Isobel Chetwood (68 tuổi) chuyển đến ngôi nhà mơ ước vào ngày sinh nhật hơn 10 năm trước.

Kết thúc sự nghiệp 40 năm tại NHS (National Health Service - Dịch vụ Y tế Quốc gia) với tư cách giám đốc phòng khám, bà rất muốn trở về cội nguồn ở Cheshire. Vì thế, bà Chetwood chọn sống một mình trong ngôi nhà tiện nghi nằm tại làng Plumley thanh bình.

Nhà bà bố trí một "vườn giường" (raised bed - hình thức nâng luống nền đất) dùng để trồng dâu tây. Nó nằm dọc theo hàng rào ngăn cách vườn của bà với nhà hàng xóm. "Ngoài đó thật đẹp", bà Chetwood cảm thán.

 Cây dâu tây nhà bà Chetwood bị phá hủy bởi sự sinh sôi của tre.

Cây dâu tây nhà bà Chetwood bị phá hủy bởi sự sinh sôi của tre.

Mọi chuyện đều ổn cho đến khi - cách đây hơn 2 năm - chồi non thuộc giống cây khác bắt đầu mọc xung quanh dâu tây của bà như những ngọn giáo cắm xuống đất. Bằng cách nào đó, chúng tìm được đường xuyên qua thanh nối tà vẹt nặng nề và những viên gạch mà bà Chetwood dùng để xây dựng "vườn giường".

Cây mới nhanh chóng phát triển và sinh sôi nảy nở. Bà Chetwood xác định chúng là tre, nghi ngờ chúng bén rễ từ loài thực vật do người thuê nhà trước đây ở căn bên cạnh trồng. Bà Chetwood sau đó báo cho chủ nhà để người này loại bỏ tre bằng kéo và thuốc diệt cỏ. Nhưng các biện pháp chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của tre.

“Người thuê mới có 2 con nhỏ và 1 chú chó, trong khi những ngọn tre cực sắc mọc lên khắp bãi cỏ nhà họ. Ngôi nhà đẹp đẽ của tôi cũng không thoát khỏi cuộc 'xâm chiếm' của tre", bà lo lắng, nói với The Guardian.

Bà Chetwood là nạn nhân mới nhất của tình trạng gia tăng tre mọc đang gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng chủ nhà trên khắp nước Anh. Nhiều người vướng phải tranh chấp gay gắt hoặc đối mặt với hóa đơn gây sốc cho dịch vụ nhổ cây và xây lại sân vườn.

Nguồn cơn tranh chấp khi bàn giao nhà

Một số loại tre được trồng vụng về khi đang ở thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1990 và 2000 đã âm thầm tìm đường xuyên qua lớp đất trong vườn. Bây giờ, chúng mọc lên, đâm thủng đá lát, bê tông nhựa và thậm chí nền móng ngôi nhà như thể không ngao ngán bất kỳ loài thực vật nào chúng gặp phải.

"Tre trở thành 'cốt khí củ' tiếp theo của Nhật Bản", Emily Grant - giám đốc điều hành Environet, chuyên gia người Anh trong lĩnh vực khảo sát và loại bỏ thực vật xâm lấn - đánh giá.

Cốt khí củ là loại cây dại rất khó tiêu diệt tận gốc. Dù không đe dọa sức khỏe con người, nó có thể xâm lấn và làm hư hại cấu trúc đường sá, nhà cửa...

 Tre xâm lấn và làm hư hại cấu trúc đường sá, nhà cửa v.v.

Tre xâm lấn và làm hư hại cấu trúc đường sá, nhà cửa v.v.

Tre hay cốt khí củ có nhiều điểm chung, được Anh nhập khẩu cách đây hơn một thế kỷ dưới dạng cây cảnh ngoại lai mới lạ.

Sự khác biệt lớn nhất nằm ở nhận thức của mọi người về từng loại cây. “Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cho thấy 71% người dân không biết tre có thể gây ra thiệt hại. 84% thì không lường trước nó có khả năng dẫn đến các khiếu nại pháp lý giữa hàng xóm với nhau hoặc cản trở việc bán bất động sản", Grant nói.

Nước Anh hiện không ban hành hạn chế trong việc trồng tre hoặc yêu cầu pháp lý về sự hiện diện của chúng khi bán nhà, tương tự trường hợp của cốt khí củ bởi chúng không được phân loại hợp pháp là loài xâm lấn. Tuy nhiên, Grant cảnh báo một cây tre phát triển nhanh có sức tàn phá tương đương.

Chưa kể, vì thường được trồng ở ranh giới vườn làm "hàng rào tự nhiên", tre gia tăng khả năng tranh chấp so với các loại cây khác. Tre cũng mất hàng chục năm để sinh trưởng nên khó xác định đối tượng chịu trách nhiệm, thậm chí nhiều chủ nhà và người thuê mới không biết về sự tồn tại âm thầm của tre cho đến khi những chồi non đầu tiên xuất hiện.

Vì đâu tre "hoành hành"?

Kể từ khi tre xuất hiện, Environet của Grant tiếp nhận khoảng 20 câu hỏi liên quan mỗi ngày vào mùa hè - thời điểm tre sinh trưởng mạnh mẽ nhất.

“Chúng tôi từng tập trung 100% vào cốt khí củ Nhật Bản, nhưng 3 năm trở lại đây thì chia đều cho tre cũng như dịch vụ loại bỏ chúng. Không phải chúng tôi 'quay lưng' với tre, chỉ là chưa nhìn thấy nhu cầu mạnh mẽ như bây giờ", Grant chia sẻ.

Từ đây, các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu có thể là một trong các tác nhân thúc đẩy tốc độ sinh sôi của tre.

Susanne Lucas - giám đốc điều hành Tổ chức Tre Thế giới (WBO), người nghiên cứu về tre vào cuối những năm 1980 - nhận định: “Mùa hè ấm hơn nghĩa là đất đang nóng lên so với trước đây, nhờ đó cây trồng phát triển nhanh hơn”.

 Tre dường như có mặt ở khắp nơi, từ trong nhà ra đến ngoài vườn.

Tre dường như có mặt ở khắp nơi, từ trong nhà ra đến ngoài vườn.

Trong khi đó, Emily Grant - giám đốc điều hành Environet - đổ lỗi cho làn sóng mua tre vô tội vạ vào những năm 1990, 2000 khi mọi người chịu tác động của các chương trình làm vườn trên TV. Thời điểm đó, sự thiếu hiểu biết đã chi phối chuỗi cung ứng, nhất là khi đề cập việc phân biệt hơn 1.000 loại tre trên thế giới: đây là tre rễ cụm hay rễ chạy?

Tre rễ cụm có xu hướng mọc thành từng bụi có gốc chung với nhau. Với khí hậu ở Anh, Lucas đề xuất tre thuộc chi fargesia và borinda. Các giống này hiện chiếm ưu thế trong doanh số bán hàng tại nhiều đơn vị cung cấp, bởi chúng được dán nhãn "mọc thành cụm" và "không xâm lấn".

Trái lại, tre rễ chạy là loại cần tránh. Chúng tiến hóa để xâm lấn vùng đất xung quanh nhằm tạo thành rừng; hệ thống rễ phức tạp có thể lan xa vài mét theo mọi hướng. Mỗi thân rễ lại tạo ra các đốt giống đốt ngón tay, tạo điều kiện cho chồi mới vươn tới ánh sáng.

"Chồi non có đường kính khoảng 2-3 cm, đâm xuyên mặt đất với một lực rất lớn. Tôi hơi rùng mình khi thấy người ta trồng những giống tre ngoại lai lớn hơn, đường kính có thể lên tới 10 cm", Grant bày tỏ.

Xử lý thế nào?

Trở lại trường hợp của Chetwood, bà lo sợ những gì có thể xảy ra trong vườn nhà mình khi tìm hiểu các vấn đề về tre trên mạng - nơi có rất nhiều câu chuyện "kinh dị".

Tình huống xấu nhất mà Environet phải xử lý là vào năm 2019, với cuộc gọi báo cáo măng mọc phía sau tấm ván chân tường trong nhà ở Hampshire. Một cái chồi khác thậm chí xuyên thủng bức tường thạch cao trong phòng khách.

Khi đến nơi, đội ngũ khảo sát nhấc ván sàn lên và bàng hoàng phát hiện cả một mạng lưới thân rễ đã lan rộng dưới sàn nhà qua nhiều năm. Gốc của rễ bắt nguồn từ khu vườn hàng xóm.

Cách đáng tin duy nhất để loại bỏ tre triệt để là đào toàn bộ thân rễ, đồng nghĩa dỡ bỏ tất cả ván sàn và gạch lát trên mặt đất, cũng như trong nhà bếp và phòng tắm, sau đó dùng máy xúc và xẻng để kéo hàng trăm mét rễ ra.

Tổng hóa đơn mà gia đình trên phải trả là hơn 100.000 bảng Anh (gần 127.000 USD). Tuy có bảo hiểm chi trả, các thành viên phải sống trong một ngôi nhà tạm bợ suốt nhiều tháng, đợi công nhân xây lại căn nhà ban đầu của họ.

 Rễ tre có thể dài hàng trăm mét nên cần sự can thiệp của máy móc hạng nặng.

Rễ tre có thể dài hàng trăm mét nên cần sự can thiệp của máy móc hạng nặng.

Ở Northamptonshire, một chủ nhà nghỉ hưu đã trồng tre hơn 1 thập kỷ trước, bất ngờ phát hiện chồi non mọc ra từ lò nướng khi trở về nhà sau chuyến du lịch năm 2022. Việc loại bỏ tất cả thân rễ đã tiêu tốn của ông hơn 6.000 bảng Anh (hơn 7.600 USD).

Emily Grant cho biết các công ty bảo hiểm nhà cửa thường tuyên bố trồng tre là sơ suất, như để vòi nước chảy làm ngập phòng tắm. Khi cây cối trong khu vực lân cận gây thiệt hại, chính sách bảo hiểm nhà hàng xóm có thể áp dụng cho nhà kế bên. Nhờ đó, bà Chetwood không cần tốn 6.000 bảng Anh.

Bà Beverley (75 tuổi, y tá đã về hưu) lại không may mắn như vậy.

Năm 2006, bà và chồng chuyển đến nhà mới ở Hastings, nơi có sẵn 2 cây tre do người làm vườn trước kia trồng. Sau 15 năm, bộ rễ của chúng lan rộng bên dưới vườn nhà bà và nhà hàng xóm; những chồi non cũng thi nhau mọc lên.

"Hàng xóm của tôi hơi khó chịu. Tre ngày càng tiến sát căn nhà khiến tôi thực sự sợ hãi", bà bày tỏ.

Suốt 2 năm qua, cặp vợ chồng đã chi 10.000 bảng Anh (gần 17.000 USD) cho việc khai quật và khôi phục một đoạn đường công cộng ngắn nằm giữa các khu vườn (tre mọc làm gãy những miếng lát). “Đó là khoản chi phí rất lớn mà đáng lẽ chúng tôi không cần tiêu tốn, nhưng cuối cùng thì...", bà chia sẻ.

 Sự xâm lấn của tre có thể là khởi đầu cho các tranh chấp pháp lý.

Sự xâm lấn của tre có thể là khởi đầu cho các tranh chấp pháp lý.

Để hạn chế tình trạng tre xâm lấn, ngoài việc mua giống rễ cụm, người làm vườn đừng nên để tre phát triển tự do và hãy luôn để mắt đến chúng. Việc giữ chúng trong chậu, dù chôn xuống đất hay không, cũng có thể giúp ích.

Các chuyên gia khuyên người làm vườn nên đào rãnh xung quanh cây để cắt bỏ rễ mới. Rào chắn rễ, về cơ bản là tấm nhựa cứng được chôn thẳng xuống để ngăn chặn rễ lan ngang, có bán rộng rãi tại các cửa hàng làm vườn.

"Tuy nhiên, biện pháp ngăn chặn chỉ hiệu quả khi ta giám sát được. Chúng tôi thường thấy thân rễ leo khỏi rào chắn rễ hoặc xuyên qua chậu", Grant cảnh báo. Nếu để mặc như vậy, các giống tre mọc thành cụm cũng gây ra vấn đề khi bộ rễ phát triển, đặc biệt nếu được trồng sát hàng rào hoặc tường.

Còn khi vấn đề nằm ở nhà hàng xóm, Grant đề xuất trình báo để được xử lý theo pháp luật.

Dù không có luật quản lý việc trồng hay khai báo tre, chủ sở hữu hoặc người cư trú có thể trình các thủ tục tố tụng đối với hàng xóm không chịu trách nhiệm liên quan đến cây. Các hành vi theo thông luật bao gồm lấn chiếm đất, gây thiệt hại hoặc cản trở việc hưởng thụ đất của hàng xóm.

“Chúng tôi chứng kiến sự gia tăng số người khiếu nại hàng xóm bất hợp tác. Tôi nghĩ bạn nên bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện, sau đó là lá thư hoặc email trang trọng nếu tình hình tái diễn. Bạn có thể sử dụng pháp luật trong trường hợp người kia đã được thông báo nhưng không hành động. Dẫu vậy, đây là quá trình dài hơi, quan trọng là bạn vẫn phải sống cạnh họ nên giải pháp này có vẻ không lý tưởng", Grant cho biết.

Bà Chetwood và bà Beverley may mắn giữ được mối quan hệ thường ngày với hàng xóm. Vụ tre xâm lấn không có sự tham gia của luật sư. Cả hai vẫn chờ đợi khoản bảo hành 5 năm được chi trả cho công việc di dời tre. Trong thời gian này, các địa điểm khai quật tiếp tục được theo dõi, đề phòng tre tiếp tục sinh trưởng nhờ một phần thân rễ sót lại.

Qua các đợt kiểm tra hàng năm, khu vườn nhà bà Chetwood đã giống như xưa. Tuy cây dâu tây không thể sống sót, bà cho biết mình hài lòng với tình trạng bãi cỏ sát hàng rào, nơi không còn rào chắn bằng tre. "Tôi chắc chắn sẽ không có thêm tre nữa. Mọi người cắm chúng xuống đất và nghĩ mọi chuyện sẽ ổn, nhưng thực tế không phải vậy", bà nhấn mạnh sau trải nghiệm "nhớ đời".

Mai Vũ

Ảnh: Environet UK, The Guardian

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-khiep-so-cua-chu-nha-nuoc-anh-trong-mua-he-post1483174.html