Nói 'không' với dạy thêm trái quy định

Dù thuộc đối tượng được học thêm trong nhà trường nhưng việc tổ chức ôn thi cuối cấp cho học sinh khối 9, khối 12 tại nhiều nhà trường hiện đang tạm dừng chờ hướng dẫn từ các cơ quan quản lý. Vấn đề kinh phí tổ chức cũng đang được nhiều địa phương xem xét, đề xuất các giải pháp.

Tiết học Ngữ văn tại Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Tiết học Ngữ văn tại Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Nam Định vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, trường học điều chỉnh kế hoạch dạy thêm, học thêm đã được xây dựng từ đầu năm học 2024-2025; tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 THPT năm 2025 đảm bảo hiệu quả. Trong đó, thực hiện tốt phân hóa đối tượng học sinh; ưu tiên bố trí giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ những học sinh có kết quả học tập ở mức Chưa đạt hoặc Đạt; với những em có kết quả học tập ở mức Khá và Tốt có thể hướng dẫn học sinh tự ôn tập. Phân công giáo viên dạy đảm bảo mức tối đa định mức tiết dạy. Ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực tốt để dạy, hạn chế việc phân công những thầy cô này đảm nhận các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác. Đồng thời động viên khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện. Kịp thời phát hiện tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các tấm gương tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh.

Dẫu vậy, một số ý kiến cho rằng nếu chỉ “khoán” trách nhiệm dạy thêm mà không có chế độ thù lao rõ ràng, giáo viên sẽ chịu nhiều áp lực, dễ dẫn đến tâm lý chán nản, khó đảm bảo hiệu quả. Mới đây, Sở GDĐT Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy học trong nhà trường; kế hoạch dạy thêm, học thêm; ôn thi học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 THPT đã được xây dựng từ đầu năm học 2024-2025. Bố trí kinh phí chi cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho các đơn vị năm 2025; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có quy định mức chi tổ chức dạy thêm, học thêm. Đồng thời, nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, hướng dẫn và giám sát việc tự học của học sinh để đạt hiệu quả, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu học tập thông qua các phần mềm, các video bài giảng, website ôn luyện...

Tương tự, Sở GDĐT Hà Nội đã đề nghị các cấp thẩm quyền địa phương ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng ôn tập cho những nhóm học sinh thuộc trách nhiệm của nhà trường.

Trước đó, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết sắp tới sẽ có văn bản chỉ đạo các địa phương trên địa bàn về việc triển khai thực hiện công văn của Bộ GDĐT. Trong đó, tùy theo điều kiện, các địa phương có thể sẽ hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên thực hiện ôn tập cho học sinh cuối cấp và bồi dưỡng cho học sinh có kết quả chưa đạt.

Trong bối cảnh Thông tư 29 có hiệu lực khi các kỳ thi chuyển cấp cận kề, phụ huynh, học sinh lo lắng, việc hỗ trợ kinh phí để giáo viên bồi dưỡng ôn tập cho học sinh được nhìn nhận là giải pháp hợp lý, cần sớm được triển khai để nhà trường chủ động phân công thầy cô yên tâm giảng dạy.

5 giải pháp thực hiện hiệu quả Thông tư 29

Để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc này, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới công tác kiểm tra đánh giá (kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh); tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Đối với giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học, Bộ GDĐT chỉ đạo cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cả ở trung ương và địa phương việc chấp hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với hoạt động này.

Đối với truyền thông, ngành giáo dục tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.

Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, Bộ GDĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, cũng sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực cho nhà giáo.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/noi-khong-voi-day-them-trai-quy-dinh-10300205.html