Nỗi kinh hoàng bên trong bệnh viện Nam Phi giữa đại dịch COVID-19
Điều tra độc quyền của BBC trong nhiều tuần đã cho thấy hình ảnh kinh hoàng trong các bệnh viện quá tải bệnh nhân COVID-19 ở Nam Phi.
Khi các nhân viên quan trọng đình công hoặc nhiễm COVID-19 ở tỉnh Eastern Cape, các y tá buộc phải làm cả việc của người lau chùi, bác sĩ phẫu thuật phải tự giặt đồ và liên tục xảy ra sự cố thai nhi chết trong bụng mẹ trong các khoa sản thiếu nhân viên trầm trọng.
Hệ thống y tế Nam Phi trên bờ vực sụp đổ khi đại dịch COVID-19 hoành hành quốc gia này. Số ca mắc tăng vọt trên toàn quốc, buộc Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo “bão đang trên đầu chúng ta”.
Sợ hãi và mệt mỏi
Cuộc khủng hoảng y tế mà tâm điểm là thành phố Port Elizabeth đã đặt ra câu hỏi giới chức Nam Phi đã làm gì trong những tháng qua.
Tiến sĩ John Black nói: “Mọi người đang rất sợ hãi, mệt mỏi cả về tinh thần và cảm xúc. Chúng tôi chỉ có những nhân viên cơ bản ngay cả trước đại dịch COVID-19 và giờ thì số nhân viên giảm 30%. Các dịch vụ bắt đầu oằn mình vì căng thẳng. COVID-19 đã làm lộ mọi vết nứt gãy kinh niên trong hệ thống”. Ông cho biết các bệnh nhân đang giành giật nhau nguồn cung ô xy tại bệnh viện Livingstone ở Port Elizabeth.
Ông Black là một trong hai chuyên gia bệnh truyền nhiễm duy nhất ở tỉnh có 7 triệu dân, là bác sĩ duy nhất ở Port Elizabeth đồng ý cho phóng viên BBC ghi âm khi phỏng vấn.
Ông cho biết tại bệnh viện Livingstone, nơi được chỉ định là điểm điều trị COVID-19 chính trong quận, các bác sĩ và y tá đang phải sống trong tình hình như thời chiến: máu, chất thải ngập sàn, thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân, thiếu ô xy, thiếu xe cứu thương trầm trọng, không có hệ thống thông khí và bệnh nhân nằm vạ vật khắp nơi. Người ta thấy cảnh chuột bò ra ăn các chất thải bệnh viện tràn ra ngoài đường ống.
Một bác sĩ cho biết: “Các bác sĩ phải làm những ca phẫu thuật khẩn cấp nhất, khuân vác, cọ rửa sàn. Y tá trưởng thì phải giặt ga trải giường”.
Một y tá cấp cao nói: “Mỗi ngày tôi đều đi làm trong sợ hãi. Số ca nhiễm bệnh tăng vọt”.
Thai phụ rơi vào cảnh khốn cùng
Trong số những người ở bệnh viện, có rất nhiều thai phụ và họ ở khắp các khoa. Một số bác sĩ cho biết nhân viên bị tổn thương sâu sắc khi khoa sản ở bệnh viện Doro Nginza (Port Elizabeth) quá tải tới mức một số thai phụ và thai nhi đã tử vong vì không có người chăm sóc.
Một bác sĩ cho biết đã tham gia lấy hai thai nhi tử vong từ bụng mẹ và cho biết còn nhiều ca như vậy nữa. Người này nói: “Điều này là rất bất thường. Có vài bà mẹ và thai nhi chết trong một tuần ở một bệnh viện là điều chưa từng xảy ra và không thể chấp nhận được”.
Họ cho rằng nguyên nhân tử vong gần như chắc chắn là do thiếu nhân viên nghiêm trọng, khiến nhiều thai phụ phải chờ hàng ngày, đôi khi phải nằm ở hành lang, để chờ phẫu thuật khẩn.
Cuộc khủng hoảng tại các bệnh viện Nam Phi còn phức tạp hơn khi quản lý yếu kém, khiến nhiều khoa cáo buộc lẫn nhau và dùng COVID-19 làm cái cớ để trút giận về mọi thứ đã xảy ra.
Bệnh viện Livingstone đã không có giám đốc điều hành và nhóm quản lý cố định suốt một năm rưỡi qua sau khi những người nắm giữ chức vụ này bị sa thải vì tham nhũng. Tiến sĩ Black cho biết họ thiếu lãnh đạo quyết đoán để ổn định tình hình và giải quyết xung đột giữa các khoa tại bệnh viện.
Các liên đoàn đình công
Các liên đoàn quyền lực ở Nam Phi hoạt động rất tích cực ở Port Elizabeth trong khủng hoảng COVID-19. Nhân viên giặt là, nhân viên lau dọn, người khuân vác và một số y tá đã đều đình công. Tình trạng đình công khiến các bệnh viện nhỏ phải ngừng hoạt động và đẩy ngày càng nhiều bệnh nhân sang ba bệnh viện lớn trong thành phố, nhanh chóng gây ra tình trạng quá tải.
Một bác sĩ cho biết: “Chúng tôi thấy các liên đoàn đóng cửa hết bệnh viện này tới bệnh viện khác. Mỗi lần có một thành viên hoặc bệnh nhân xét nghiệm dương tính, mọi nhân viên đều nghỉ việc. Mặc dù mọi yêu cầu của liên đoàn đều được đáp ứng, nhưng họ không thay đổi, có khi tới hai tuần liền”.
Trong khi đó, các quan chức liên đoàn kịch liệt bảo vệ các thành viên. Ông Khaya Sodidi, Thư kí Tổ chức Y tá Dân chủ Nam Phi, nói: “Y tá của chúng tôi quá tải, phải làu sàn và nấu ăn vì nhân viên nhà bếp không làm việc. Chúng tôi không thể mạo hiểm tính mạng của y tá. Họ cũng là người”.
Một số bác sĩ cho rằng đóng cửa cả bệnh viện vì một hay hai ca nhiễm là hành động thái quá, trong khi số khác lại bảo vệ hành động này, cho rằng các nhân viên tuyến đầu đã quá sức chịu đựng, không chỉ vì COVID-19 mà vì nhiều năm bị bóc lột sức lao động. Ví dụ như bệnh viên Livingstone đang chống COVID-19 mà chỉ có 1/3 số nhân viên.
Sở Y tế tỉnh Eastern Cape thiếu năng lực hoạt động tới mức các nhà tài trợ, doanh nghiệp tư nhân và quỹ từ thiện dù muốn hỗ trợ cuộc chiến chống dịch nhưng cũng từ chối làm việc trực tiếp với sở này.
Kể từ khi công bố ca bệnh đầu tiên hôm 5/3, Nam Phi hiện mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 10.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nằm trong số 3 nước có tốc độ lây lan cao nhất thế giới, sau Mỹ và Brazil. Tính đến hết ngày 15/7, Nam Phi có 311.049 ca mắc COVID-19, đứng trong Top 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, trong đó có trên 4.300 ca tử vong.