Nơi lan tỏa không gian văn hóa trà

Là phiên dịch và thầy giáo dạy Anh ngữ ở xứ trà B'Lao nên thỉnh thoảng tôi gặp những khách du lịch ngoại quốc có học hàm, học vị đến tìm hiểu văn hóa trà của người bản địa. Sau cuộc gặp gỡ, họ thường đề nghị được uống ly trà tươi ngay nhà vườn hay tại phòng trà ấm cúng mang bản sắc vùng, miền.

Phòng trà Hương B'Lao

Phòng trà Hương B'Lao

Ở vùng ven phố núi hương trà sắc tơ Bảo Lộc, đối với những người cao tuổi gần như mỗi nhà đều có bàn trà trước hiên vừa để độc ẩm đắm mình trong quá khứ, vừa tiếp bạn bè theo thông lệ miệt vườn “khách đến nhà không trà thì rượu”. Tuy nhiên, được ngồi đối ẩm với người có chung dòng chảy tâm thức không phải dễ dàng, vì giao lưu tại bàn trà là những câu chuyện văn hóa - xã hội đời người với những ý tứ chân thành, nhẹ nhàng và sâu lắng được trải nghiệm từ thời trai trẻ. Có những bàn trà, các trà nhân được xem thao tác của chủ nhà từ đánh thức bình ly, đánh thức hồn trà và cuối cùng là đánh thức lòng người. Sau đó trân trọng mời nhau thưởng thức trong lặng lẽ không có những câu chuyện mang hồn cốt đất và người, giống như xem những trận bóng đá đầy kịch tính đẳng cấp quốc gia, quốc tế trên màn hình nhưng không có bình luận viên sôi nổi, đưa không gian trận đấu vào tâm thức người ái mộ, người xem trong yên lặng giống như quân cờ di động sẽ trở nên buồn chán, nhạt nhẽo.

Cô Đỗ Sơn (áo trắng)

Cô Đỗ Sơn (áo trắng)

Mới đây, tôi được mời đến một phòng trà dưới chân núi Đại Bình mang tên Hương B’Lao, chủ phòng trà là cô Đỗ Sơn, 43 tuổi, giáo viên Yoga. Cô Sơn ngoài công việc hướng dẫn tập luyện, còn là người yêu nghề trà ướp như yêu người tình lý tưởng. Cô cho biết, trà B’lao ướp, lấy từ hoa lá thiên nhiên gồm có 5 loại là sen, nhài, sói, trà tiên và trà dứa, mỗi loại có hương vị riêng theo sở thích vùng, miền. Ở Bảo Lộc có những vườn chuyên trồng các loại hoa ướp này chỉ thiếu hoa sen phải đặt mua ở tận miền Tây. Phòng trà Hương B’lao nằm ở vùng ven nên rất yên lặng, chỉ có gió lộng từ bốn phía, bên ngoài khung cửa phòng trà là những đồi chè xanh bạt ngàn ẩn hiện trong tầm mắt. Thưởng thức trà tại đây không chỉ làm quen với hương vị thiên nhiên mà còn biết được lịch sử thăng trầm nghề trà B’Lao, vùng nguyên liệu lớn nhất miền Nam do người Pháp mang giống trà Sam từ Ấn Độ trồng tại đây vào năm 1927. Và từ phòng trà được tiếp cận văn hóa giao tiếp ứng xử thông qua hình ảnh không gian từ ly trà tỏa hương chập chờn trong tâm thức.

Tháng rồi, tình cờ gặp một nhà xã hội học người Pháp tên là Laurent tại quán cà phê bờ hồ trong chuyến đi thăm phố núi "hương trà - sắc tơ" của ông. Trong những câu chuyện xã giao, ông luôn đề cập đến văn hóa trà của người Việt bản địa nên hôm sau tôi mời ông đến phòng trà Hương B’Lao để trực tiếp nghe thuyết minh văn hóa vùng, miền. Do được hẹn trước, nên hôm ấy cô Đỗ Sơn mặc áo dài xanh, khăn choàng tím tiếp đón một cách chân tình với nụ cười hiếu khách thường trực trên môi và những lời thuyết minh thấm đẫm tình người từng câu, từng chữ. Sau khi nghe chủ phòng trà giới thiệu về văn hóa trà Việt và kỹ thuật pha chế cũng như những bài giáo dục con cái từ phong cách uống trà địa phương, ông Laurent bắt tay cô Đỗ Sơn vui vẻ: “Người Pháp chỉ uống trà túi lọc nho nhỏ dạng uống liền Instant tea rồi vội vã đi làm, vì thế chúng tôi chỉ xem trà là loại nước giải khát bình thường. Lần này đến đây, biết được những trầm tích văn hóa của người Việt thật là thú vị. Vì thế tôi có cảm tưởng về trà Việt như thế này: Thứ nhất, trước lúc uống trà là đánh thức bộ ấm chén, đánh thức hồn trà, sau đó là đánh thức lòng người trước khi đi vào trà đàm. Điều thứ hai biết được người Việt xưa dạy dỗ con cháu thông qua kỹ năng pha và uống trà bắt đầu từ hương khói của ly trà, rồi thông qua hương vị và hình ảnh nhớ ơn tiền nhân chân trần mang gươm mở đất và giữ gìn bờ cõi để bây giờ mới ngồi với nhau một cách yên bình. Điều cuối cùng trong khi trà đàm phải cân nhắc lời nói để mang lại thân tình cho người đối ẩm như cái hậu của trà. Người Việt có thói quen là "rượu khà trà chắp", chắp lưỡi là biểu hiện sự trân trọng hương vị và tỏ lòng biết ơn người mời, nhớ ơn các tiền nhân, thêm nữa bài học từ trà là kết nối thâm tình giữa người với người, có nghĩa theo vị trà đậm, vừa, nhạt phù hợp với sở thích và sự tôn trọng với những câu câu chuyện trí tuệ mang hồn cốt văn hóa trà để lúc tạm biệt vẫn còn nhớ nhau sự tương đồng và hương vị cuộc sống...”.

Lúc từ biệt, ông vỗ vai tôi thì thầm: “Thật tuyệt vời! Một đất nước mà chỉ cần nhìn ly trà nóng tỏa hương cũng đủ để nhận ra bề dày văn hóa và tinh thần yêu nước của cả dân tộc. Cám ơn bà Đỗ Sơn, cám ơn đất và người B’Lao đã khai mở cho tôi nhận ra một dân tộc xem trà như một thức uống mang hồn cốt quốc gia”.

TRẦN ĐẠI

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/noi-lan-toa-khong-gian-van-hoa-tra-276065e/