Phát hiện kho báu 1.300 năm tuổi dưới ngôi chùa Phật giáo cổ
Một kho báu quý giá gồm các món trang sức bằng vàng, bạc và đồng có niên đại hơn 1.300 năm vừa được phát hiện ở Thái Lan.

Một tấm phù điêu vàng miêu tả Phật ngồi kết già trên tòa sen.
Kho báu trên nằm dưới nền chùa Wat Dhammachak Semaram ở đông bắc Thái Lan, hé lộ thêm những bí ẩn về thời kỳ Phật giáo hưng thịnh trong lịch sử khu vực.
Cục Mỹ thuật Thái Lan cho biết, trong lúc thi công hệ thống thoát nước ngầm quanh tượng Phật nằm bằng sa thạch khổng lồ tại chùa, công nhân đã tình cờ phát hiện một bình gốm vỡ chôn sâu khoảng 1,3 mét.
Bên trong là hàng loạt cổ vật quý như nhẫn vàng, hoa tai bạc và đôi khuyên tai đồng xoắn – được cho là lễ vật dâng Phật từ thời vương quốc Dvaravati.

Hàng loạt cổ vật quý được phát hiện.
Tượng Phật nằm trên được điêu khắc từ năm 657 và hiện tọa lạc trong tàn tích của một ngôi chùa gạch cổ, nay được sử dụng như một khu trưng bày. Tượng có đầu quay về phía Nam và mặt hướng Đông, mang đậm dấu ấn điêu khắc Phật giáo cổ đại.
Tiếp sau phát hiện ban đầu, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật sâu hơn và tìm thấy thêm 3 hiện vật quan trọng mang biểu tượng tôn giáo. Trong đó có một tấm phù điêu vàng miêu tả Phật ngồi kết già trên tòa sen, tay thể hiện ấn Vitarka Mudra – biểu tượng của giáo lý và trí tuệ.
Kích thước tấm phù điêu là 8 x 12,5 cm, mang đặc trưng nghệ thuật Dvaravati như tóc xoắn ốc, vòng hào quang lớn và áo choàng phủ một vai.

Một phù điêu khác bị hư hại nhưng vẫn thấy rõ hình ảnh Phật đứng cùng 2 thị giả. Một trong hai được cho là đại diện cho Phra Phrom – hình tượng Thái hóa của thần Brahma trong Ấn Độ giáo.
Ngoài ra, còn một khối đất cứng chứa 3 tấm kim loại xếp chồng, được đặt sau đầu tượng Phật nằm, cũng được phát hiện và nhận định là vật phẩm nghi lễ chôn cất có chủ ý.
Chùa Wat Dhammachak Semaram được xây dựng dưới triều vua Ramaraj. Ngoài tượng Phật nằm, nơi đây còn lưu giữ bánh xe Pháp Dhammachakra bằng đá sa thạch, khắc họa các thần rừng liên quan đến cây Bồ Đề và cây Đa – biểu tượng thiêng liêng trong Phật giáo.
Phát hiện mới không chỉ làm sáng tỏ đời sống tâm linh của người xưa, mà còn khẳng định giá trị lịch sử và nghệ thuật độc đáo của văn hóa Dvaravati trong dòng chảy Phật giáo Đông Nam Á.
Theo IE