Nổi lên trên đường đua tổng thống, bà Harris tuyên bố sẽ đánh bại ông Trump
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết 'rất vinh dự' khi nhận được sự tán thành của Tổng thống Joe Biden và thề sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết đảng Dân chủ và đánh bại ứng viên Donald Trump.
"Với hành động vị tha và yêu nước, Tổng thống Biden đang làm nhiều điều trong suốt cuộc đời phụng sự của mình: Đặt người dân Mỹ và đất nước chúng ta lên trên mọi thứ", bà Harris nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 21/7, sau khi Tổng thống Biden thông báo quyết định dừng cuộc đua.
"Tôi rất vinh dự khi nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Biden và mục tiêu của tôi là giành được đề cử này. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết đảng Dân chủ, cũng như đoàn kết đất nước chúng ta, để đánh bại ông Donald Trump", Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói thêm.
Nhiều nghị sĩ và nhà tài trợ đã lên tiếng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris. CNN dẫn nguồn tin cho biết, tất cả chủ tịch của đảng Dân chủ ở 50 bang đều đã gửi tín hiệu ủng hộ bà Harris trở thành ứng cử viên mới của đảng.
Ngày 21/7, ông Trump nói rằng ông nghĩ Phó Tổng thống Harris sẽ dễ bị đánh bại hơn ông Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
“Bà Harris sẽ dễ bị đánh bại hơn ông Joe Biden”, ông Trump nói với CNN.
Ông Trump và nhóm hỗ trợ tranh cử của ông sau đó công kích ông Biden và bà Harris trên mạng xã hội, đồng thời cho rằng ông Biden không đủ khả năng để tiếp tục làm tổng thống Mỹ.
Các đồng minh của ứng viên tổng thống Donald Trump đang tung ra nhiều quảng cáo nhằm vào bà Harris, tập trung ở các bang chiến trường quan trọng.
Một số nguồn tin thân cận với Thượng nghị sĩ Joe Manchin cho biết ông đang cân nhắc việc đăng ký lại để gia nhập đảng Dân chủ và tham gia tranh cử tổng thống.
Quan điểm về Ukraine, Trung Quốc
Phó Tổng thống Harris dự kiến sẽ bám sát chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden trong các vấn đề quan trọng như Ukraine, Trung Quốc và Iran, nhưng sẽ cứng rắn hơn với Israel nếu bà trở thành ứng viên cao nhất của đảng Dân chủ và chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11.
Là ứng viên hàng đầu sau khi ông Biden từ bỏ cuộc đua, Phó Tổng thống Harris có lợi thế kinh nghiệm thực tế từ công việc, mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo thế giới và hiểu biết về những vấn đề toàn cầu từ nhiệm kỳ ở Thượng viện Mỹ và cấp phó của Tổng thống Biden.
Nhưng khi cạnh tranh với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, bà sẽ gặp phải một điểm yếu lớn: Tình hình rắc rối ở biên giới Mỹ-Mexico đã khiến ông Biden đau đầu và trở thành vấn đề hàng đầu trong chiến dịch tranh cử.
Nếu thắng cử vào tháng 11 tới, bà Harris được giao nhiệm vụ giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư cao bất thường và đảng Cộng hòa sẽ nhấn vào cách giải quyết của bà trong vấn đề này.
Theo các nhà phân tích, trong một loạt ưu tiên toàn cầu, nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris (nếu như kỳ vọng của đảng Dân chủ) sẽ giống như nhiệm kỳ thứ hai của ông Biden.
Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán về Trung Đông của chính quyền đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đánh giá: “Bà ấy có thể là người năng nổ hơn, nhưng có một điều bạn không nên mong đợi: Thay đổi lớn về chính sách đối ngoại”.
Bà Harris đã đánh tín hiệu sẽ không đi chệch khỏi sự ủng hộ trung thành của ông Biden đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Điều này trái ngược hoàn toàn với cam kết của ông Trump nhằm thay đổi căn bản mối quan hệ của Mỹ với liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương và vấn đề cung cấp vũ khí cho Kiev.
Là một luật sư và cựu tổng chưởng lý California, bà Harris phải vật lộn trong nửa đầu nhiệm kỳ làm cấp phó của Tổng thống Biden để tìm được chỗ đứng của mình. Bà được giao nhiệm vụ khó khăn là xử lý vấn đề lượng người tìm cách vào Mỹ qua biên giới Mexico tăng vọt.
Điều đó diễn ra sau chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của bà thất bại và bị nhiều người nhận xét là mờ nhạt. Nếu bà Harris trở thành ứng cử viên, đảng Dân chủ hy vọng bà sẽ truyền đạt hiệu quả hơn các mục tiêu về chính sách đối ngoại.
Trong nửa sau nhiệm kỳ phó tổng thống Mỹ, bà Harris đã nâng cao uy tín của mình trong nhiều vấn đề nóng, từ Trung Quốc, Nga đến Dải Gaza và được nhiều nhà lãnh đạo thế giới biết đến.
Tại Hội nghị An ninh Munich năm nay, bà Harris có bài phát biểu cứng rắn để chỉ trích Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine và cam kết Mỹ sẽ tôn trọng Điều 5 của NATO về tự vệ chung.
Về Trung Quốc, bà Harris từ lâu đã bám sát quan điểm của lưỡng đảng ở Washington về sự cần thiết phải chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, bà sẽ tiếp tục lập trường của ông Biden là đối đầu với Bắc Kinh khi cần thiết, nhưng vẫn tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác.
Nếu bà Harris trở thành người dẫn đầu trong đảng và có thể vượt qua ông Trump, vấn đề Israel-Palestine chắc chắn sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự của bà, nhất là khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn.
Dù với tư cách phó tổng thống, bà Harris thể hiện quan điểm giống Tổng thống Biden trong việc kiên quyết ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng đôi khi bà đi trước cả tổng thống khi chỉ trích cách đáp trả của Israel ở Dải Gaza.
Tháng 3 năm nay, bà Harris thẳng thừng chỉ trích Israel, nói rằng nước này chưa làm đủ để giảm bớt “thảm họa nhân đạo” trong chiến dịch tấn công trên bộ vào vùng đất của người Palestine. Cuối tháng đó, bà nói sẽ không loại trừ "hậu quả" đối với Israel nếu nước này tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào thành phố Rafah ở miền nam Dải Gaza.
Trong khi Tổng thống Biden tự gọi mình là "người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái", bà Harris, 59 tuổi, không có mối liên hệ cá nhân sâu sắc nào với Israel.
Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng sẽ có thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Israel, đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông, nếu bà Harris đắc cử.