Nỗi lo AI làm giảm chất lượng sách nói

Không ít diễn viên lồng tiếng lo ngại sự trỗi dậy của AI sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và làm suy giảm chất lượng sách nói.

Ảnh: Midjourney

Ảnh: Midjourney

Khi chúng ta nghĩ về điều làm nên một cuốn sách nói đáng nhớ, đó luôn là những khoảnh khắc đầy tính con người: tiếng nghẹn ngào khi nước mắt trực trào, hay những lời được thốt ra trong một nụ cười thực sự.

Diễn viên và người đọc sách nói ở Melbourne - Annabelle Tudor - chia sẻ chính bản năng kể chuyện của con người đã biến việc đọc sách nói thành một kỹ năng nguyên sơ và quý giá. “Giọng nói phản ánh cảm xúc của chúng ta rất dễ dàng,” cô nói.

Nhưng với tư cách là một hình thức nghệ thuật, nó có thể đang bị đe dọa. Vào tháng 5 vừa qua, Audible - công ty sách nói thuộc sở hữu của Amazon - đã thông báo rằng họ sẽ cho phép tác giả và nhà xuất bản lựa chọn từ hơn 100 giọng đọc được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo để đọc sách nói bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý. Việc dịch sách nói bằng AI cũng dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay - một thông tin vừa vấp phải chỉ trích, vừa khơi dậy tò mò trong ngành xuất bản.

Tại Úc - nơi có ít công ty sản xuất sách nói hơn và những diễn viên mới vào nghề như Tudor phải dựa vào công việc này để trang trải thu nhập - mối lo về mất việc, minh bạch và chất lượng đang ngày càng gia tăng.

Dù Tudor, người đã đọc 48 cuốn sách, chưa tin rằng AI có thể làm được điều cô đang làm, cô vẫn lo ngại rằng chất lượng kém có thể khiến công chúng quay lưng với hình thức này.

Bùng nổ sách nói

Theo báo cáo Bookdata 2024 của NielsenIQ, hơn một nửa người nghe sách nói ở Úc đã gia tăng thời gian nghe trong 5 năm qua. Trên toàn cầu, doanh số sách nói tại Mỹ tăng 13% từ 2023 đến 2024; tại Anh, doanh thu sách nói đạt mức cao mới 268 triệu bảng, tăng 31% so với năm 2023, theo Hiệp hội Nhà xuất bản Anh.

Khi nhu cầu tăng mạnh, các công ty tìm cách sản xuất nhanh và rẻ hơn. Tháng 1/2023, Apple ra mắt danh mục sách nói mới với giọng đọc AI. Cuối năm đó, Amazon cho phép các tác giả tự xuất bản tại Mỹ có sách trên Kindle chuyển sách điện tử thành sách nói bằng công nghệ “giọng nói ảo” AI - và hiện đã có hàng chục ngàn cuốn sách nói do máy tính đọc được phân phối qua Audible.

Tháng 2 năm nay, Spotify cũng công bố sẽ chấp nhận sách nói do AI đọc, nhằm “giảm rào cản gia nhập” cho tác giả muốn tiếp cận thêm độc giả. Audible cho biết mục tiêu của họ cũng tương tự: bổ sung chứ không thay thế giọng đọc con người, cho phép nhiều tác giả và tựa sách đến với đông đảo công chúng hơn. Tại Mỹ, Audible cũng đang thử nghiệm tính năng nhân bản giọng nói, giúp người đọc tạo ra phiên bản giọng của chính họ để mở rộng khả năng sản xuất sách nói chất lượng cao.

“Năm 2023 và 2024, Audible Studios thuê nhiều người đọc hơn bao giờ hết,” một phát ngôn viên của Audible chia sẻ với Guardian. “Chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều yêu cầu từ các tác giả muốn đưa tác phẩm của mình lên định dạng âm thanh, tiếp cận độc giả mới bằng nhiều ngôn ngữ”.

Nhưng giọng đọc của robot vẫn sẽ luôn rẻ hơn giọng đọc con người - và những người làm nghề lồng tiếng, xuất bản lo ngại xu hướng dùng AI sẽ đe dọa việc làm của họ.

Sản xuất hàng loạt hay giữ chất lượng?

Sự nghiệp đọc sách nói của Dorje Swallow khởi sắc sau khi anh lồng tiếng cho các tiểu thuyết của Chris Hammer - tác giả tội phạm bán chạy tại Úc - và anh đã đọc khoảng 70 cuốn. Swallow cho rằng đọc sách nói bằng AI là công cụ do những người “không hiểu giá trị, kỹ thuật và kỹ năng” cần có để tạo ra một cuốn sách nói chất lượng.

“Chúng tôi đã cật lực rèn luyện và hy sinh rất nhiều để có được ngày hôm nay, và nghĩ rằng bạn chỉ cần bấm nút là sẽ có thứ tương đương, hay đủ tốt - thật nực cười,” anh nói.

Simon Kennedy - Chủ tịch Hiệp hội Diễn viên Lồng tiếng Úc - cho biết từ lâu đã có cuộc tranh đấu về việc người đọc sách nói xứng đáng được trả bao nhiêu. Để hoàn thiện một giờ sách nói, diễn viên thường mất gấp đôi hoặc gấp ba thời gian thu âm, chưa kể thời gian đọc trước để hiểu nội dung và nhân vật. “Theo quan điểm cá nhân tôi, việc dùng giọng đọc AI đang ưu tiên số lượng hơn chất lượng - và nó làm rẻ đi giá trị của cả quy trình,” ông nói.

Kennedy đã thành lập Hiệp hội Diễn viên Lồng tiếng Úc năm 2024 để ứng phó với nguy cơ AI thay thế. Trong báo cáo gửi ủy ban quốc hội năm ngoái, tổ chức này cho biết có 5.000 việc làm lồng tiếng ở Úc đang bị đe dọa.

“Nếu bạn chỉ cần một giọng đọc vô cảm, đều đều từ đầu đến cuối mà gọi là “chất lượng cao” thì cũng được thôi,” ông nói. “Nhưng nếu bạn mong đợi một câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, giữ người nghe ngồi sát mép ghế - thì đừng hy vọng AI sẽ cho bạn điều đó.”

Năm nay, Hannah Kent - tác giả nổi tiếng của Burial Rites và Devotion - nằm trong số nhiều cây bút Úc bàng hoàng phát hiện tác phẩm bị vi phạm bản quyền để huấn luyện hệ thống AI của Meta. Cô cho biết phản ứng đầu tiên của cô trước việc AI xâm nhập không gian sáng tạo thường là “phẫn nộ và phản đối”, nhưng cũng tò mò trước thông báo của Audible - đặc biệt là kế hoạch thử nghiệm AI dịch sách sang nhiều ngôn ngữ khác.

“Tôi nghĩ ai cũng thấy rõ lý do chính dùng AI là để giảm chi phí, và điều đó sẽ làm mọi thứ trở nên rẻ mạt - cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa sáng tạo, nghĩa là chúng ta không còn tôn vinh tinh thần kể chuyện và cảm hứng nghệ thuật như trước,” Kent chia sẻ.

Tudor và Swallow tin rằng các công ty lớn sẽ khó thay thế hoàn toàn giọng đọc con người, một phần vì nhiều tác giả Úc sẽ phản đối điều đó.

Nhưng liệu người nghe có thực sự phân biệt được hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

(Theo The Guardian)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/noi-lo-ai-lam-giam-chat-luong-sach-noi-2419249.html