Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường học
Ngày 22/2 vừa qua, tại xã Bao La, huyện Mai Châu có 5 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn quà vặt tại cổng trường trước giờ vào lớp. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và nhà trường, đồng thời cho thấy vẫn còn những
Ngày 22/2 vừa qua, tại xã Bao La, huyện Mai Châu có 5 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn quà vặt tại cổng trường trước giờ vào lớp. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh và nhà trường, đồng thời cho thấy vẫn còn những "lỗ hổng” trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở.
Học sinh tại thị trấn Mai Châu (Mai Châu) mua quà vặt trước cổng trường.
Sự chủ quan của không ít phụ huynh
Những ngày này, dù đã quay trở lại đi học nhưng em Bùi Văn H, lớp 5A2, chi Vế, Trường TH&THCS xã Bao La vẫn không thấy sợ khi nhớ lại cảm giác nôn mửa, đau bụng dữ dội sau khi uống nước giải khát trước cổng trường trong lúc chờ vào học. H cho biết: Do phải đi làm nên bố mẹ đưa em đi học ca chiều sớm hơn mọi ngày. Trong lúc chờ vào lớp, thấy khát nước em mua một hộp nước giải khát bán tại cổng trường để uống. Sau khi vào lớp, khoảng hơn 16h em thấy đau bụng, buồn nôn và đi ngoài.
Cùng với H. có 4 học sinh khác ở trường cũng có biểu hiện tương tự sau khi uống nước giải khát tại quán trước cổng trường. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Tuy nhiên, qua sự việc này có thể thấy những đồ ăn vặt trước cổng trường tiềm ẩn rất lớn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trở lại chi Vế, Trường TH&THCS xã Bao La - nơi xảy ra vụ nghi ngộ độc, những hàng quán bán đồ ăn vặt tại cổng trường được bày bán khá nhiều, chủ yếu là các loại bánh kẹo, bim bim, thực phẩm màu mè bắt mắt, được bán với giá chỉ vài nghìn đồng. Cô giáo Hà Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Từ nhiều năm nay, "không ăn quà vặt" đối với học sinh đã được đưa vào nội quy của trường. Để hạn chế học sinh ra ngoài mua đồ ăn vặt, nhà trường đã thực hiện đóng cổng trường vào giờ giải lao. Trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường nhắc nhở phụ huynh nên cho con ăn sáng ở nhà để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng học sinh trước giờ vào lớp, hoặc sau khi tan học nán lại mua đồ ăn vặt trước cổng trường. Vì là ngoài giờ học và các con không mang vào trường nên nhà trường không thể quản lý hết.
Thực tế nhiều trường đã đề ra nội quy học sinh không ăn quà vặt trước cổng trường, không cho học sinh mang đồ ăn vặt vào trường và "đánh" vào thành tích thi đua của từng lớp, nhưng việc ngăn chặn tình trạng này vẫn là vấn đề nan giải. Thầy giáo Lê Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Mai Châu (Mai Châu) cho biết: Nhà trường đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng việc này có ngăn chặn triệt để hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các bậc phụ huynh. Vẫn có những bậc phụ huynh cho con tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt, thậm chí bảo các chủ cửa hàng bán đồ ăn vặt cho con, cuối ngày phụ huynh đến trả tiền thì rất khó để các cháu từ bỏ thói quen ăn vặt trước cổng trường.
Những "lỗ hổng” trong công tác quản lý
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay. Dạo quanh một số trường học trên ở TP Hòa Bình có thể bắt gặp hình ảnh các em quây kín hàng bán đồ ăn vặt sau giờ tan lớp. Có một điều dễ nhận thấy, thực phẩm bán ở đây chủ yếu là đồ ăn nhanh như xúc xích, viên chiên, nem chua rán... đều đã được rán trước và bảo quản sơ sài. Trong khi địa điểm bày bán sát lề đường, đông xe cộ đi lại với nhiều khói bụi, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng. Ngoài thực phẩm bán sẵn được chế biến, bản quản không đảm bảo, nhiều loại đồ ăn khác như bánh kẹo, bim bim, trà sữa, đồ uống... chủ yếu là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thực tế, ngoài vụ việc 5 học sinh bị ngộ độc tại Trường TH&THCS xã Bao La, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm từ quán ăn vặt cổng trường. Cuối năm 2023, tại Trường THCS Hữu Nghị, TP Hòa Bình xảy ra vụ việc 8 học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi ăn kẹo mua ở cổng trường. Điều đáng nói, sau khi vụ việc xảy ra, qua xác minh ban đầu của lực lượng công an, loại kẹo các em ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có thông tin về chất lượng sản phẩm.
Từ những vụ việc trên cho thấy, thực phẩm trước cổng trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng dường như đang bị "thả nổi", chưa có cơ chế kiểm tra, quản lý rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Hương, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình bức xúc: Bánh kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin sản phẩm ngang nhiên bày bán ngay tại cổng trường. Phải chăng công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng chưa được thường xuyên đã dẫn đến tình trạng này?
Đồng chí Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu kiến nghị: Để hạn chế thấp nhất việc học sinh sử dụng đồ ăn vặt kém chất lượng trước cổng trường, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về những nguy hại khi sử dụng đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các lực lượng chức năng, nhất là Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thâm nhập thị trường, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng, không chỉ ở các chợ đầu mối mà còn ở các cơ sở bán lẻ tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.