Nỗi lo cuối năm

Ngồi thừ người nhìn những thứ đồ đạc vừa sắp xếp và chằng buộc trong mấy thùng giấy các tông nhỏ, chị Ngọc để mặc những giọt nước mắt lăn trên má. Thấy có người đến hỏi thăm, Ngọc đưa tay quệt vội nước mắt. 'Chuẩn bị trả phòng để về quê', Ngọc nói, gọng uể oải, đôi mắt đỏ hoe.

Ngọc cho biết, chồng làm trong khu chế xuất Tân Thuận (Q7, TPHCM), còn chị làm cho một cơ sở may gia công. Căn phòng trọ này thuê ở từ hơn bốn năm qua, tuy chật chội và tối tăm, ẩm thấp nhưng giá rẻ và gần chỗ làm, đi lại thuận tiện. Lúc dịch bùng lên, hai vợ chồng mất việc, không có thu nhập, nhờ chủ nhà giảm và cho nợ tiền thuê nên mới trụ lại được.

Khi dịch tạm lui, công ty mở cửa trở lại, cả hai có việc, có thu nhập. Nhưng vui chưa được bao lâu, hai vợ chồng lâm cảnh mất việc, giảm giờ làm và thu nhập vì công ty thiếu đơn hàng. Hai vợ chồng đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa tìm ra việc làm mới nên phải tiêu đến đồng tiền tích cóp cuối cùng. Bí thế, cả hai phải chọn cách trả phòng và dắt con về quê. “Cả chục năm đi làm ở Sài Gòn, chưa khi nào được về quê ăn Tết mà lòng lại ngổn ngang như lần này. Nhưng cứ về đã, ra Giêng sẽ tính tiếp”, Ngọc bày tỏ. Chị cho hay, rất nhiều đồng nghiệp và bạn bè, người quen của vợ chồng chị cũng trong tình cảnh tương tự.

Bức tranh về việc làm, thu nhập và đời sống công nhân đang trở nên ảm đạm vào dịp cuối năm. Trong một diễn đàn cuối tuần qua, đại diện Viện Công nhân Công đoàn công bố những con số đáng lo ngại về thực trạng lao động khi doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Theo đó, kết quả khảo sát trên 6.200 công nhân ở cả ba miền mới đây cho thấy, giờ làm và thu nhập của công nhân đang giảm mạnh, còn 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng/tháng như thống kê quý III. Sức chống chịu về tài chính của người lao động rất yếu ớt, mong manh. Gần 59% công nhân không có khoản tích lũy. Nếu mất việc, 11,7% người lao động có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1-3 tháng và 12,7% được trên ba tháng. Có 38% người được khảo sát cho biết đang nợ nần và 14% trong số đó khó trả nợ đúng hạn, dễ sa vào tín dụng đen.

Phần lớn lao động mất việc tập trung ở các địa phương khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Riêng TPHCM có 108.000 công nhân trên địa bàn đang bị mất việc, giảm giờ làm, trong đó 40.000 người trên 35 tuổi và 8.000 người đang mang thai, nuôi con nhỏ. Bình Dương có 240.000 người giảm giờ làm và 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng. Dự báo tình hình cắt giảm lao động tiếp tục diễn ra từ nay đến Tết và cả trong năm tới.

Mỗi lao động mất việc kéo theo không ít người thân chịu ảnh hưởng. Vì khó khăn, nhiều người đã phải “bán lúa non”, tức rút bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn trước Tết. Do đó, sau một thời gian tạm lắng, tình trạng trắng đêm xếp hàng rút bảo hiểm xã hội lại tái diễn tại một số địa phương trong đó có TPHCM.

Trong tình cảnh đó, cùng với nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan đoàn thể và doanh nghiệp, rất cần sự chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng để những người lao động không may mất việc có được cái Tết sum vầy và lòng bớt trĩu nặng lo âu.

ĐẠI DƯƠNG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-lo-cuoi-nam-post1494271.tpo