Nỗi lo đuối nước mùa hè và giải pháp an toàn cho trẻ

Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn cho trẻ em, đặc biệt khi kỳ nghỉ hè đang đến gần.

Điển hình là vụ việc đau lòng xảy ra vào cuối tháng 4 năm ngoái, khi 2 học sinh lớp 11 đã vĩnh viễn ra đi tại sông Hồng (đoạn dưới chân cầu Vĩnh Tuy) trong một buổi bơi tự phát cùng nhóm bạn. Chưa dừng lại ở đó, cũng vào những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 8 vụ đuối nước khác, cướp đi sinh mạng của 9 người trẻ tuổi. Gần đây nhất, chiều 14/5, một em nhỏ đã tử vong thương tâm tại Hồ Dộc Xăm (Sóc Sơn) khi cùng bạn bè đi tắm.

Thống kê từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP. Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2025 đến nay, đơn vị đã nhận 7 tin báo đuối nước, cứu được 1 người và tìm thấy thi thể 6 nạn nhân. Những con số đau xót này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề và sự cấp thiết của các biện pháp phòng ngừa.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, Thiếu tá Lê Tiến Thành (Tổ địa bàn PCCC&CNCH Bắc Từ Liêm) cho biết: "Thời gian vàng để cứu sống một người bị đuối nước chỉ vỏn vẹn 4-6 phút sau khi ngừng thở hoặc tim ngừng đập. Quá thời gian này, tổn thương não xảy ra, và khả năng sống sót, dù có, cũng để lại di chứng nặng nề". Thiếu tá Lê Tiến Thành cũng lưu ý về khó khăn trong công tác cứu hộ khi lực lượng chức năng thường đến hiện trường muộn hơn "thời gian vàng" quý giá đó.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài và kỳ nghỉ hè của học sinh đang đến gần, nhu cầu vui chơi, hoạt động ngoài trời, đặc biệt là bơi lội, sẽ tăng cao. Để đảm bảo một mùa hè an toàn và phòng tránh những tai nạn đuối nước đáng tiếc, Tổ Địa bàn PCCC&CHCN Bắc Từ Liêm đưa ra một số khuyến cáo quan trọng sau:

Đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ đuối nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Rà soát và cắm biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm tại các khu vực ao, hồ, sông suối, hố sâu tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Biện pháp phòng chống đuối nước cho học sinh:

- Tuyệt đối không tự ý rủ nhau đi tắm, chơi đùa gần sông, hồ, ao, hồ bơi khi không có người lớn đi cùng.

- Tích cực tham gia các lớp học bơi và trang bị các kỹ năng an toàn dưới nước.

- Tránh chơi đùa, đẩy nhau ở những khu vực gần nguồn nước sâu.

- Luôn mặc áo phao khi tham gia các hoạt động trên thuyền hoặc các hoạt động dưới nước.

- Phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, giám sát chặt chẽ con em mình, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè.

Hướng dẫn xử lý khi gặp người bị đuối nước:

- Ngay lập tức hô hoán, gọi người xung quanh để được hỗ trợ và gọi điện thoại đến số máy khẩn cấp 115 (cấp cứu) hoặc 114 (PCCC&CNCH).

- Tuyệt đối không mạo hiểm nhảy xuống cứu nạn nhân nếu không có kỹ năng bơi cứu hộ và không có các thiết bị bảo hộ cần thiết.

- Nhanh chóng tìm cách đưa vật nổi (sào, dây, áo phao...) cho người bị nạn bám vào để giữ họ nổi trên mặt nước.

- Khi đã đưa được người đuối nước lên bờ, cần khẩn trương kiểm tra nhịp thở và tim. Nếu nạn nhân ngừng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo đúng kỹ thuật cho đến khi nhân viên y tế đến.

"Sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng là yếu tố then chốt để ngăn chặn những tai nạn đuối nước thương tâm, mang lại một mùa hè an toàn và trọn vẹn cho trẻ em", Thiếu tá Lê Tiến Thành cho hay.

Các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước

TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn

các bước sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước:

Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách;

Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí;

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…;

Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại;

Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp;

Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của đội Cấp cứu 115.

Chú ý: Trong quá trình sơ cứu đuối nước cần tránh các sai lầm thường gặp như dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra, việc vác chạy sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/noi-lo-duoi-nuoc-mua-he-va-giai-phap-an-toan-cho-tre-169241111134301944.htm