Nỗi lo lũ chồng lũ ở Thừa Thiên Huế

Dự báo tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong những ngày tới. Chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với nguy cơ ngập lụt và sạt lở.

Tại vùng “rốn lũ” xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, chính quyền và người dân đang đối mặt với nguy cơ lũ chồng lũ trong những ngày tới.

Nhiều khu vực ở xã Phong Chương bị chia cắt

Nhiều khu vực ở xã Phong Chương bị chia cắt

Ngày 14/10, lượng mưa tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm nhưng đường vào thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền còn ngập nước. Nhiều đoạn đường ngập sâu hơn nửa mét. Nhiều nhà dân, nước ngập tới sân. Ở nơi thường xuyên ngập lụt nên bà con đã quen cách ứng phó. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn lương thực, kê cao đồ đạc. Lo nhất vẫn là những hộ có người già yếu, neo đơn. Bà Võ Yến, hơn 80 tuổi lo lắng khi hay tin mưa tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.

“Nước thấp như ri thì còn ở nhà được. Chứ nước cao thì mấy cô chú trong làng xuống chuyển tôi đi tới mấy nhà cao hơn để trú ẩn. Ở nhà một mình không có ai, nhờ chính quyền, thôn xóm đưa tới chỗ cao ráo trong làng”, bà Võ Yến nói.

Ban Chỉ huy PCTT TKCN xã Phong Chương kiểm tra công tác ứng phó tại các hộ gia đình

Ban Chỉ huy PCTT TKCN xã Phong Chương kiểm tra công tác ứng phó tại các hộ gia đình

Thôn Lương Mai, xã Phong Chương có 341 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu. 2/3 số hộ dân ở đây nằm trong vùng trũng thấp thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa lũ. Thôn này thành lập 6 tổ phòng chống bão lụt, 2 người phụ trách một tổ. Ông Võ Linh Vũ, Trưởng thôn Lương Mai cho biết, lực lượng xung kích địa phương thường xuyên túc trực, đảm bảo an toàn cho bà con.

“Mưa lũ còn diễn biến phức tạp nên chúng tôi vận động, tuyên truyền bà con kê cao vật dụng trong nhà lên cao. Nhà nào không đảm bảo an toàn thì chính quyền địa phương di dời bà con đến những nhà có gác cao, đảm bảo an toàn cho bà con trong mùa mưa lũ”, ông Vũ cho hay.

Những năm gần đây, ở làng Lương Mai, nhiều nhà sắm một chiếc ghe nhỏ. Mỗi ghe dài khoảng 5 đến 7m có thể chở được 3,4 người. Nhờ vậy mà bà con chủ động và an toàn hơn khi bị mưa lũ cô lập nhiều ngày.

Ông Lê Viết Thạch, thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Đây phần nhiều nhà nào cũng có ghe cả, mỗi nhà có một chiếc ghe. Khi lụt bão đến, bà con đi lui đi tới. Phòng khi cơn lụt to là ở đây không thể đi chỗ nào được. Ở đây nhiều nhà có căn gác lửng, nước lớn là lên trên gác, trước chưa có thì di dời chỗ khác. Bây giờ ở trong làng thôi. Có ghe thì đi qua, đi lại. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm ở tại chỗ”.

Xã Phong Chương, huyện Phong Điền nằm ở lưu vực hạ lưu sông Ô Lâu. Đây là vùng trũng thường xuyên xảy ra ngập lụt ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài thôn Lương Mai đang bị ngập, 2 thôn đang bị chia cắt là Phú Lộc và Ma Nê có hơn 400 hộ dân, hàng ngàn nhân khẩu đang gặp khó khăn.

Kiểm tra di dời các gia đình có người già, neo đơn đến nơi an toàn khi lũ lớn

Kiểm tra di dời các gia đình có người già, neo đơn đến nơi an toàn khi lũ lớn

Ông Nguyễn Minh Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương, huyện Phong Điền cho biết, địa phương bố trí lực lượng trực ban, kiểm tra các tuyến đường có nguy cơ ngập lụt nguy hiểm, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, nghiêm cấm các chủ đò, phương tiện vận tải không đảm bảo an toàn hoạt động trong mưa lũ.

“Hiện tại, phương châm bốn tại chỗ, UBND xã đã chuẩn bị rất cụ thể. Khi nào có công văn chỉ đạo của cấp trên, cũng như khi có lụt lớn xảy ra thì chúng tôi sẽ di dời theo phương án đã chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi cử lực lượng phân công tại chỗ phụ trách địa bàn nắm từng trường hợp cụ thể. Tổ chức trực 24/24 giờ, nắm thông tin cụ thể báo cáo UBND xã, khi có tình huống xảy ra thì tổ chức di dời theo những vị trí theo kế hoạch”, ông Cần cho hay.

Nhiều nhà dân vùng lũ xã Phong Chương sắm ghe ứng phó mưa lũ

Nhiều nhà dân vùng lũ xã Phong Chương sắm ghe ứng phó mưa lũ

Dự báo những ngày tới, mưa lũ tại tỉnh Thừa thiên Huế tiếp tục diễn biến phức tạp. Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát phương án ứng phó với mưa lớn theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, chú ý phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/noi-lo-lu-chong-lu-o-thua-thien-hue-post1052554.vov