Nỗi lo sầu riêng 'quay đầu' bán phá giá, tràn vỉa hè

Những ngày gần đây, vỉa hè một số tuyến đường Hà Nội xuất hiện nhiều quầy hàng sầu riêng bán với giá siêu rẻ, chỉ 30.000 đồng/kg. Mức giá rẻ bất thường khiến không ít người tiêu dùng tò mò nhưng cũng gợi lên nỗi lo không nhỏ cho ngành nông sản Việt.

Sầu riêng giá 30.000 đồng/kg bày bán trên vỉa hè Hà Nội. Ảnh: TB.

Sầu riêng giá 30.000 đồng/kg bày bán trên vỉa hè Hà Nội. Ảnh: TB.

Tại một số tuyến đường tại Hà Nội xuất hiện nhiều xe tải chở sầu riêng được tiểu thương chào bán với giá chỉ 30.000 đồng/kg. Chị Vũ Thị Nụ, tiểu thương bán sầu riêng giá rẻ tại khu vực Thanh Trì, Hà Nội cho biết, đây là các xe sầu riêng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nên được chở về bán với giả rẻ để gỡ vốn.

“Tôi không biết chính xác lý do những xe sầu riêng này bị trả về nhưng tôi thấy đây đều là sầu ngon, ngọt”, bà Nụ cho biết thêm.

Theo bà Lê Thị Thoa, đại diện một công ty xuất khẩu sầu riêng tại Tây Nam Bộ, khả năng sầu riêng có mức giá 30.000 đồng/kg đang tràn ra vỉa hè là sầu riêng không thể xuất khẩu. “Sầu riêng loại A, với giống Ri6 và Monthong, được chúng tôi thu mua tại vườn với giá từ 50.000 đến 75.000 đồng/kg. Loại B cũng không thấp hơn 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, hàng loại C vốn chỉ chiếm 10% tổng sản lượng cũng hiếm khi rẻ đến mức như hiện nay. Vậy nên khả năng cao những xe sầu riêng đang được chào bán với giá rẻ đúng là sầu quay đầu”, bà Thoa cho biết.

Bà Thoa bày tỏ sự lo lắng: Hiện tượng sầu quay đầu được bày bán giá rẻ không còn là chuyện hiếm khi thấy. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu bộc lộ những điểm yếu cốt lõi của sầu riêng Việt Nam.

Theo số liệu thống kê quý I/2025 của bộ Nông nghiệp và Môi trường, thị phần sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc đã giảm mạnh từ 56,4% xuống chỉ còn 28,2%. Trong khi đó, Thái Lan chiếm gần 70% thị phần... Đây là những con số không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà ngay cả người nông dân cũng phải lo lắng.

Theo ông Vũ Thái Anh, Giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây trong khu vực Đông Nam Á, lý do sầu riêng Thái Lan chiếm thị phần lớn hơn Việt Nam không chỉ đến từ sức cạnh tranh mạnh mẽ của sầu riêng Thái, mà còn bởi cách làm bài bản và đồng bộ của họ. “Trong khi sầu riêng Thái chỉ mất 4-5 ngày là thông quan qua cửa khẩu Trung Quốc, thì hàng Việt Nam có khi phải chờ tới cả tháng. Chờ đợi lâu, hàng chín quá, hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể, Trung Quốc hiện yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng Việt phải có chứng nhận không chứa chất vàng O (chất bảo quản bị cấm) khiến việc kiểm tra càng kéo dài”, ông Vũ Thái Anh cho hay.

Ông Hoàng Tươi, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu phát triển thị trường nông sản xuất khẩu NGO cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu sâu mô hình kiểm soát chất lượng của Thái Lan. “Ở Thái, nếu một nông dân cắt sầu riêng non, mã số vùng trồng đó sẽ bị gỡ khỏi hệ thống quản lý. Thông tin vi phạm còn được công khai lên fanpage có sự theo dõi của Lãnh sự quán Trung Quốc. Chính sự nghiêm minh đó giúp Thái Lan tạo dựng được uy tín bền vững với nhà nhập khẩu”, ông Tươi nói.

Theo ông Tươi, Việt Nam hiện vẫn sản xuất theo mô hình manh mún, thiếu liên kết giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị. Việc xây dựng một hệ sinh thái sản xuất - kiểm định - xuất khẩu chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm hơn là điều không thể trì hoãn.

Trước nguy cơ mất thị phần xuất khẩu, có ý kiến cho rằng thị trường trong nước cần được quan tâm đúng mức và cũng cần có một hướng đi song song bền vững.

Theo bà Thoa: “Không riêng gì công ty tôi, hầu hết các công ty xuất khẩu nông sản đều sẵn sàng đầu tư kho lạnh, thiết bị kiểm định vàng O đạt chuẩn. Nhưng chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hệ thống kiểm tra chất lượng nội địa. Nếu hàng hóa được kiểm tra đúng quy trình trước khi ra cửa khẩu, không chỉ giảm đáng kể rủi ro bị trả về mà còn bảo vệ được thương hiệu nông sản trong nước”.

Theo TS Vũ Lan Phương, chuyên gia kinh tế Viện Kinh tế Chiến lược LSE, việc sầu riêng xuất khẩu bị trả về thường xuyên không còn là những cú sa chân nhất thời, không mong muốn mà là những tiếng còi báo động cho ngành sầu riêng Việt. Bà Phương cũng nêu ý kiến: “Việt Nam có hơn 100 triệu dân, một thị trường nội địa rộng lớn mà ngành nông sản chưa thực sự khai thác hiệu quả. Để tránh cảnh được mùa mất giá, chúng ta cần tổ chức lại thị trường nội địa: từ hệ thống phân phối, chế biến, đến truyền thông tiêu dùng”.

Bà Phương cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp chế biến trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sầu riêng. Không thể cứ xuất khẩu trái tươi là cách duy nhất. Cần phát triển mạnh công nghiệp chế biến từ sầu riêng đông lạnh, sấy, đến các sản phẩm như kem, bánh, nước uống để tận dụng tối đa giá trị của loại trái cây đặc sản này.

“Đã đến lúc cần đầu tư bài bản vào chất lượng, minh bạch hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và nâng cao năng lực cạnh tranh thực chất. Nếu không, câu chuyện “bán phá giá” trên vỉa hè sẽ không dừng lại ở sầu riêng, mà sẽ còn lặp lại ở những loại trái cây khác - với những hậu quả dài lâu cho uy tín và thu nhập của nông dân Việt Nam”, TS Vũ Lan Phương nhận định.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc sầu riêng sụt giảm thị phần tại thị trường Trung Quốc đã khiến kết quả xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm 2025 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024.

Số liệu từ Cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong tháng 4 chỉ đạt hơn 520 triệu USD, tăng gần 10% so với tháng trước, nhưng giảm tới 13% so với tháng 4/2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ngành này chỉ thu về hơn 1,6 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất của rau quả Việt chỉ đạt hơn 777 triệu USD, giảm gần 33%.

Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/noi-lo-sau-rieng-quay-dau-ban-pha-gia-tran-via-he-10305782.html