Cần tiêu chí riêng để đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đại biểu Quốc hội đề xuất cần tiêu chí riêng để đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Chiều 14/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã góp ý các nội dung liên quan đến cơ chế đãi ngộ, lựa chọn người tài, quyền lựa chọn người tài, phân loại công chức…

Đề xuất xây dựng hệ thống đánh giá theo hiệu quả công vụ

Góp ý vào dự thảo luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương đồng tình với việc nhấn mạnh “chính sách đặc biệt” trong thu hút người tài quy định tại Khoản 1, Điều 5 của dự thảo luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu, tài năng trong khu vực công có tính đặc thù, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải liêm chính, trách nhiệm, chịu áp lực và có bản lĩnh chính trị. Những năng lực này không thể đánh giá chỉ qua bằng cấp hay hồ sơ, mà cần phát hiện qua thực tiễn, qua khả năng giải quyết vấn đề phức tạp và giá trị công tạo ra.

Để chính sách đãi ngộ người tài không chỉ là hình thức, đại biểu đề xuất xây dựng hệ thống đánh giá theo hiệu quả công vụ và đầu ra cụ thể: Cho phép thiết kế cơ chế thử thách linh hoạt để chọn người tài, nhất là ở các vị trí đổi mới, sáng tạo; giao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện và sử dụng nhân tài, kèm theo cơ chế giám sát minh bạch.

Đại biểu dẫn chứng thực tế ở Singapore, người tài được phát hiện sớm, có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng và được thử thách bằng nhiệm vụ lớn. Pháp hay Nhật Bản cũng tạo điều kiện để người giỏi từ cấp cơ sở có thể phát triển, dựa trên kết quả, chứ không theo thâm niên hay chức danh.

Điều đó chứng minh muốn giữ người tài, cần cả môi trường minh bạch, động lực phát triển và cơ hội cống hiến thực sự”- đại biểu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn Hòa Bình cho rằng, để triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả nước, đề nghị dự thảo luật cần bổ sung khung tiêu chí xác định người có tài năng ngay trong luật, tạo cơ sở cho các địa phương áp dụng thống nhất.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc lý giải, thực tiễn triển khai các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao như Nghị định 140/NĐ-CP và Nghị định 179/NĐ-CP cho thấy, nhiều địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn vẫn gặp không ít trở ngại trong việc thu hút và giữ chân người tài.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn Hòa Bình. Ảnh: VPQH

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn Hòa Bình. Ảnh: VPQH

Nguyên nhân chính là do ngân sách hạn hẹp, các chính sách thu hút chưa đủ hấp dẫn, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục. Nhiều trường hợp tuyển dụng được người tài nhưng chỉ gắn bó trong thời gian ngắn rồi rời đi”- đại biểu Ngọc cho hay.

Đồng thời, để việc đánh giá kết quả công việc của cán bộ, công chức được xuyên suốt và đầy đủ, đại biểu đề nghị cần thực hiện đánh giá định kỳ theo từng quý, 6 tháng và cả năm.

Cách làm này sẽ giúp theo dõi liên tục tiến độ, tránh tình trạng đến cuối năm mới kiểm điểm dễ dẫn đến bỏ sót hoặc quên nhiệm vụ đã thực hiện”- đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc khẳng định và đề xuất bổ sung cơ chế giám sát chéo và phản biện từ đồng nghiệp cũng như người dân nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện, hạn chế tình trạng đánh giá chủ quan, cảm tính từ người đứng đầu.

Đầu tư cho người tài phải là chiến lược lâu dài

Góp ý vào dự thảo luật sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn Bình Dương đề xuất, cần có chính sách đột phá và lâu dài trong việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công.

Theo đại biểu, khái niệm “người có tài năng” cần được bổ sung rõ ràng trong phần giải thích thuật ngữ của luật, gắn với từng ngành, lĩnh vực và dựa trên sản phẩm cụ thể, không chỉ là bằng cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn Bình Dương. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn Bình Dương. Ảnh: VPQH

Vị nữ đại biểu đến từ Bình Dương kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 5, theo hướng Nhà nước không chỉ có chính sách thu hút, trọng dụng người tài mà còn đầu tư cho các cơ sở giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho nền công vụ quốc gia.

Cần quy định cụ thể tỷ lệ ngân sách dành cho công tác đào tạo, như mô hình Singapore chi 4% ngân sách hàng năm cho nội dung này. Bên cạnh đó, cần có chế độ lương, phụ cấp tương xứng cho cán bộ công chức xuất sắc, nhất là người đứng đầu các cơ quan, chuyên gia cao cấp, không thấp hơn khu vực tư nhân để giữ chân người giỏi”- đại biểu đề xuất.

Đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng các cơ sở đào tạo công vụ hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế, từ chương trình giảng dạy đến đội ngũ giảng viên. Đồng thời, đề nghị tiếp tục duy trì và mở rộng hệ thống học bổng công vụ, giải thưởng công chức xuất sắc toàn quốc để tạo động lực và sự ghi nhận xứng đáng.

Về trách nhiệm học tập của công chức, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề xuất bổ sung quy định cụ thể tại Điều 33, theo đó công chức phải chủ động học tập để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại và tương lai.

Những người tự đào tạo đạt chuẩn có thể được hỗ trợ ít nhất 50% chi phí từ ngân sách theo quy định cụ thể của từng cấp. Việc này cần giao cho Chính phủ, các bộ, ngành và hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành hướng dẫn thực hiện”- đại biểu góp ý.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả đánh giá công chức, đại biểu kiến nghị áp dụng nguyên tắc cấp trên trực tiếp đánh giá cấp dưới, không đánh giá chéo giữa công chức cùng cấp, sử dụng thang điểm rõ ràng do Chính phủ quy định như cách làm của Pháp hay Singapore để xác định cán bộ xuất sắc và có chế độ đãi ngộ phù hợp.

Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi), bố cục được xây dựng gồm 7 chương, với 52 điều. Mục tiêu của dự luật là tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Đồng thời, phục vụ việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dự luật cũng hướng đến việc đổi mới quản trị quốc gia, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-tieu-chi-rieng-de-danh-gia-can-bo-cong-chuc-theo-vi-tri-viec-lam-387584.html