Nỗi lo 'Sơn thần' nổi giận - Bài 2: Ám ảnh cảnh núi 'mất chân' gây sạt trượt
Khi mùa mưa năm 2025 cận kề, những cơn mưa bất chợt trút xuống các đồi cao, núi dốc ở Tây Bắc như những lời cảnh báo rợn người. Trong đó, đáng lo ngại nhất là những tuyến đường, ngôi nhà được xây dựng bằng cách bạt chân núi, làm thay đổi địa hình, rất dễ bị sạt lở trong mùa mưa bão…


Chưa đầy 5km từ thôn Phú Hùng (xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai), nơi những vết sẹo cũ chưa liền (đã đề cập ở bài trước), tổ dân phố 13, 14, 15 của phường Cam Đường, Tỉnh Lào Cai (phường Pom Hán, TP Lào Cai cũ), khu dân cư nằm dọc tuyến đường 23/9 cũng đang đối mặt với những nguy hiểm mới.

Tại đây, nhiều vết sạt trượt và khe nứt từ 10 đến 25cm đã xuất hiện trên nền đường, ăn sâu vào nền nhà, sân vườn của các hộ dân. Những vết nứt này chạy dài như những mạch máu bị vỡ trên cơ thể quả đồi, xuyên qua cả những bức tường kiên cố, những nền bê tông vững chắc, báo hiệu sự dịch chuyển không ngừng của đất đá.
Nguyên nhân của hiện tượng này được đánh giá là do hoàn lưu bão gây mưa lớn kéo dài, kết cấu địa chất yếu, mật độ xây dựng dày và đặc biệt là hệ thống thoát nước chưa đồng bộ. Nước mưa không có lối thoát, thấm sâu vào lòng đất, làm mềm yếu kết cấu đất đá, khiến chúng dễ dàng bị xô đẩy khi có tác động. Khi đất đá no nước, chỉ cần một trận mưa vừa cũng có thể khiến sườn đồi sụt trượt bất cứ lúc nào, vùi lấp mọi thứ trong nháy mắt.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân sống tại tổ dân phố 14, cho biết: “Nhà tôi xây cách đây hơn chục năm, tưởng là chắc chắn lắm rồi. Vậy mà mấy tháng nay, nền nhà bắt đầu rạn, rồi tường cũng nứt toác. Ban đêm, tôi nghe rõ tiếng đất rắc rắc như có thứ gì đang di chuyển dưới nền. Cả nhà tôi lo lắm, nhưng biết đi đâu bây giờ”.
Những vết nứt này không chỉ là dấu hiệu của sự yếu kém về địa chất, mà còn cho thấy tác động của việc "chặt chân sơn thần" – một cụm từ quen thuộc mà người dân địa phương thường dùng để chỉ việc bạt núi làm đường, làm mất chân núi, khiến đất mất đi điểm tựa và trở nên rất dễ sạt lở. Việc xây dựng ồ ạt, thiếu quy hoạch, cùng với việc phá rừng đầu nguồn để lấy đất canh tác hay làm công trình, đã khiến "sơn thần" mất đi lớp áo bảo vệ, trở nên trần trụi và dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Mật độ xây dựng dày đặc ở các khu vực này cũng góp phần làm tăng áp lực lên nền đất yếu, khiến nguy cơ sạt lở càng trở nên trầm trọng hơn.


Khu dân cư nằm dọc tuyến đường 23/9 phường Cam Đường (phường Pom Hán cũ) xuất hiện nhiều vết sạt trượt, xuất hiện những khe nứt từ 10 đến 25cm, ăn sâu vào nền nhà, sân vườn.
Quan sát từ trên cao cho thấy, tuyến đường 23/9 cắt ngang lưng chừng núi. Một bên là ta luy âm sâu hoắm, phía ta luy dương, sát vào chân núi là dãy nhà kiên cố san sát, gây áp lực lớn xuống đường và taluy âm.
Chính quyền địa phương đã phải căng dây cảnh báo, dựng biển nguy hiểm và kiểm tra hằng ngày các điểm có vết nứt. Những việc tưởng chừng nhỏ bé ấy lại là hàng rào bảo vệ đầu tiên cho người dân, dù chỉ mang tính tạm thời. “Đất vẫn đang tiếp tục nứt, mái taluy âm vẫn sụt dần, và một mùa mưa mới lại đang tới gần,” một người dân sống ở phường Cam Đường chia sẻ, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Họ biết rằng, dù đã có những cảnh báo và biện pháp tạm thời, nguy cơ vẫn luôn rình rập, đặc biệt khi những cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống.
Hiện nay, công trình kè chống sạt lở Cam Đường với tổng vốn 50 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 8/2025, mang lại chút hy vọng cho người dân nơi đây.


Tại xóm Bãi Khoai (xã Mỵ Hà, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nay là xã Dũng Tiến, tỉnh Phú Thọ), 7 hộ dân với 32 nhân khẩu đang sống dưới nửa quả đồi nứt toác, có thể sập xuống bất cứ lúc nào nếu mưa kéo dài. Vết nứt trên đồi vẫn còn đó, như một lưỡi dao sắc lẹm treo lơ lửng trên đầu họ. Trong số đó, 3 hộ đã phải di dời đến nhà người thân tá túc, vì mỗi lần mưa, bùn đất lại cuốn trôi qua nhà, gây ngập lụt và hư hỏng tài sản. Anh Nguyễn Văn Cường (47 tuổi) chia sẻ, cơn bão số 3 năm 2024 đã làm nửa quả đồi phía sau nhà sạt xuống, khiến nhà em gái anh nứt làm đôi, còn nhà anh thì bùn đất tràn vào, buộc gia đình phải đi ở nhờ. Khi ngớt mưa, 4 hộ quay lại sinh sống, còn 3 hộ vẫn không thể về nhà vì đất đá đã vùi lấp hoàn toàn.

Khu vực sạt lở ảnh hưởng tới 7 hộ dân thôn Bãi Khoai
Quan sát địa thế của xóm bãi Khoai cho thấy, mặt trước của xóm là đường tỉnh 12B được làm bằng cách bạt chân núi. Các hộ dân lại bạt tiếp sườn núi để làm nhà nên địa chất bị biến động mạnh.
“Sau trận bão số 3 năm ngoái, người dân cùng cán bộ xã leo lên khảo sát cho thấy, phía sườn đồi xuất hiện vết nứt rộng hơn 1 mét, kéo dài dọc thân đồi hàng trăm mét. Với tình trạng như vậy, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân di chuyển đi nơi khác đảm bảo an toàn, nhưng chúng tôi không có nơi nào để đi, nên một số hộ đành chấp nhận rủi ro mà quay lại đây sinh sống”, ông Cương nói, ánh mắt đầy bất lực.


Ngôi nhà của em gái ông Cường nứt toác do núi sạt lở

Những hộ dân quay lại Bãi Khoai để sinh sống đành đánh cược tính mạng mình và luôn sống trong thấp thỏm, lo âu. Nhất là, mỗi khi có mưa, mọi người đều phải đi đến nơi khác, không dám ở trong nhà, bởi chỉ cần một tiếng động lạ, họ lại giật mình thon thót. Ông Nguyễn Văn Giang (52 tuổi) nói: “Không có nơi nào để đi, cả nhà đành phải ở dưới chân đồi sạt dở và sống trong nỗi lo sợ; tính mạng cả gia đình ‘như ngàn cân treo sợi tóc”. Ông Giang cùng các hộ dân rất mong được chính quyền địa phương bố trí tái định cư để có cuộc sống an cư lạc nghiệp, không còn phải phập phồng lo sợ mỗi khi mưa về. “Cứ mỗi lần mưa xuống cả nhà dắt díu nhau chạy thế này khổ lắm! Chúng tôi chỉ mong có một mảnh đất an toàn để dựng nhà, ổn định cuộc sống cho con cháu”, ông Giang chia sẻ, giọng khàn đặc vì lo lắng.

Trời mưa dài ngày, khối đất đá có thể sạt xuống vùi lấp 7 ngôi nhà
Ông Hà Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Mỵ Hà (nay là Chánh văn phòng Đảng ủy xã Dũng Tiến sau khi sáp nhập) cho biết, cứ mưa quá một buổi, chính quyền địa phương lại huy động lực lượng đến hỗ trợ người dân Bãi Khoai di chuyển, tránh điều đáng tiếc xảy ra. “Bãi Khoai là một trong những điểm có nguy cơ sạt lở cực cao, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị tái định cư cho người dân, nhưng đề xuất mãi cấp trên chưa bố trí được vốn. Nếu một vài hộ dân, xã có thể linh động cho dân chuyển đi đến một điểm nào đó an toàn, nhưng 7 hộ dân, mấy chục con người thì vượt quá khả năng của xã”, ông Tiến nói, thừa nhận sự bất lực của chính quyền cấp cơ sở.


4 hộ dân thôn Bãi Khoai vẫn phải sống dưới chân đồi nứt toác

(Còn nữa)
.