Nỗi lo sốt xuất huyết bùng phát

Mỗi năm, có hơn 100 triệu ca mắc sốt xuất huyết (SXH) và khoảng 20.000 – 25.000 ca tử vong, cùng nhiều đợt dịch lớn xảy ra ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trẻ em tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết tại VNVC. Ảnh: VNVC.

Trẻ em tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết tại VNVC. Ảnh: VNVC.

Bệnh lưu hành trái mùa

SXH là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, lây từ người sang người thông qua vết đốt của muỗi vằn. SXH thường bùng phát mạnh vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11, với đỉnh dịch từ tháng 9 đến giữa tháng 11 hàng năm, khi muỗi vằn sinh sôi và lây lan nhanh chóng.

Tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều năm qua SXH Dengue đã không còn là bệnh của riêng của mùa mưa. Theo thống kê từ Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), chỉ trong những tháng đầu năm 2025, TPHCM đã ghi nhận 4.213 ca SXH Dengue, tăng 125,3% so với cùng kỳ năm 2024, dù chưa vào mùa mưa. Ở khu vực phía Bắc, nguy cơ cũng đáng báo động khi chỉ trong đợt rét vừa rồi, Hà Nội vẫn ghi nhận 137 ca mắc. Trước đó, năm 2023, Hà Nội cũng đã ghi nhận số ca mắc SXH Dengue cao gấp đôi so với TPHCM – điều chưa từng xảy ra trong 40 năm qua. Bên cạnh đó, vào thời điểm giao mùa, không chỉ SXH Dengue mà người dân còn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, như cúm và tay chân miệng.

Thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), địa bàn này đã ghi nhận 319 trường hợp mắc bệnh SXH. Mặc dù số ca mắc giảm 14,5% so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên với tổng số ca SXH tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 13 là 5.691 ca, khiến không ít người dân vẫn bày tỏ lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh này bùng phát. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Cần Giờ, quận 7 và TP Thủ Đức. Theo dự báo của ngành Y tế TPHCM, dịch SXH năm nay có thể diễn biến mạnh mẽ và sớm hơn so với năm 2024.

Còn tại miền Trung và Tây Nguyên, nhiều năm liền, số ca mắc SXH tại khu vực này gia tăng đáng kể. Mưa bão trái mùa, lũ lụt kéo dài ngay trong mùa khô là nguyên nhân chính khiến SXH Dengue gia tăng tại miền Trung. Điển hình như tình trạng ngập lụt ở Tây Hòa (Phú Yên) tháng 2/2025, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi khiến dịch bệnh bùng phát. Ngay cả những khu vực mát mẻ như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông – vốn ít bị ảnh hưởng thì trong năm 2024 cũng trở thành điểm nóng mới về SXH Dengue.

Virus gây bệnh hoạt động mạnh hơn bình thường

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2025 có thể là thời điểm chu kỳ bùng dịch cao và việc ghi nhận các ca mắc tăng nhanh ngay từ đầu năm cho thấy virus Dengue – tác nhân gây bệnh SXH đang hoạt động mạnh hơn bình thường.

BSCKI Vương Ngọc Thiên Thanh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: Từ năm 2023 đến nay, SXH đã có nhiều diễn biến phức tạp và khác thường hơn so với mọi năm. Nếu như trước đây, SXH thường diễn biến theo mùa, mùa mưa là mùa cao điểm của SXH do liên quan đến sự sinh sản của loài muỗi. Hiện nay, dưới tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu – hiện tượng nóng lên toàn cầu, quá trình đô thị hóa hay giao thương phát triển cùng sự phát triển trong khả năng kháng thuốc của muỗi, dịch SXH ngày càng khó lường. Bệnh SXH tại nước ta hiện có số ca rải rác quanh năm và xuất hiện khắp cả nước.

Các chuyên gia cũng đề cập, một trong những yếu tố nguy cơ khiến dịch có khả năng diễn biến phức tạp là tâm lý chủ quan của bộ phận người dân, chỉ phòng ngừa SXH vào mùa mưa mà bỏ qua nguy cơ bệnh xuất hiện sớm trong những tháng đầu năm. Người dân thường không chú trọng việc thả cá vào bể nước, lật úp các vật dụng đọng nước hoặc phun thuốc muỗi phòng dịch trong giai đoạn đầu năm. Theo thời gian, khi lượng muỗi truyền bệnh tăng cao, cộng thêm việc mức độ miễn dịch cộng đồng thấp sau vài năm dịch giảm, virus Dengue dễ dàng “lan nhanh” trong các khu vực cộng đồng từ nông thôn đến thành thị.

Để chủ động phòng ngừa dịch SXH, BS Ngụy Như Ngọc Chiêu - Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện TP Thủ Đức) khuyến cáo, người dân cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “3 không”. Theo đó, không cho muỗi đốt bằng cách sử dụng màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay khi ra ngoài và sử dụng các biện pháp chống muỗi phù hợp. Không cho muỗi đẻ bằng việc đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên thay nước trong bình hoa, chậu cảnh. Không cho muỗi ở bằng cách dọn dẹp môi trường sạch sẽ và đảm bảo cống rãnh thông thoáng.

BS Chiêu lưu ý, những người đã từng mắc SXH vẫn có nguy cơ tái nhiễm, bởi virus Dengue có 4 loại khác nhau, kháng thể tự nhiên chỉ bảo vệ được với loại đã gây bệnh, trong khi miễn dịch chéo với các loại khác không bền vững và nhanh chóng mất đi. Hiện nay Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép hai loại vaccine là Dengvaxia và QDENGA. Trong đó, vaccine Dengvaxia được tiêm 3 liều cách nhau 6 tháng, dành cho người từ 9 - 45 tuổi hoặc 9 - 60 tuổi tùy quy định. Do yêu cầu sàng lọc trước khi tiêm vaccine, loại vaccine này hiện không được sử dụng rộng rãi. Trong khi đó, vaccine QDENGA có thể tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên, với hiệu lực phòng bệnh trên 80% và ngăn chặn trên 90% nguy cơ mắc bệnh nặng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/noi-lo-sot-xuat-huyet-bung-phat-10303037.html