Nỗi lo xung đột môi trường ở Khu Kinh tế Dung Quất

Nhiều dự án lớn đang triển khai tại Khu Kinh tế Dung Quất đang là thời cơ đưa nơi đây trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước

Liên tiếp trong những năm qua, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi) có hàng loạt dự án lớn, trọng điểm đã và đang triển khai, với những dự án có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng như dự án Nhà Máy thép Hòa Phát, Nhà máy Bột giấy VNT-19… Làm sao để hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp (DN) và người dân, công tác bảo vệ môi trường cũng là thách thức.

Lo lắng ô nhiễm

Thực tế trong thời gian qua, rất nhiều lần người dân sống ở KKT Dung Quất đã ngăn cản, phản đối các dự án thi công vì lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường khi dự án hoạt động.

Người dân xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường khi thi công lắp đặt hệ thống xả thải Nhà máy Bột giấy VNT-19

Người dân xã Bình Trị, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường khi thi công lắp đặt hệ thống xả thải Nhà máy Bột giấy VNT-19

Đơn cử, cách đây chưa lâu, hàng chục người dân đã tập trung ngăn cản, thậm chí "ôm" chặt dây điện khi các công nhân thi công đường dây 110 KV kéo vào Nhà máy Bột giấy VNT-19. Nguyên nhân được cho người dân không đồng ý với phương án đặt đường ống xả thải của nhà máy ra vịnh Việt Thanh - là nơi mưu sinh, đánh bắt của hàng trăm hộ dân trong khu vực.

Trước đó, trong năm 2022 khi chủ đầu tư tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến cộng đồng về phương án xả thải ra vịnh Việt Thanh, rất nhiều ý kiến bày tỏ phản đối vì cho rằng khi đặt đường ống xả thải ra vịnh Việt Thanh, nước xả thải từ nhà máy sẽ tàn phá môi trường nơi đây...

Sau đó phần lớn người dân ra về, bỏ ngang buổi tham vấn.

Bụi mịn “tấn công” nhà dân ở Khu Kinh tế Dung Quất tháng 11-2022

Bụi mịn “tấn công” nhà dân ở Khu Kinh tế Dung Quất tháng 11-2022

Trong khi đó, tại cuộc họp báo mới đây, chủ đầu tư Nhà máy Bột giấy VNT-19 cam kết sẽ dừng hoạt động, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường.

Không chỉ dự án nhà máy giấy, một số dự án khác như Nhà máy thép Hòa Phát cũng từng vấp phải sự ngăn cản của người dân trong quá trình thi công. Phần lớn người dân lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của họ khi nhà máy đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Minh, ngụ xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường ở KKT Dung Quất đang ở mức báo động. "Bụi bặm, tiếng ồn, khói độc... thải ra từ hoạt động các nhà máy diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Nhưng chúng tôi lo ngại nhất là nguồn nước bị ô nhiễm, bụi mịn, tro xỉ phát tán trong không khí... đã dần dần gây tác hại rất lớn với người dân nơi đây" - ông Minh nói.

Theo những người dân ở KKT Dung Quất, họ đã nhiều lần chứng kiến những cột khói thải ra từ các hoạt động nhà máy với đủ màu sắc, trong đó nước biển ở khu vực biển Khe Hai nhiều lần đổi màu khiến người dân không dám dùng nước giếng khoan để nấu ăn, mà phải đi mua nước bình về dùng.

"Chúng tôi rất lo ngại khi sắp tới đây thêm nhiều nhà máy thuộc các ngành nghề khác như luyện thép, luyện kim, chế biến giấy... đi vào hoạt động. Điều đó có thể sẽ càng khiến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn" - bà Nguyễn Thị Năm, ngụ xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, lo lắng.

Giám sát, công khai kết quả các chỉ số quan trắc

Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, nhìn nhận KKT Dung Quất hội tụ nhiều dự án công nghiệp lớn, trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi. Những dự án này đã đem lại nhiều thay đổi tích cực cho người dân, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, nhưng đi cùng với đó là những nỗi lo về môi trường.

Qua những lo lắng của người dân và sự cố về môi trường, UBND huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị các sở ngành, đơn vị liên quan cần phải lắp đặt các hệ thống quan trắc, đo đạc chỉ số môi trường xung quanh các nhà máy lớn và phải công khai cho người dân được rõ, để người dân cùng chính quyền kiểm soát ô nhiễm.

"Đối với các thông số quan trắc vượt giá trị giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cần nêu rõ là vượt bao nhiêu, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị các biện pháp giảm thiểu tương ứng. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị cần phải lựa chọn thêm một số điểm đại diện và duy trì một số điểm quan trắc khí thải để đánh giá chất lượng diễn biến môi trường, nhất là xung quanh các dự án lớn" - ông Hiền nói.

Nước biển ở Khu Kinh tế Dung Quất chuyển màu lạ vào cuối năm 2021

Nước biển ở Khu Kinh tế Dung Quất chuyển màu lạ vào cuối năm 2021

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cũng nhiều lần nhấn mạnh, công tác bảo vệ môi trường tại KKT Dung Quất được tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm. "Không chỉ riêng ở KKT Dung Quất, mà nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi sẽ luôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bởi vậy, bất kỳ một dự án nào được cấp phép đầu tư, triển khai phải bảo đảm về vấn đề môi trường" - bà Vân nói.

Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường KKT Dung Quất đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

"Mục tiêu cụ thể của kế hoạch chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn; kiểm soát tốt chất lượng diễn biến môi trường. Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của DN. Giải pháp cụ thể tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, kiểm soát đầu ra hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ nguồn thải và công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy… thường xuyên công khai thông tin, kết quả quan trắc chất lượng môi trường" - ông Tuấn thông tin.

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-lo-xung-dot-moi-truong-o-khu-kinh-te-dung-quat-196240604204153096.htm