Nơi lưu dấu thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cố đô Huế là nơi có nhiều di tích lưu niệm gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sinh sống, học tập và tham gia các hoạt động. Những năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo, góp phần phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích, trở thành 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng.

Giữa tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ (phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, TP Huế) đúng vào dịp nơi đây đang chuẩn bị Ngày hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” nhân dịp kỷ niệm 127 năm Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) về sống tại làng Dương Nỗ (1898 - 2025) và 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2025).

Lãnh đạo TP Huế và các đơn vị dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo TP Huế và các đơn vị dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Dọc tuyến đường bê tông men theo dòng sông Phổ Lợi uốn lượn trong xanh dẫn vào khu lưu niệm là những ngôi nhà khang trang, 2 bên cổng đều treo cờ Tổ quốc. Làng Dương Nỗ hiện nay còn bảo tồn 4 di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đình làng Dương Nỗ cùng 2 di tích cấp tỉnh là Bến Đá, Am Bà. Các di tích này ghi dấu thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người theo cha về đây sinh sống và học tập từ năm 1898 đến năm 1900.

Vào những ngày này, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ở TP Huế và các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức đoàn về Dương Nỗ để dâng hoa, báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan hệ thống di tích lưu niệm của Người nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Khi chúng tôi đến đúng vào thời điểm có nhiều đoàn học sinh các trường Tiểu học ở TP Huế đến tham quan tại Nhà lưu niệm.

Vừa dẫn các em học sinh tham quan, chiêm ngưỡng các hiện vật trưng bày tại Nhà lưu niệm, chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh, thuyết minh viên Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế vừa kể câu chuyện về những năm tháng niên thiếu của Bác Hồ sinh sống, học tập tại Dương Nỗ. “Ngôi nhà lưu niệm này vốn trước đây là của gia đình ông Nguyễn Sĩ Độ (Thủ bộ của làng Dương Nỗ). Năm 1898, ông Độ mời ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dạy học cho các con và sắp xếp để gia đình thầy ở trong ngôi nhà này. Trong thời gian sống ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó mang tên gọi Nguyễn Sinh Cung vừa mới lên 8 đã được cha cho theo học chữ Hán. Tại đây, Người đã học những bài học đầu tiên về đạo làm người để bắt đầu một hành trình lớn lên, trưởng thành và phụng sự đất nước…”, chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh chậm rãi thuyết minh.

Ông Nguyễn Văn Trai, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Dương Nỗ cho biết thêm, bên cạnh Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại làng Dương Nỗ còn có di tích Bến Đá là một bến nước nhỏ nằm bên sông Phổ Lợi mà gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống ở đây thường ra bến tắm giặt. Ngoài ra, di tích Đình làng, Am Bà tại làng Dương Nỗ cũng là nơi hằng ngày Nguyễn Sinh Cung thường ra chơi, vãng cảnh, học bài.

“Những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế để gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ. Học tập theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân địa phương đã nỗ lực thi đua lao động sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế để xây dựng quê hương Dương Nỗ ngày càng khởi sắc hơn”, ông Nguyễn Văn Trai cho hay.

Kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại TP Huế có hơn 20 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chính quyền địa phương quan tâm tu bổ, bảo tồn. Đến nay có 4 di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt gồm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 112 (số mới 158) đường Mai Thúc Loan (phường Thuận Lộc, quận Phú Xuân, TP Huế); Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ và địa điểm Trường THPT Quốc học Huế. Trong đó, di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan, TP Huế là nơi đầu tiên mà Người cùng gia đình sinh sống tại Huế từ 1895 - 1901.

Tọa lạc giữa khuôn viên di tích này với nhiều cây xanh phủ bóng mát là ngôi nhà nhỏ hiện đang lưu giữ nhiều đồ vật ghi dấu kỷ niệm thời niên thiếu của Bác Hồ. Ông Nguyễn Văn Dũng (ở TP Hồ Chí Minh) đến tham quan tại Nhà lưu niệm và chia sẻ: “Ngôi nhà rất đơn sơ, giản dị với ba gian nhà gỗ, tường bằng gạch vồ, mái lợp ngói liệt, nhà bếp bằng tranh tre, nứa lá nhưng lại chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt vào những năm tháng thiếu thời Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trên đất Huế. Tận mắt nhìn thấy những kỷ vật trưng bày tại đây khiến tôi không kìm nén được sự xúc động trước công lao to lớn mà Người đối với đất nước, dân tộc Việt Nam”.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.

Ngoài các di tích kể trên, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế nằm trên đường Lê Lợi (phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa, TP Huế) hiện đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hình ảnh tư liệu, hiện vật quý về Bác Hồ trong suốt gần 10 năm Người cùng gia đình sinh sống, học tập ở Huế. Tại đây, người dân và du khách được giới thiệu, tìm hiểu thêm về lịch sử, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với dân tộc và thời đại. Theo thống kê, bình quân mỗi năm Bảo tàng Hồ Chí Minh TP Huế và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế thu hút hàng chục nghìn lượt người dân, du khách. Chỉ tính riêng vào những ngày trong tháng 3/2025, đã có hơn 100 đoàn khách với hơn 10.000 lượt người gồm cán bộ, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên đến dâng hoa, dâng hương, báo công, tham quan, kết nạp vào Đoàn - Đội tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế là niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân TP Huế nói riêng. Trong những năm qua, các di tích này đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và truyền thống cách mạng. Với sự quan tâm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di tích đã và đang trở thành những địa chỉ tham quan hấp dẫn, kết nối các vùng di sản trên con đường hành hương về nguồn của nhân dân cả nước.”

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP Huế

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/noi-luu-dau-thoi-nien-thieu-cua-chu-tich-ho-chi-minh-i766716/