Nơi lưu giữ lịch sử con người và vùng đất Hưng Yên
Nếu muốn tìm hiểu về lịch sử đất và người Hưng Yên, chắc chắn Bảo tàng tỉnh là địa chỉ chúng ta không thể bỏ qua. Bởi nơi đây hiện đang lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật, tài liệu liên quan tới phong tục, tập quán, văn hóa của mảnh đất Hưng Yên qua các thời kỳ. Bằng tinh thần, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác bảo quản hiện vật, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá và gìn giữ một phần lịch sử cho các thế hệ mai sau.
Du khách tới tham quan tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên
Năm 2013, trụ sở Bảo tàng tỉnh Hưng Yên được khởi công xây dựng mới, đến năm 2018 được khánh thành và đưa vào sử dụng. Khuôn viên của Bảo tàng tỉnh Hưng Yên rộng 2,2ha gồm nhà trưng bày chính và hệ thống trưng bày ngoài trời, bảo đảm quy mô và diện tích đáp ứng tiêu chuẩn bảo tàng hạng 2. Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 17.200 tài liệu, hiện vật phản ánh quá trình hình thành, phát triển của vùng đất, con người Hưng Yên trong suốt chiều dài phát triển lịch sử dân tộc. Các tài liệu, hiện vật này làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: đá, gốm, đồng, gỗ, giấy... Trong đó có nhiều hiện vật quý như: Bộ sưu tập Đông Sơn (trống đồng, rìu, mũi tên, đồ trang sức, đồ minh khí); mộ thuyền ở Kim Động, Ân Thi, Khoái Châu; gốm sứ Lý - Trần, Lê - Nguyễn; đồ Khâm liệm của Đại Tư đồ Nguyễn Bá Khanh; sách Hán - Nôm; kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ông Đỗ Minh Chuyên (72 tuổi), một người gốc thành phố Hưng Yên đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ khi đến tham quan Bảo tàng tỉnh. Ông Chuyên nhận xét: "Mọi thứ ở đây thay đổi quá nhiều. Tôi ấn tượng với khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, các công trình quy hoạch gọn gàng. Hiện vật, tài liệu bên trong nhà trưng bày hay ngoài trời đều phong phú, được sắp đặt khoa học, giúp người xem dễ dàng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Hưng Yên qua từng giai đoạn".
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, Bảo tàng tỉnh nỗ lực tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn nghiệp vụ. Bảo tàng tỉnh đã phối hợp tổ chức 3 cuộc trưng bày chuyên đề phục vụ các sự kiện chính trị, lễ kỷ niệm lớn của tỉnh và đất nước; sưu tầm, phục chế hơn 100 tài liệu, hiện vật; chụp 2.171 ảnh hiện vật, chỉnh lý bổ sung 4.328 hồ sơ hiện vật; hoàn thành công tác phục chế Bảo vật quốc gia, nghiệm thu làm hiện vật bảo tàng là 1 tượng sư tử đá, 4 thành bậc đá chùa Hương Lãng, xã Minh Hải (Văn Lâm). Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, làm phiên bản tư liệu, lược dịch, scan tư liệu Châu bản triều Nguyễn (810 trang tư liệu) và phông Nha Kinh lược xứ Bắc kỳ (181 trang tư liệu, nội dung về danh nhân Nguyễn Thiện Thuật và Hoàng Hoa Thám) tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Với nội dung phong phú, hấp dẫn được trình bày logic, khoa học, dễ hiểu, hệ thống âm thanh, chiếu sáng hợp lý, các trang thiêt bị và hệ thống nghe nhìn hiện đại, Bảo tàng tỉnh đã tạo được không gian ấn tượng và sức hấp dẫn đối với khách đến tham quan. Bên cạnh đó, các sưu tập hiện vật thường xuyên được thay đổi, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn, tránh sự đơn điệu, nhàm chán đối với khách, đặc biệt là những khách đến với Bảo tàng nhiều lần… Ngoài việc phục vụ du khách, từ lâu Bảo tàng tỉnh còn là địa điểm tham quan học tập lý tưởng của học sinh, sinh viên, là nơi các em học sinh tìm hiểu về các giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương, qua đó nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc đối với các em. Năm 2021, Bảo tàng tỉnh đón và phục vụ khoảng hơn 2.300 khách tới tham quan.
Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh hướng dẫn khách tham quan trưng bày chuyên đề “Hoàng Hoa Thám với khởi nghĩa Yên Thế” tại huyện Phù Cừ (tháng 12.2021)
Đồng chí Bùi Đăng Quy, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đón, phục vụ khách tham quan trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bảo tàng tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh; chú trọng xây dựng cơ quan văn hóa và văn minh công sở, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nêu cao tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên, người lao động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và nhất là hoạt động đón, phục vụ, hướng dẫn khách tham quan.
Với chủ trương của tỉnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng có vai trò quan trọng. Hy vọng trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục chào đón nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hiến, lịch sử của Nhân dân địa phương, quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Hưng Yên đến bạn bè trong nước và quốc tế.