Nơi nào trả lương cao, được trọng dụng đương nhiên sẽ hút được nhân tài
Cách đây 5-7 năm đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám ở một số trường đại học lớn nhưng giờ họ không những giữ chân được mà còn chiêu mộ được người tài.
Thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta là chủ trương đã được Đảng, Nhà nước đặt ra và quan tâm từ lâu nhưng đến nay vẫn là vấn đề thời sự và ngày càng trở nên cấp bách cả về lý luận và thực tiễn. Tại Đại hội XIII của Đảng, chủ trương này tiếp tục được nhấn mạnh với nhiều quan điểm mới quan trọng.
Trong quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết được Đại hội XIII thông qua nhấn mạnh phát huy sức mạnh tổng hợp của con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, "có cơ chế để đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài" để tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Việc thu hút và trọng dụng nhân tài có ý nghĩa góp phần quyết định đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong điều kiện tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đất nước sẽ không thể cất cánh với tư duy cũ, cách làm cũ. Chính vì vậy, đột phá trong thu hút và trọng dụng nhân tài có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của đất nước thời gian tới.
Đánh giá về xu hướng cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi giữa các cơ sở giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nguồn lực quốc gia không phải là tài nguyên thiên nhiên mà chính là nhân tài.
“Có nhân tài trong tay thì quốc gia sẽ phát triển, chính vì thế giờ đây không chỉ tập đoàn đa quốc gia mà ngay cả các tập đoàn trong nước cũng có chiến lược săn đầu người bằng cách cấp học bổng, mời và trả lương rất cao khi làm việc cho những người xuất sắc”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức thông tin.
Nhìn về chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam những năm gần đây Giáo sư Nguyễn Đình Đức đánh giá đã có tiến bộ rất đáng kể, nếu trước đây việc thu hút nhân tài gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn lực thì nay nhờ có cơ chế tự chủ đại học đã giúp các trường phát huy, thu hút được nguồn lực để có kinh phí trả cho nhân tài khi tới làm việc như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng,…
Cách đây 5-7 năm đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám ở một số trường đại học lớn, nhưng giờ đây nhờ có chính sách thu hút tốt nên họ không những giữ chân được người tài mà còn chiêu mộ được người tài từ ngoài vào.
Điều này cho thấy hiện nay việc thu hút nhân tài giữa các cơ sở giáo dục đại học diễn ra rất mạnh mẽ và khốc liệt.
Đơn cử ngay trong nhóm nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Đình Đức có một thành viên rất giỏi, khi bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố mấy chục bài báo quốc tế nên ngay sau đó đã đầu quân cho một trường khác vì được trả lương cao, được đầu tư cho nghiên cứu, được thưởng khi công bố bài báo quốc tế.
“Thực tế này cho thấy, giờ đây không chỉ chảy máu chất xám ra nước ngoài mà ngay giữa các đơn vị trong nước cũng cạnh tranh rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều trường còn thu hút cả giáo sư kiều bào, giáo sư nước ngoài về làm việc. Do đó, nếu không có cơ chế chính sách cởi mở cho các trường đại học công lập để có thể nhanh chóng tự chủ, tăng nguồn lực thì thực sự để rất khó thu hút và giữ chân nhân tài”.
Chính sách tự chủ như luồng gió mới tạo cơ chế để các trường đại học tận dụng và năng động, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư cho con người, cho các nhóm nghiên cứu mạnh, từ đó giảm thiểu chảy máu chất xám. Câu chuyện cạnh tranh để thu hút nhân tài giữa các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là bài toán rất nóng, các trường không có nguồn lực sẽ rất khó khăn để giữ chân người tài”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhận định.
Muốn thu hút người tài thì cần phải có cơ chế, có nguồn lực
Nhìn từ thực tiễn cho thấy, chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh nhân tài đã được nêu trong nhiều luật, Nghị quyết như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung 2018 (Luật số 34/2018), Nghị quyết 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”…
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, cũng như một số văn bản, chính sách còn có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, nên nhiều chính sách hay chậm triển khai, thậm chí chưa đi vào cuộc sống, chưa kể nguồn lực còn hạn hẹp khiến cho các trường công lập thiếu đi động lực cạnh tranh và phát triển.
Thậm chí ngay như Đại học Quốc gia Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh từ năm 2013 tuy nhiên việc đầu tư còn nhỏ giọt và do đó việc giữ chân, thu hút người giỏi vẫn chưa được như mong đợi.
Khi phóng viên băn khoăn rằng trong thu hút giảng viên, thu nhập có phải là vấn đề thiết yếu thì Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng có nhiều yếu tố, bên cạnh thu nhập, còn có những điều kiện khác thu hút người tài như điều kiện, môi trường làm việc, nhóm nghiên cứu,…. Một số bài học về thu hút nhân tài của nước ngoài có thể học tập là Trung Quốc, Hàn Quốc,…
Ví dụ tại Trung Quốc, có những tỉnh đưa ra tiêu chí để định ra 25 mức, hạng nhân tài trong các lĩnh vực khác nhau để có những chế độ đãi ngộ phù hợp. Đứng đầu tiên là nhà khoa học đạt giải Nobel. Khi về nước làm việc được Nhà nước hỗ trợ, cho một khoản tiền ban đầu rất lớn, thậm chí vợ con nhà khoa học còn được ưu tiên chế độ nhà ở, công việc.
Điều này cho thấy muốn thu hút người tài thì cần phải có cơ chế, có nguồn lực. Tuy nhiên nếu chỉ có lương cao, chưa chắc nhà khoa học đã về làm việc bởi thứ họ cần hơn là môi trường làm việc - đó chính là cơ chế chính sách, là điều kiện cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, là các nhóm nghiên cứu – nơi có đồng nghiệp, nghiên cứu sinh, học trò giỏi để cùng họ kề vai sát cánh biến ước mơ của nhà khoa học thành hiện thực. Đó còn là trang thiết bị hiện đại, có sự đồng hành của hệ thống doanh nghiệp để tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo một cách thống nhất, phù hợp và hiệu quả.
“Các nhà khoa học không thực dụng nhưng họ rất thực tế, nơi đâu có điều kiện làm việc tốt và có lương cao, được trọng dụng thì đương nhiên sẽ thu hút được nhân tài. Do đó, nếu nguồn lực còn hạn hẹp thì phải tạo cơ chế, nhân tài phải được trọng dụng, có như vậy mới mong có được nhân tài đến làm việc”, Giáo sư Đức nêu ý kiến.
Bài học nhìn từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy khoa học công nghệ chính là chiếc đũa thần đưa đất nước họ chỉ trong thời gian ngắn - đã cất cánh trở thành con rồng, con hổ của Châu Á. Điều này cho thấy đường lối của Đảng và Nhà nước ta đã xác định để đất nước phát triển thì phải lấy giáo dục đào tạo làm then chốt, khoa học công nghệ làm động lực là hoàn toàn đúng đắn. Và đặc biệt vai trò của các trí thức tài năng hết sức quan trọng.
Giáo sư Đức cho rằng, tới đây Chính phủ sẽ tổng kết Nghị quyết 27-NQ/TW về đội ngũ trí thức Việt Nam, chúng ta cần nhìn nhận khách quan và thẳng thắn cái gì làm được, cái gì chưa được để nhanh chóng đề ra những giải pháp để khắc phục và thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, để đội ngũ trí thức có điều kiện phát huy hết tài năng, có những đóng góp xứng đáng hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước. Trí thức phải đi đầu hội nhập trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Cuối cùng, Giáo sư Đức nhấn mạnh rằng, nhân tài không tự nhiên mà có, cần phải phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng thì mới mong có nhiều nhân tài.
“Muốn có nhà khoa học giỏi thì phải có tiến sĩ giỏi; muốn có tiến sĩ giỏi thì năm tháng học đại học - sinh viên đại học phải giỏi; muốn sinh viên đại học giỏi thì phải có thầy giỏi, đầu vào giỏi; muốn đầu vào giỏi thì những bài thi vào đại học cũng phải theo thông lệ quốc tế, đánh giá được năng lực học tập của sinh viên.
Không phải ngẫu nhiên bài thi SAT, ACT của Hoa Kỳ - cốt lõi là Toán và Ngữ văn, được rất nhiều nước tiên tiến xem như bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực để tuyển chọn sinh viên của họ vào đại học, trong khi tuyển sinh đại học của Việt Nam hiện nay có đến hàng trăm tổ hợp khác nhau để xét tuyển. Nếu chúng ta không đổi mới trong tuyển sinh đại học thì khó chọn được nhân tài”, thầy Đức nhấn mạnh.