Nơi neo giữ mái ấm gia đình

Xa quê, mỗi lần về nằm trên chiếc võng gai, tôi lại mường tượng về ngôi nhà xưa. Ngôi nhà đã từng chứng kiến sự thuận hòa của bốn thế hệ nhà tôi, nơi tôi lọt lòng đỏ hỏn đến tuổi trưởng thành và là nơi neo giữ mái ấm gia đình.

Minh họa: LÊ DUY

Minh họa: LÊ DUY

Cha tôi là một cựu chiến binh chống Pháp, kết hôn với mẹ sau năm 1954. Năm 1959, khi cha 29 tuổi thì cất được ngôi nhà nhỏ trên chính mảnh đất của ông bà ngoại. Sau rất nhiều lần sửa sang, nhà hoàn thiện gồm nhà trên và nhà dưới.

Nhà trên lợp ngói, xây tường gạch. Nhà dưới lợp tranh, vách đất, mãi về sau trước khi tôi đi bộ đội nhà dưới cũng được lợp ngói. Nhà trên có ba gian, gian ngoài cùng dùng để thờ tổ tiên và những người đã khuất, bên vách cạnh cửa sổ đặt bộ phản cho con trai ngủ.

Gian giữa được bài trí tranh Đông Hồ, câu đối và kê bộ bàn ghế để uống nước chè xanh, ăn trầu, tiếp khách. Gian trong cùng rộng hơn, phân ra hai phần, phía sau làm buồng của mẹ và con gái, phía trước đặt bàn ăn cơm. Nhà trên có thiết kế chạn (gác), rầm làm bằng tre nguyên cây gác lên xà, trên rầm là liếp nứa để vây cót đựng lúa. Phía trước nhà có thềm rộng chừng một mét, phía ngoài là rèm thưa che bớt nắng mưa, thềm có đặt hai chõng tre, chiếc võng gai để ngủ vào mùa hè.

Nhà dưới (nhà bếp) được sắp xếp thành các phân khu. Khu đặt bếp ở nửa phía sau nhà, có bồ muối hột, chai mắm, liện mỡ lợn, vại cà, vại dưa, chum nước lã... Bếp (ông táo) gồm bếp dài để đun rơm, nấu một lúc nhiều nồi: Nấu cơm, luộc rau, kho cá. Nồi cơm thường được bắc lên nấu trước, khi cơm sôi cạn nước thì nhắc xuống vần lên tro, xoay hướng cho cơm chín đều.

Khi nấu cơm thì ấm nước đặt bên cạnh cho nóng, sau đó đun nước nhanh sôi, tiết kiệm củi. Có cả bếp bằng kiềng ba chân dùng khi nấu đơn giản hoặc hâm thức ăn. Có bếp lớn được kê ba viên đá (gạch) để đun các xoong, nồi to như nấu cháo lợn, nấu khoai, hầm ngô chủ yếu om bằng củi gộc to và trấu. Vật liệu đun nấu bằng củi, rơm rạ, hoặc lá cây và cả trấu, hay bột cưa.

Trong mỗi ngôi nhà ngày đó đôi khi có cả ba bốn thế hệ cùng chung sống, đa phần gia đình nào cũng đông người. Có nhà đến hai mươi người, rất ít nhà có một, hai đứa con. Kinh tế nhìn chung còn khó khăn, nên việc chạy đủ ăn cho cả gia đình đông con là vấn đề hệ trọng.

Mỗi nhà được chia một đám ruộng phần trăm ít ỏi, còn lại là ruộng hợp tác xã để sản xuất chung, xã viên nhận được lúa chia theo số công điểm. Đa phần là thiếu gạo ăn, phải ăn độn khoai, ngô, rau... Nhất là giáp hạt, nhiều gia đình chỉ được ăn một bữa có tinh bột để cầm cự, bữa ăn khác phải tìm các loại rau ăn thêm cho đỡ đói.

Cha tôi là thương binh, có chế độ trợ cấp hằng tháng. Ông rất giỏi trong lao động, còn mẹ lại đảm đang nên cuộc sống của gia đình tôi tạm đủ ăn cho ba bữa trong ngày. Buổi sáng gia đình tôi thường ăn cơm nguội với cà muối hay dưa muối. Giáp hạt thì ăn khoai luộc, khoai xéo, ngô hầm...

Bữa sáng tùy theo công việc, mỗi người tự dậy ăn rồi đi làm, đi học, ít khi được ăn chung. Bữa trưa cũng không đông đủ lắm, người đi làm xa thì dỡ cơm theo, các con đi học xa thì ăn trước, học về muộn thì để phần ăn sau. Bữa cơm trưa gia đình thường ăn ở khoảng trống nhà dưới, kề bên cửa hông thông với nhà trên.

Nhưng các bữa ăn tối trong ngày, gia đình thường có mặt đông đủ, kể cả khi khó khăn chỉ là nồi khoai xéo, nồi cháo trắng vẫn được dọn ra bàn, chờ đủ mọi người mới cùng ăn.

Về mùa hè, bữa cơm tối được dọn ra ngoài sân, thoáng mát, nhất là những đêm có trăng sáng. Cảnh nhà nông phải tranh thủ thời gian để tránh nắng, lao động đỡ mệt hơn. Bữa cơm tối vì vậy thường diễn ra từ 18 giờ đến 18 giờ 30 phút với đông đủ thành viên. Vậy nên bữa cơm tối là bữa cơm đoàn viên trong ngày của nhà nông.

Trong các gia đình nông thôn, bữa cơm trong ngôi nhà là sợi dây quan trọng nhất để kết nối, neo giữ tình cảm gắn bó giữa các thành viên. Chính vì thế mà dù lớn lên, con cái được dựng vợ, gả chồng hay đi làm ăn xa, trong lòng luôn hướng về mái nhà xưa, nơi vun đắp tâm hồn, sự gắn bó yêu thương của gia đình bền chặt. Dẫu đi đâu, ở đâu khi về đến ngôi nhà của mình là ta cảm thấy thoải mái, an toàn nhất.

Theo quy luật cuộc sống, con cái trong gia đình lớn lên đều rời xa mái nhà xưa với nhiều lý do. Những bữa cơm gia đình mỗi ngày thêm vắng người. Ông bà, cha mẹ về với tổ tiên. Chúng tôi cũng vậy. Ngôi nhà xưa dẫu được anh chị em tôi xây dựng, sửa sang lại làm nơi thờ cúng tổ tiên, nơi gặp gỡ nhau nhân ngày Tết, ngày giỗ nhưng mỗi khi trở về lại không tránh khỏi những phút giây chạnh lòng.

Nguyễn Bá Thuyết

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/noi-neo-giu-mai-am-gia-dinh-195718.htm