Nối nghiệp cha tâm thành cùng ca Huế

HNN - Thúy Hồng là con gái của cố soạn giả tài hoa Kỳ Châu, người trước đây đã từng viết lời mới ca Huế cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng với những làn điệu, như: Chầu văn, Tổ khúc dân ca, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Tương tư khúc, Tứ đại cảnh, các làn điệu hò, vè, lý Huế...

Nghệ sĩ Thúy Hồng (giữa) biểu diễn ca Huế

Nghệ sĩ Thúy Hồng (giữa) biểu diễn ca Huế

Mang trong mình dòng máu nghệ thuật truyền thống của gia đình, ngoài công việc là kế toán của một công ty đóng trên địa bàn thành phố, hàng tuần đều đặn vào tối thứ Ba, nghệ sĩ Thúy Hồng dành thời gian tham gia Câu lạc bộ Ca Huế Thính phòng tại 25 Lê Lợi. Trên 10 năm qua, khán giả luôn yêu mến Thúy Hồng trong hình ảnh một ca nương hiền lành, hòa nhã với dáng vẻ thướt tha và giọng ca ngọt ngào, sâu lắng. Nghệ sĩ Thúy Hồng luôn biết làm mới mình bằng cách ca rất nhiều làn điệu ca Huế. Có thể kể đến là những làn điệu cô ca khá thành công như Phẩm tiết, Hành vân, Nam bình, Nam xuân, Phú lục, Lý tử vi, Chầu văn…

Với ý thức lan tỏa nghệ thuật ca Huế truyền thống, Thúy Hồng luôn góp mặt trong những buổi biểu diễn thiện nguyện ở trường học, bệnh viện... Hơn 10 năm tham gia Câu lạc bộ Ca Huế Thính phòng, cô luôn luôn được mọi người quý mến. Với sự rõ ràng, minh bạch và tinh thần trách nhiệm, Thúy Hồng được câu lạc bộ tin tưởng giao nhiệm vụ thủ quỹ, phụ trách công tác thu - chi. Dù không nhận thù lao cho công việc này, cô vẫn tận tâm, đảm nhiệm bởi thấu hiểu nguồn quỹ của câu lạc bộ còn hạn chế.

Gia đình là một yếu tố rất quan trọng trong việc kế thừa và gìn giữ truyền thống nghệ thuật, điều này càng thể hiện rõ nét đối với nghệ thuật ca Huế, một bộ môn đang cần chăm sóc, bảo tồn và lan tỏa trong cộng đồng. Có thể kể đến những gia đình theo truyền thống yêu nghệ thuật và tiếp bước qua nhiều thế hệ, như gia đình Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, các nghệ sĩ Tôn Nữ Lệ Hoa, Hồng Lê, Đình Hưng... Không hổ danh là con gái của cố nghệ sĩ soạn giả ca Huế Kỳ Châu, Thúy Hồng ngoài việc ca thành thạo các bài bản lớn, cô còn soạn lời mới cho ca Huế. Những bài ca của cô được đánh giá là có tính văn học cao, mượt mà, ý tứ hay, sâu sắc.

Việc soạn lời mới cho ca Huế của nghệ sĩ Thúy Hồng ngoài niềm đam mê, còn thể hiện lòng hiếu thuận của một người con dành cho người cha kính yêu đã khuất của mình: “Người đã đi rồi về nơi xa/ Thương thương, thương kính dâng lời/ Tặng người khúc ca ngậm ngùi/ Sóng dập dìu thanh thoát điệu Chầu văn/ Nhớ câu hò da diết/ Gửi Huế yêu thương” (Khúc ca dâng người - Điệu phú lục).

Cô tin rằng, nơi suối vàng có lẽ cha mình sẽ rất vui khi biết con gái theo nghiệp cha, nuôi dưỡng truyền thống yêu nghệ thuật của gia đình. Lời ca của nghệ sĩ Thúy Hồng đậm chất Huế, chất văn học trong mỗi câu chữ: “Cánh chim trời đã bay đi/ Lòng mong ngóng sớm mai tin về/ Nặng một đời truân chuyên/ Thu nhuộm sầu ly biệt, vạn niềm thương/ Ngồi đợi canh thâu/ Mong xuân lại về mau/ Tóc xanh phai màu” (Trăng thu - điệu Nam bình)...

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, cô đã đoạt được nhiều thành tích cao tại các cuộc thi văn nghệ do các đơn vị trong thành phố tổ chức. Đặc biệt, giải thưởng để lại ấn tượng sâu đậm nhất của cô là giải Nhất đơn ca trong Liên hoan Tiếng hát Người Lao động với bài Chầu văn do cha mình soạn lời: “Huế trọn nghĩa tình”. Nghệ sĩ Thúy Hồng luôn mang trong mình niềm đam mê nghệ thuật, yêu thích ca hát và đến với nghiệp diễn một cách nghiêm túc, tự tin như vậy là một tín hiệu mừng của ca Huế để bộ môn nghệ thuật truyền thống của Huế mãi lan tỏa, bay xa.

Trang Thùy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/noi-nghiep-cha-tam-thanh-cung-ca-hue-155309.html