Nỗi nhớ mái trường

Tôi đã từng đi qua tuổi học trò, tuổi sinh viên và bây giờ là phụ huynh, trong kí ức của mình không thể quên được hình ảnh mái trường, lớp học, sân chơi, với bao kỉ niệm thân thương. Không hiểu sao sân trường thường có hai loại cây: phượng đỏ và bàng xanh. Phượng thì thắp lửa như một tín hiệu báo hè đã về. Tán phượng rực rỡ như những bó đuốc ngời ngời rạng rỡ đi xa ta đã thấy đã nhận ra. Một màu hồng ánh lên da diết. Màu hoa phượng có gì vừa đắm đuối mà tưng bừng lại vừa lưu luyến dù màu đỏ đó thật lộng lẫy mà gần gũi biết bao. Phượng thắp lửa cho hè hay hè trổ bông cho phượng. Tất cả đều dấy lên nhịp da diết của khúc hát: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng - Em chở mùa hè của tôi đi đâu - Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười 18 - Thưở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”. Và tán bàng xanh xòe rộng vòng tay xếp từng tán lá. Lá bàng thẫm xanh, một màu xanh bền chặt đậm đà sắt son. Lá bàng như bàn tay vẫy, thân bàng sần sùi mộc mạc và nắng xanh lọc qua tán bàng thành bóng râm chở che ríu rít. Bàng như một tấm áo xanh đan cài với những bước chân nhảy dây, trò chơi rồng rắn. Từng tán bàng lớn lên xòe rộng chậm rãi theo từng đốt, từng ngấn của thời gian cứ thế mà rộng mở thật vô tư ưu ái. Cây bàng và cây phượng vỹ như hai chứng nhân với tuổi học trò cứ thế lặng thầm kiên nhẫn, bền chặt dõi theo giấu vào mình bao nỗi buồn e ấp và mở ra bao niềm vui hồ hởi.

Nhớ mái trường xưa tôi lại nhớ bóng dáng hình ảnh của các thầy cô, những người “kỹ sư tâm hồn” với một sự tôn vinh và tri ân cao cả “Mồng Một tết cha - Mồng Hai tết mẹ - Mồng Ba tết thầy” đã trở thành truyền thống đạo lý của dân tộc. Bác Hồ kính yêu cũng từng là một nhà giáo - thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) đã từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang. Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Nhớ về thầy, cô giáo tôi nhớ nhất là giọng nói giảng bài và ánh mắt. Giọng thầy, cô khúc chiết hấp dẫn mà sang trọng. Một sự sang trọng thật bình dị nhưng có sức lôi cuốn lớn lao, dẫn dắt từ cái khó, cái phức tạp đến cái giản đơn dễ hiểu, một sự truyền cảm không chỉ bằng âm thanh giọng nói mà bằng cả tấm lòng nhiệt huyết say sưa đặc biệt. Thầy giảng bài mà dường như đang tự đánh thức mình với sức lan tỏa đồng cảm mang hết vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn được tích lũy và bồi đắp càng ngày dày lên. Bài giảng không chỉ có trong sách vở mà còn mở rộng ra với cuộc sống xã hội với những dẫn chứng có sức thuyết phục. Những con chữ, con số không chỉ bằng những kí tự khô khan mà sinh động hóa thành máu thịt của cuộc đời. Những phương trình không chỉ là ẩn số mà còn hàm chứa sau đó những bí ẩn, của những buồn vui cần được giải đáp đến một đáp số hoàn hảo. Ánh mắt thầy cô thật dịu dàng, đầm ấm, thật ân cần thiết tha. Ánh mắt bao dung nhân ái, ánh mắt hài hòa chia sẻ, ảnh mắt khích lệ yêu thương, ánh mắt dõi theo tha thiết. Ánh mắt đó tỏa ấm truyền cảm hứng cộng hưởng, khích lệ biết bao. Ánh mắt đó tỏa rộng vẻ dẹp tri thức và mênh mông gợi mở mà ân cần thân thiết. Trong nỗi nhớ của tôi vẫn luôn hiện lên cái màu trắng của bụi phấn, mái tóc bạc điểm sương của người thầy cứ ám ảnh mãi trong nhịp hát ân tình: “Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi - Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng - Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy - Em yêu phút giây này, thầy em tóc như bạc thêm”. Nền bảng đen càng nổi bật những dòng phấn trắng, giáo án thầy giảng là “giáo án xanh” luôn tươi mới, bổ sung thêm những kiến thức giáo án dày thêm, tóc thầy bạc thêm nhưng dòng chữ thì vẫn lấp lánh rạng rỡ và xanh mãi, trẻ mãi với thời gian.

Nhớ mái trường tôi lại nhớ tiếng trống trường đệm nhịp thong thả đều đặn mà tưng bừng rắn rỏi như quả lắc đồng hồ, như nhịp đập trái tim. Tang trống bằng gỗ mít bóng lên theo tháng ngày, da mặt trống bằng da trâu căng phồng tung tẩy điểm nhịp không bao giờ lỗi hẹn. Tiếng trống ngân vang báo giờ ra chơi, giờ vào lớp như một người bạn thân thiết. Tiếng trống không bao giờ già với những âm vang náo nức. Tiếng trống thật hào sảng và tin cậy thiết tha. Ta mang theo những vòng âm thanh ngày đó đến tận hôm nay như một bày tỏ chân thành, như một hào sảng gửi trao. Tôi nhớ cánh cổng trường khi khép khi mở như trang sách trang vỡ khi lật khi gấp. Cánh cổng trường thật công bằng tiễn lớp học trò này ra đi đón lóp học trò mới đến. Cánh cổng trường mở ra những con đường tỏa rộng chân trời với bao khát vọng. Cánh cổng trường khép lại một khoảng sân trường với mái trường, với những ô cửa sổ luôn mở ra những khoảng không bay bổng lãng mạn của tuổi học trò và những chiếc hộc bàn giấu bao kỉ niệm từ những món quà quê đến cuốn sổ tay với những dòng lưu bút...

Ôi mái trường như là một điểm tựa tinh thần lại như là một bệ phóng. Và tôi cứ hình dung những bậc thềm lớp học cao thấp, dài ngắn là những thềm những nhịp lục bát đầu tiên gieo vào ta vẻ đẹp của ca dao, của thi ca, của những trang Kiều. Đó là nhịp chẵn, lẻ cân đối hài hòa sáng trong một mong muốn ước ao, một ân tình chia sẻ: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

HÀ HUY

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202111/ky-niem-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-noi-nho-mai-truong-3089813/