Nỗi niềm bán tranh!
Năm hết tết đến, bao nỗi lo toan cuộc sống khiến ta chưa thể nghĩ đến chuyện sống chậm lại. Mang theo những bức tranh vừa sáng tác đi giao cho khách... lòng rộn ràng, nhưng cũng nhiều suy tư.
Họa sĩ đương nhiên là vẽ tranh rồi. Và họa sĩ bán được tranh lại là việc quá xa xôi, là chuyện hiếm ở quê tôi ấy chứ! Phần vì số ít người tư duy thưởng thức tranh nghệ thuật thực thụ, số nhiều thì theo trào lưu trưng “tranh xanh đỏ” trên tường cho vui...
Người ta thường nói, trong thế giới nghệ thuật, người họa sĩ được xem là kẻ sáng tạo, kẻ mơ mộng, người kể chuyện qua sắc màu và nét vẽ... Nhưng ít ai biết rằng, sau mỗi bức tranh được hoàn thiện là những câu chuyện dài chưa kể - và một trong số đó là nỗi niềm bán tranh.
Bán tranh là để có tiền trang trải, để tồn tại, xa hơn nữa là để làm đẹp cho một không gian nào đó... Và vẽ tranh còn là đam mê, là thứ gì đó như thấm sâu trong huyết quản vậy, môi khi cầm cọ và chơi với màu là tôi có thể vẽ cả ngày, thậm chí quên cả thời gian, khi thực hành nghệ thuật những câu chuyện diễn biến tâm tư tình cảm cứ kéo dài mãi như những bộ phim dài tập chưa biết hồi kết, có tác phẩm chỉ cần một thời gian ngắn vài giờ đồng hồ là đã hoàn thành không thể chỉnh sửa thêm, nhưng có những khi cặm cụi vẽ mấy tháng liền mạch một tác phẩm mà vẽ mãi vẫn chưa thấy ưng...
Với họa sĩ, mỗi bức tranh không chỉ là một sản phẩm, mà còn như là một phần linh hồn của người vẽ. Từng nét bút, từng mảng màu là những mảnh ghép cảm xúc, là cuộc hành trình của tâm hồn và đôi khi là cả nỗi đau... Nên cũng dễ hiểu khi nói, điều khó khăn nhất không phải là hoàn thành bức tranh, mà là trao tranh cho người khác.
Bán đi một bức vẽ, như là chia tay một người bạn, một phần tâm hồn của họa sĩ. Giá trị của một bức tranh không phải chỉ nằm ở giá tiền, mà là sự công nhận, sự đồng điệu từ người mua. Đôi lúc, tranh còn bị xem là “món hàng” để trả giá, để cân đo đong đếm, họa sĩ phải đứng giữa hai lằn ranh: bảo vệ giá trị của tác phẩm hay nhượng bộ vì cơm áo gạo tiền.
Đang miên man thì tiếng chuông điện thoại rú lên một hồi. “A lô, anh đến chưa ạ, em đang chờ ở quán cà phê đối diện tòa nhà hợp khối để nhận tranh ạ. Em xem hình anh gửi trong zalo rồi, háo hức lắm, nhận tranh xong là đi mừng nhà mới bạn em luôn vừa khéo”.
“Anh sắp đến rồi nhé” - tôi trả lời!
Bán được tranh vui lắm chứ, giá tiền đắt rẻ thế nào tôi chưa quan tâm lắm, thời buổi khó khăn, có được người “yêu quý” mua tranh của mình đã là tốt lắm rồi!
Đã trao đổi qua điện thoại từ trước, nên việc giao và nhận tranh diễn ra nhanh gọn. Sau những cái bắt tay, chụp ảnh lưu niệm và chúc nhau những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp là chuyển khoản, khách nhận tranh và tiền chuyển đúng như thỏa thuận.
Mọi người vui vẻ ra về, người mua thì có được tranh làm quà tặng, họa sĩ thì được một khoản tiền thù lao ưng ý. Nhưng cũng vậy mà những câu “giá như” trong tôi cứ vậy xuất hiện trong suy nghĩ: giá như người mua là nhà sưu tầm thực thụ, giá như là mua tranh vì đam mê nghệ thuật, giá như là thấy tương lai của tác phẩm thay vì mua tranh chỉ vì yêu quý họa sĩ, giá như...
Đâu đó trong lòng, người họa sĩ vẫn khát khao tìm thấy tri kỷ - người không chỉ nhìn thấy bức tranh, mà còn thấu hiểu câu chuyện ẩn sâu bên trong ấy.
Bán tranh, nói dễ thôi, nhưng cũng lắm nỗi niềm!
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/noi-niem-ban-tranh-35248.htm