Nỗi niềm của những người gác cao tốc

Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) mặc dù chỉ dành riêng cho xe ô tô; cấm các loại xe máy, xe đạp, xe thô sơ và người đi bộ, song không phải ai cũng biết và tự giác chấp hành quy định này.

Chị Nguyễn Thị Lan và các nhân viên trực chốt khác đã ngăn chặn rất nhiều trường hợp không được phép đi vào đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Chị Nguyễn Thị Lan và các nhân viên trực chốt khác đã ngăn chặn rất nhiều trường hợp không được phép đi vào đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Tiếp chuyện với chúng tôi tại chốt đường dẫn từ phường Lương Sơn (TP. Sông Công) lên cao tốc hướng Thái Nguyên - Hà Nội, anh Dương Minh Tứ, nhân viên Công ty CP Tư vấn và Xây dựng công trình Bắc Nam, làm nhiệm vụ gác tại đây, chia sẻ: Làm công việc này không nặng nhọc nhưng tôi phải liên tục quan sát. Chỉ cần lơ là một chút mà để cho các phương tiện bị cấm đi lên đường cao tốc sẽ rất nguy hiểm. Kể cả những hôm trời mưa xối xả ngập đường, ngồi trong lán, nhưng tôi vẫn phải không ngừng quan sát. Nếu có trường hợp không được phép mà đi vào cao tốc thì tôi không hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với anh Tứ, chốt này còn có 2 nhân viên khác. Họ chia nhau làm việc 3 ca: ca một từ 6 giờ đến 14 giờ, ca hai từ 14 giờ đến 22 giờ và ca ba từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau.

Tại đường dẫn từ TP. Phổ Yên ra cao tốc hướng Thái Nguyên - Hà Nội, tôi bắt gặp người gác đường là một phụ nữ, chị Nguyễn Thị Lan, phường Tân Phú (TP. Phổ Yên). Chị Lan chia sẻ: Tôi làm việc tại chốt này đã được 6 năm, chỉ có chiếc ô là bạn đồng hành che nắng, che mưa; còn chiếc lán nhỏ được lắp ghép bằng những tấm thép mỏng gần đó chỉ khi nào ghi sổ sách hoặc mưa quá to, tôi và các nhân viên tại đây mới vào, còn chủ yếu ngồi ở vệ đường để tiện cho việc theo dõi, quan sát.

Chị Lan trải lòng: Công việc vất vả thì chúng tôi khắc phục được, nhưng buồn nhất là có những trường hợp bị cấm đi vào đường cao tốc, chúng tôi nhắc nhở, không những không nghe mà họ còn văng ra những lời lẽ tục tĩu, hoặc chống đối. Nhưng vì sự an toàn cho người tham gia giao thông và cả chính họ, chúng tôi vẫn phải kiên trì vận động.

Giọng chị Lan bỗng trầm hẳn: Chúng tôi canh đường rất kỹ, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm trên cao tốc, xót xa lắm!

Vụ tai nạn giao thông gần đây nhất xảy ra vào đầu tháng 5-2024 là một ví dụ. Người đàn ông ở huyện Phú Lương đi xe máy ngược chiều trên cao tốc, đến Km 37+500 (địa phận TP. Phổ Yên) thì bị một chiếc xe ô tô đâm tử vong. Cũng từ đầu năm đến nay, trên tuyến cao tốc này đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nguyên nhân do người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc.

Làm công việc này, chị Lan cũng như những nhân viên trực chốt khác luôn mong muốn mọi người khi tham gia giao thông phải hiểu rõ Luật Giao thông đường bộ và chú ý các biển báo hiệu, không điều khiển xe máy, xe đạp, kể cả đi bộ vào đường cao tốc.

Anh Lê Văn Long, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cho hay: Đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên từ Km26-Km69+150. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông, tại 11 điểm có lối mở vào đường cao tốc, đơn vị đều bố trí nhân viên trực chốt. Dù làm việc trong điều kiện khá vất vả, đôi khi còn nguy hiểm đến, bởi có những trường hợp không được phép đi vào đường cao tốc, nhưng khi nhân viên chặn lại còn hù dọa và từng có người bị hành hung... nhưng nhân viên vẫn bám chốt với tinh thần trách nhiệm cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có 3 lối mở vào đường cao tốc không có người gác. Cụ thể, gần Trạm dừng nghỉ Hải Đăng (địa phận phường Tân Phú, TP. Phổ Yên) có 2 lối mở vào cao tốc, gồm một lối mở hướng Hà Nội - Thái Nguyên và một lối mở hướng Thái Nguyên - Hà Nội; một lối mở gần Khu công nghiệp Yên Bình (bên phải tuyến, tại Km44) thuộc địa phận phường Hồng Tiến.

Về vấn đề này, anh Lê Văn Long cho biết: Đơn vị đã có văn bản đề nghị được quản lý 3 lối mở nêu trên, nhưng hiện chưa có ý kiến từ đơn vị chức năng.

Thiết nghĩ, trong khi 3 lối mở này chưa được bàn giao để Xí nghiệp Quản lý đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên quản lý thì chính quyền địa phương cần có các giải pháp, như vận động các xóm, tổ dân phố liên quan bố trí lực lượng trực gác tại các vị trí này, nhất là vào giờ cao điểm. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, tuyệt đối không đi xe máy, xe thô sơ hoặc đi bộ vào cao tốc, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/atgt/202406/noi-niem-cua-nhung-nguoi-gac-cao-toc-db20183/