ĐBQH: Cho bán thuốc online mà không quản được thì vô cùng nguy hiểm

Một số ĐBQH là những người công tác trong ngành y tế như bà Phạm Khánh Phong Lan, ông Nguyễn Anh Trí đều bày tỏ quan ngại về quy định cho bán thuốc qua sàn thương mại điện tử…

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan

Chiều 26-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho biết, ở nước ta có tình trạng bùng nổ, gia tăng công ty phân phối bán buôn và nhà thuốc bán lẻ. Từ khi ban hành Luật Dược 2016 tới nay, số lượng nhà thuốc bán buôn tăng từ trên 3.000 đơn vị tới trên 5.000 đơn vị. Số nhà thuốc bán lẻ tăng từ trên 39.000 điểm tới 67.000 điểm.

Như vậy, từ 1 nhà thuốc phục vụ 2.217 dân năm 2016, hiện đã giảm xuống còn 1 nhà thuốc phục vụ 1.564 dân. Trong khi con số này ở quốc tế là 4.182.

Theo bà Phong Lan, điều này có mặt tích cực là người dân dễ mua thuốc. Song, mặt trái của nó là tăng chi phí trung gian, khó kiểm soát giá thuốc. Đồng thời, có tình trạng muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được, bán thuốc không cần kê đơn rất phổ biến, đây là vấn đề nhức nhối.

Từ thực tế đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất tái lập điều kiện về khoảng cách nhà thuốc; điều kiện cư trú của nhà thuốc, tránh tình trạng cho thuê bằng; công khai giấy phép nhà thuốc; tăng vai trò hội nghề nghiệp...

Về quy định cho phép bán thuốc trên sàn thương mại điện tử, cấm bán trên mạng xã hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ quan điểm không đồng tình: “Quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà tính tới bán online thì có rất nhiều nguy cơ”.

Bà phân tích, quy định bán thuốc qua sàn điện tử còn rất đơn giản, rời rạc, chưa đủ tính khả thi. Trong mọi trường hợp, ĐBQH đề nghị không đưa thuốc kê đơn trên sàn. Nếu bán thuốc không kê đơn cũng chỉ nên thực hiện khi điều kiện pháp lý chặt chẽ, phải được tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

Cũng góp ý về quy định bán thuốc qua sàn thương mại điện tử, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chia sẻ, cá nhân ông cũng mua hàng trên mạng nhưng “mua 10 thứ, chỉ dùng được 3, 4 thứ”. Nên, nếu mặt hàng là thuốc không đạt chất lượng thì rất nguy hiểm vì sản phẩm đó đưa vào cơ thể người dùng.

Vì thế, ông Trí đề nghị, nếu quy định bán thuốc qua sàn thương mại điện tử thì phải quản lý được, các chế tài xử lý trong lĩnh vực bán thuốc qua mạng phải mạnh hơn so với các loại hàng khác. Mặt khác, cần quy định chỉ nhà thuốc uy tín, có địa chỉ, người chủ đăng ký rõ ràng, có chuyên gia tư vấn mới được bán qua mạng.

ĐB Nguyễn Anh Trí cũng góp ý, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này cần phải có sự điều chỉnh đối với việc ban hành danh mục thuốc Bảo hiểm y tế. Lý do vì danh mục thuốc BHYT hiện được ban hành bằng các thông tư, nhưng 3- 4 năm mới ban hành 1 lần để bổ sung thêm thuốc, thuốc bổ sung cũng rất ít ỏi.

Trong khi đó, khoa học tiến bộ nhanh như vũ bão, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính... Chính vì vậy, sự chậm trễ và ít ỏi trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều trị cho người bệnh.

“Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người Việt Nam bỏ ra nước ngoài điều trị vì mới có thuốc và có thuốc mới” – đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dbqh-cho-ban-thuoc-online-ma-khong-quan-duoc-thi-vo-cung-nguy-hiem-post580954.antd