'Nỗi oán sầu của người cung nữ' tiếng nói bi thương nơi cung cấm

Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798) hiệu Ôn Như, được phong tước hầu nên còn được gọi là Ôn Như Hầu. Ông là cháu ngoại của chúa Trịnh Cương, con gái của quận chúa Quỳnh Liên. Ngay từ nhỏ (lúc sáu tuổi) ông đã được đưa vào phủ chúa để học tập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lớn lên (khi mười tám tuổi) ông đã được cắt cử giữ các chức vụ của chốn quan trường. Ông theo nghiệp võ và từng được giữ các chức như Hiệu úy, Quản trung mã tả đội, Tổng binh đồng tri, Độ chỉ huy xứ... Tuy nhiên với bản tính hiếu học và tài năng thiên bẩm nên ông hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực như văn học, lịch sử, triết học; tinh thông nhiều bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, kiến trúc. Ông để lại cho hậu thế hai tập thơ chữ Hán là “Ôn như thi tập” (tiền, hậu tập) với khoảng một nghìn bài (hiện chưa tìm thấy), hai tập thơ chữ Nôm là “Tây Hồ thi tập” và “Tứ trai thi tập” (hiện cũng chỉ tìm thấy một số bài ghi chép trong tạp ký của Lý Văn Phức)… Trong số các tác phẩm đã tìm thấy có một tác phẩm được người đời đánh giá là “đạt đến sự hoàn mỹ của sáng tạo thi ca đương thời”. Đó là tác phẩm “Cung oán ngâm khúc”.

Nguyễn Gia Thiều sống ở vào nửa cuối thế kỷ XVIII, lại được sinh trưởng trong một gia đình quyền quý cao sang vào loại bậc nhất của xã hội khi đó nên những sóng gió binh biến của thời đại và sự tranh giành, sát hại lẫn nhau cùng cuộc sống xa hoa, trụy lạc ở chốn cung điện nguy nga ông đều được mắt thấy tai nghe. Hẳn là sự mục ruỗng của giai cấp phong kiến và những bi kịch đau thương của những cung nữ đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Gia Thiều. Vượt lên sự ích kỷ của giai cấp mình, thấu hiểu những khát khao hạnh phúc yêu thương cùng với tấm lòng cảm thông sâu sắc với thân phận của các cung tần bị thất sủng, Nguyễn Gia thiều đã cất lên những tiếng lòng ai oán và gửi gắm vào trong “Cung oán ngâm khúc”.

Tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” được sáng tác bằng chữ Nôm, gồm có 356 câu thơ song thất lục bát. Đọc “Cung oán ngâm khúc” người ta nhận ra đây là một “tiếng thét oán hờn”, một tiếng nói “phản kháng” của người cung nữ đối với chế độ đa thê của vua chúa phong kiến thối nát đương thời. Các cung nữ đã bừng tỉnh và ý thức được rằng mình đang là nạn nhân bi thảm của những đặc quyền “ích kỷ và vô nhân đạo” mà chế độ phong kiến gây ra. Nhiều người phụ nữ được tuyển vào cung, giấc mộng vàng son chưa thấy đâu thì chỉ trong một thoáng chốc họ đã bị cô đơn và phải chết dần chết mòn trong những lầu son lộng lẫy.

Thật đau đớn và chua xót khi những cung tần tài sắc một thời nay đã nhận ra mình chỉ là những thứ “đồ chơi để thỏa mãn thú tính hoang dâm” rồi sau đó lại bị “ném đi không thương tiếc vào lãng quên”. Nhìn thấy, thấu hiểu và nói lên được nỗi đau này không phải ai cũng làm được, nhất là đối với một đại quan phong kiến. Bởi thế tác phẩm là một tiếng nói đầy tiến bộ và cũng là một đóng góp tích cực của nhà thơ đối với kho tàng thi ca Việt Nam thời kỳ trung đại.

Trích đoạn “Nỗi sầu oán của người cung nữ” là một đoạn trích tiêu biểu, thể hiện được thinh thần chung của tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” của nhà thơ Nguyễn Gia Thiều. Đoạn thơ này được trích từ câu thơ thứ 209 đến câu thơ thứ 244. Nội dung đoạn trích kể về cuộc sống lẻ loi, buồn tủi cùng tâm trạng thất vọng tràn trề trong cảnh mòn mỏi đợi chờ “chúa xuân” của người cung nữ khi đang sống giữa cảnh cung cấm xa hoa, tráng lệ. Đoạn trích như sau:

“Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân!
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong.
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi.
Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm,
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ.
Thâm khuê vắng ngắt như tờ,
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,
Dấu dương xa đám cỏ quanh co.
Lầu Tần, chiều nhạt vẻ thu,
Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.
Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh, tiếng lắng chuông rền.
Lạnh lùng thay giấc cô miên!
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u.
Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ,
Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu.
Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa!
Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải,
Ngán trăm chiều, bước lại ngẩn ngơ.
Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhụy vàng!
Đêm năm canh lần nương vách quế.
Cái buồn này ai dễ giết nhau.
Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa!
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ!
Xe thế này có dở dang không?
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!
(Theo Ngữ văn lớp 10, tập 2, nâng cao,
NXB Giáo dục 2006)

Lẽ thường người đời ai cũng mơ ước được giàu sang phú quý và được ở chốn cung điện ngọc ngà nhưng trong “Nỗi sầu oán của người cung nữ” người đọc lại không thấy như vậy. Hình như lầu son gác tía càng sang trọng, xa hoa bao nhiêu thì người cung nữ càng thấy buồn tủi bấy nhiêu bởi đang bị rơi vào trong cảnh ngộ lẻ loi, đơn chiếc. Nỗi buồn sầu về cuộc sống một thân một mình, cô đơn lẻ bóng giữa cửa rộng nhà cao trang hoàng lộng lẫy của người cung nữ đã được Nguyễn Gia Thiều thể hiện qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình rất khéo léo.

Nhà thơ đã sử dụng một loạt các từ ngữ, hình ảnh, điển tích - điển cố để tái hiện lại không gian và thời gian tồn tại của nhân vật trữ tình (người cung nữ): “trong cung quế”, “lầu đãi nguyệt”, “gác thừa lương”, “phòng tiêu lạnh ngắt như đồng”, “gương loan bẻ nửa”, “dải đồng xé đôi”, “cửa châu lọt gió”, “rèm ngà sương reo”, “ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ”, “dấu dương xa đám cỏ quanh co”, “lầu tần”, “gối loan tuyết đóng”, “chăn gù giá đông”, “mùi hương tịch mịch”, “bóng đèn thâm u”, “lần nương vách quế” (không gian nơi cung nữ ở và các đồ vật gắn liền với các sinh hoạt của người cung nữ trong không gian đó); “đêm năm canh”, “dạ vũ”, “khuya sớm”, “thâm khuê vắng ngắt như tờ”, “chiều nhạt”, “ngày sáu khắc”, “đêm năm canh” (thời gian).

Có thể thấy, bằng cách liệt kê chi tiết cụ thể về không gian, thời gian cùng các điều kiện về nơi ăn chốn ở của người cung nữ nhà thơ đã dựng lên cho người đọc thấy một không gian cung cấm xa hoa tráng lệ với đầy đủ các tiện nghi của tầng lớp quý tộc nhưng không gian ấy hiện lên vô cùng vắng vẻ, lạnh lẽo, nặng nề, cô quạnh. Người ta thấy suốt ngày dài lại đêm thâu giữa cung điện “cửa châu” “rèm ngọc” người cung nữ chỉ lẻ bóng một mình, hết trên lầu cao lại trở về tiêu phòng vắng lạnh cùng với những giấc ngủ mơ màng, vẩn vơ.

Đọc đoạn trích chúng ta thấy bức tranh cung cấm hiện lên một cách ước lệ nhưng được sắp đặt rất sinh động, khéo léo đủ để gợi lên sự tiện nghi giàu sang của nơi quyền quý. Tạo dựng được một không gian tinh tế, tài hoa này có lẽ cũng dễ hiểu bởi nhà thơ vốn là người rất tinh thông về kiến trúc, điêu khắc. Tuy nhiên cùng với nghệ thuật liệt kê được dùng để tái hiện không gian, thời gian chúng ta còn thấy tác giả rất thành công trong việc sử dụng nghệ thuật so sánh để khắc họa từng đặc điểm cụ thể của cảnh vật nhằm diễn tả cái lạnh lẽo, vắng vẻ, đơn chiếc của người cung nữ trong cái không gian và thời gian ấy: “phòng tiêu lạnh ngắt như đồng”, “thâm khuê vắng lặng như tờ”… Nghệ thuật so sánh này cùng với những hình ảnh gợi cảm giác của bút pháp tả cảnh ngụ tình đã cho người ta thấy không gian và thời gian trong đoạn thơ không chỉ là không gian, thời gian vật lý mà còn là không gian, thời gian của tâm trạng. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Hiện lên trong cái không gian, thời gian đầy tâm trạng đó là hình ảnh của người cung nữ. Nhà thơ đã gợi tả nỗi cơ đơn, lẻ bóng này qua các hình ảnh: “âm thầm chiếc bóng”, “trông ngóng lần lần”, “đứng ngồi dạ vũ”, “thức ngủ thu phong”, “bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ”. Nguyễn Gia Thiều đã liệt kê một loạt các hoạt động của người cung nữ giữa không gian cung cấm đài các, giữa thời gian hết ngày lại đêm. Thông qua các hành động này người ta thấy người cung nữ hiện lên vò võ chỉ có một thân một bóng.

Người cung nữ lẻ bóng giữa thế giới đồ vật xa hoa trong một tâm trạng mong ngóng chờ đợi nhà vua. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy. Từ hy vọng nàng lại chuyển sang thất vọng. Nỗi thất vọng ngày một nặng nề. Đến đỉnh điểm, không kìm nén được nữa, người cung nữ đã phải cất lời oán thán, than trách một cách tuyệt vọng: “Khoảnh làm chi bấy chúa xuân!/ Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi”. Đọc đoạn trích chúng ta thấy cùng việc tái hiện hình ảnh lẻ loi, buồn tủi người cung nữ giữa khung cảnh tráng lệ, xa hoa của cung vàng điện ngọc tác giả dường như còn muốn thể hiện cho người đọc thấy được sự nhỏ nhoi, bất hạnh đến tội nghiệp của kiếp người cung nữ. Hình như đối diện với khung cảnh cung điện lộng lẫy người cũng nữ đã nhận ra và ý thức rất rõ về số phận bất hạnh cũng như bi kịch cuộc đời của mình. Cung điện vàng son, xa hoa bao nhiêu thì cũng không thể bù đắp được cho sự cô độc, chết mòn giữa tuổi xuân thì vì bị thất sủng và lãng quên.

Bằng tấm lòng thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với số phận bi thảm của những cung nữ cho nên Nguyễn Gia Thiều đã không ngần ngại mà thẳng thắn nói lên nỗi oán sầu của họ bằng cách tái hiện lại cho người đọc thấy cuộc sống lẻ loi, bi thảm, kéo dài cùng bao nỗi thất vọng tràn trề bởi sự trông mong, chờ đợi mòn mỏi. Người ta thấy hiện lên giữa thời gian dằng dặc, thăm thẳm và không gian tăm tối, vắng lặng của nơi cung cấm xa hoa là hình ảnh người cung nữ cô đơn, trống trải với biết bao nỗi khắc khoải, chờ mong cùng những nỗi quằn quại, thất vọng, u ám, nặng nề: “tin mong nhạn vắng”, “tiếng lắng chuông rền”, “lạnh lùng thay giấc cô miên”, “tranh biếng ngắm”, “mặt buồn trông”, “đứng tủi ngồi sầu”, “than với nguyệt rầu với hoa”, “buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải”, “ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ”, “hoa này bướm nỡ thờ ơ”, “để gầy bông thắm để xơ nhụy vàng”.

Nguyễn Gia Thiều đã rất chi tiết khi sử dụng nghệ thuật liệt kê cùng với những hình ảnh mang tính ước lệ để khắc họa rất cụ thể tâm trạng, nỗi niềm của người cung nữ. Cuộc đời người cung nữ có lẽ không gì sợ bằng cảnh cô độc trong những đêm trường. Khi ấy, một mùi hương hay một bóng đèn với họ chẳng thể nào đem đến một sự phấn khích nào cả mà chỉ gợi lên sự lạnh lẽo, u buồn mà thôi: “Lạnh lùng thay giấc cô miên!/ Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u”. Sống trong cảnh chết mòn bởi sự chờ đợi đau khổ ấy chúng ta thấy có những lúc, dường như sự chịu đựng của con người cũng có giới hạn nên người cung nữ không kìm nén được nữa đành phải thốt lên đau đớn: “Giết nhau chẳng cái lưu cầu/ Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa”. Người cung nữ đã nhận thức được số phận bi kịch chết mòn của chính mình. Và từ sự nhận thức ấy nàng cũng đã nhìn ra nguyên nhân của tấn bi kịch cuộc đời và không ngớt lời than thở, oán trách: “Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ!/ Xe thế này có dở dang không?”. Hơn những thế nàng còn vẫy vùng, muốn bứt phá để thoát khỏi cái nơi tựa như căn buồng “khóa xuân”, cầm tù giam lỏng: “Đang tay muốn dứt tơ hồng,/ Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!”.

Có thể nói, thành công của đoạn trích nói riêng và của tác phẩm nói chung chúng ta thấy bên cạnh nghệ thuật tả cảnh ngụ tình rất tài hoa còn có sự hỗ trợ, góp phần của cách tạo âm, ngắt nhịp. Đoạn trích có âm điệu da diết, buồn thương, cách ngắt nhịp chậm rãi, nhẹ nhàng gợi nên nỗi buồn sầu bâng khuâng, man mác. Đặc biệt hai câu thơ thất ngôn (bảy chữ) được cấu tạo đối xứng với nhau kết hợp với hai câu thơ lục bát uyển chuyển với phần nhiều là những thanh bằng kết thúc ở câu thơ thứ tám đã gợi lên sự ngân vang, réo rắt thể hiện được rất rõ tâm trạng của con người với những nỗi niềm cay đắng, đớn đau; thậm chí có lúc như muốn vùng lên, phá cách.

Đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” là một trích đoạn tiêu biểu cho nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Cung oán ngâm khúc”. Với cách sử dụng ngôn ngữ tài hoa, điêu luyện; kết hợp với bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình, sắc sảo, tác giả đã thể hiện thành công nỗi cô đơn, buồn tủi và tâm trạng quằn quại, đau đớn của người cung nữ. Có thể nói đoạn trích đã vừa nói lên được cảnh ngộ và nỗi lòng tâm trạng người cung nữ vừa cất lên tiếng nói tố cáo chế độ đa thê và tục tuyển cung tần mĩ nữ tàn bạo của vua chúa; đồng thời cũng cho thấy một tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả trước những số phận bất hạnh.

Đoạn trích có thể coi là tiếng nói thiết tha đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của cung nữ trong chế độ phong kiến xưa kia. Với những thành công này tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều đã “trở thành biểu tượng cho khát vọng nhân văn và những nỗi khắc khoải của cả một xã hội đang đòi hỏi cần được đổi thay, phát triển”. Với giá trị ấy tác phẩm xứng đáng là một trong những viên ngọc quý của văn học thời kỳ trung đại nói riêng và của nền văn học nước nhà nói chung.

Đào Hiền - Phan Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-oan-sau-cua-nguoi-cung-nu-tieng-noi-bi-thuong-noi-cung-cam-a25166.html