Nơi phụ nữ phải đổi cả tính mạng để được đến trường
Trong xã hội hiện đại, phụ nữ ở nhiều quốc gia vẫn phải đấu tranh để có được những quyền cơ bản.
Trải qua nhiều thập kỷ phát triển của phong trào bình đẳng giới, phụ nữ ở các quốc gia, giai tầng khác nhau vẫn phải chịu không ít bất công và định kiến.
Dưới đây là những cuốn sách về bình đẳng giới, trong đó các tác giả dấn thân để đấu tranh cho quyền lợi chính đáng và hạnh phúc của phụ nữ.
Căn phòng riêng
Căn phòng riêng - cuốn tiểu luận của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu vào năm 1929 - được xem là một trong những cuốn sách cho phong trào nữ quyền, khởi phát từ phương Tây và lan rộng ra toàn thế giới.
Cuốn sách được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf ở hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại ĐH Cambridge là Newham College và Girton College. Thời đó, phụ nữ muốn vào thư viện của trường cần phải có thư giới thiệu hoặc người có uy tín đi kèm.
"Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình", Woolf đã triển khai tác phẩm của mình dựa trên luận điểm đầy khiêu khích, với giọng văn sắc sảo, hài hước và châm biếm kín đáo.
Tôi là Malala
Malala Yousafzai mới mười tuổi khi Taliban chiếm quyền kiểm soát vùng quê ở Pakistan của cô. Họ nói âm nhạc là một tội lỗi, phụ nữ không được phép đi chợ và con gái không được đến trường.
Từ nhỏ, Malala nhìn thấy những phụ nữ xung quanh mình đều không biết chữ và sống phụ thuộc vào chồng và đàn ông trong gia đình. Khi bước ra ngoài, cô càng thấy sự phân biệt đẳng cấp giữa nam và nữ càng rõ rệt. Và cô không muốn chấp nhận số phận như thế.
Năm 2012, cô suýt chết khi bị bắn ở cự ly gần khi đang đi xe buýt từ trường về nhà. Cô sống sót và tiếp tục cuộc đấu tranh của mình.
Cuốn hồi ký Tôi là Malala là hành trình cho quyền giáo dục của một cô gái. Nó có sức tác động mạnh mẽ tới tâm trí người đọc, với giọng văn mộc mạc, chân thành.
She said - Muôn trùng sự thật
Từ loạt phóng sự của Jodi Kantor và Megan Twohey, hai phóng viên New York Times đạt giải Pulitzer, cuốn sách đã vạch trần tội quấy rối và lạm dụng tình dục của ông trùm Hollywood Harvey Weinstein.
Hai nữ nhà báo bắt đầu cuộc điều tra hành vi đồi bại của ông trùm sản xuất phim từ năm 2017, với hàng loạt lần phỏng vấn bí mật kéo dài nhiều tháng với những diễn viên hàng đầu cùng các cộng sự của Weinstein.
Sau khi bài báo đầu tiên viết về Weinstein được đăng tải vào ngày 5/10/2017, những nạn nhân trên khắp thế giới đã cùng lên tiếng, kể lại câu chuyện nhức nhối của họ.
She said - Muôn trùng sự thật của Kantor và Twohey đã góp phần mang tích cực cho phong trào #MeToo, thúc đẩy nhiều phụ nữ cùng đứng lên vì quyền lợi bản thân, vì bình đẳng và an toàn cho thế hệ tương lai.
Phẩm cách phụ nữ
Bà Bando Mariko là chủ tịch hội đồng đời thứ 5 Đại học nữ sinh Showa, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vai trò tổng lãnh sự tại lãnh sự quán Nhật Bản ở thành phố Brisbane (Australia), từng làm trưởng phòng bình đẳng nam nữ trong phủ thủ tướng.
"Trong xã hội hiện đại, lẽ sống và vai trò của phụ nữ đã thay đổi, đạo đức truyền thống đã không còn trở nên thông dụng nhưng những tiêu chuẩn mới lại chưa được xác lập làm nảy sinh sự hỗn loạn", bà Bando Mariko đưa ra lý do đầu tiên khiến mình "cả gan" viết cuốn sách Phẩm cách Phụ nữ.
Theo bà, đấu tranh cho sự bình đẳng không có nghĩa người phụ nữ phải làm được những việc như đàn ông. Đỉnh cao nhất của bình đẳng giới là tạo dựng môi trường để phái nữ phát huy hết được các "thuộc tính nữ" của giới mình.