Nới room tín dụng: 200.000 tỉ giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp

Các ngân hàng cần xúc tiến ngay chủ trương nới room tín dụng để dòng vốn kịp thời đến tay nhà kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho năm nay thêm 1,5%-2%, tương đương bổ sung khoảng 200.000 tỉ đồng vốn cho nền kinh tế. Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 15,5%-16% so với cuối năm ngoái.

Đây được xem là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh họ đang khát vốn trầm trọng. Tuy vậy, để dòng tiền này chảy vào nền kinh tế nhanh chóng còn nhiều việc phải làm.

Như “nắng hạn gặp mưa rào”

Lý giải việc nới room tín dụng, NHNN cho rằng tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn. Tuy vậy, cơ quan này cũng lưu ý sẽ nới room theo hướng: Ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc những ngân hàng nào thời gian gần đây thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.

Việc nới room tín dụng giúp các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay mùa kinh doanhcuối năm. Ảnh: TL

Việc nới room tín dụng giúp các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay mùa kinh doanhcuối năm. Ảnh: TL

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), bình luận việc NHNN nới room lên khoảng 15,5%-16% trong năm nay là phù hợp. Mức này vừa hỗ trợ cho nhu cầu vốn tăng cao vào thời điểm cuối năm, đồng thời cũng giải tỏa tâm lý của một số ngân hàng rơi vào tình trạng thừa vốn mà không cho vay được.

Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý, NHNN chỉ nới room cao cho ngân hàng nào có thanh khoản tốt và lãi suất thấp hơn, tức là ngân hàng nào tăng mạnh lãi suất huy động để có thêm dư địa cho vay có thể sẽ được điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng ở mức thấp. “Bởi lẽ chi phí đầu vào tăng mạnh cũng đẩy lãi suất cho vay tăng cao và như vậy ngân hàng sẽ khó có chính sách ưu đãi về lãi suất cho các DN trong bối cảnh họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn” - ông Hùng giải thích.

Cố gắng ổn định lãi suất

Đại diện một số ngân hàng cho biết đang nỗ lực ổn định lãi suất cho vay để chia sẻ với những khó khăn của DN. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tập trung vốn vào một số lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội, cho biết đơn vị quyết định giảm lãi suất cho vay từ tháng 12-2022 đến hết năm 2023 với mức giảm từ 0,5% đến 1% tùy đối tượng khách hàng cụ thể. Khách hàng được giảm lãi suất cho vay hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, một số ngành nghề có tiềm năng phát triển để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, chia sẻ: Trong suốt thời gian dài vừa qua các DN khát vốn, ngay cả những đơn vị có điểm chất lượng tín dụng tốt, có tài sản thế chấp… vẫn không vay được do ngân hàng đã cạn tín dụng. Do đó, NHNN nới room cho các ngân hàng là thông tin vui với các DN, giúp họ có thêm nguồn lực để dự trữ vật tư nguyên liệu hàng hóa, trả lương công nhân trong dịp tết Nguyên đán…

Tuy nhiên, ông Tống cho rằng vấn đề quan trọng cần đặt ra là các ngân hàng cần xúc tiến ngay chủ trương nới room tín dụng để dòng vốn kịp thời đến tay nhà kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng được bổ sung hạn mức tín dụng cũng cần phải phân bổ dòng vốn chỉ tiêu đó phù hợp, đúng địa chỉ. Bởi nếu ngân hàng ưu tiên dòng tiền cho nhóm nhiều rủi ro thì nới thêm room cũng sẽ không đem lại nhiều ý nghĩa.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng lên thêm 1,5%-2% được đánh giá là thông tin tích cực, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng không kém là điều kiện tiếp cận vốn cũng như lãi suất phải hợp lý. Nếu các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao, cộng với hàng loạt tiêu chí khó như DN có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi, có phương án kinh doanh khả thi, tình hình tài chính tốt, lịch sử trả nợ sạch... thì sẽ không có nhiều công ty vay được.

Mặt khác, huy động vốn của các ngân hàng tăng trưởng chậm, hiện tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt khoảng 5% so với đầu năm, tức chỉ bằng gần 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của nhiều ngân hàng đang ở mức rất cao, gây căng thẳng thanh khoản cho hệ thống.

TS Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận hiện nay các ngân hàng thương mại huy động vốn trên thị trường rất khó khăn. Chính vì vậy, ngay cả khi NHNN nới room thì khả năng các ngân hàng có thể huy động đủ vốn để cho vay, đồng thời đáp ứng chỉ tiêu về an toàn hệ thống cũng là vấn đề cần quan tâm. Do đó, ngân hàng nào không đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn vốn thì chắc chắn sẽ không được hưởng lợi từ chính sách nới room lần này của NHNN.

Tiếp đến, ngân hàng nào có thanh khoản tốt, đảm bảo an toàn hệ thống thì còn phải đáp ứng tiêu chí tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tức là giải ngân đúng đối tượng thì mới được NHNN ưu tiên nới room cao hơn. “Bởi nếu không giám sát chặt, dòng vốn sẽ lại chảy vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… thì việc nới room cũng không giúp các ngành sản xuất, kinh doanh được hưởng lợi” - ông Hùng giải thích.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng việc nới room tín dụng tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm chỉ khoảng gần 200.000 tỉ đồng. Tuy vậy, ông lưu ý các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng.

Đồng thời, Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu DN, bởi đây là nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng và cũng là để giúp DN thanh toán nợ đáo hạn. Các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh, hiệu quả giải ngân đầu tư công nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng.

“Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và DN” - TS Lực kiến nghị.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/noi-room-tin-dung-200000-ti-giai-con-khat-von-cho-doanh-nghiep-post711226.html