Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Mất hết rồi, không còn gì nữa.
Bà Hoàng Thị Linh
"Năm trước lũ cuốn đi đàn lợn, năm nay thì mấy ao cá, gà... May mắn đàn dê, nai vẫn sống sót nhưng số nợ 50 triệu đầu tư không biết bao giờ mới trả được", bà Hoàng Thị Linh (60 tuổi, xóm 13 xã Quỳnh Lâm, Nghệ An) thất thần nhìn trang trại gần 1 ha chìm trong dòng nước đục ngầu.
Từ đêm 28/9, mưa lớn sau bão Noru lan rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều địa phương ở tỉnh Nghệ An như TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Yên Thành, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn… có mưa lớn kéo dài cùng nước lũ thượng nguồn đổ về, khiến các khu dân cư bị lũ cuốn trôi chìm trong nước.
Sáng 3/10, bản Hòa Sơn và Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn chìm trong nước lũ. Địa phương này vừa phải hứng chịu trận lũ quét xảy ra rạng sáng 2/10.
Lo thoát thân
Trận lũ quét lần này được đánh giá có sức tàn phá kinh hoàng nhất trong vòng mấy chục năm gần đây ở địa phương.
2h sáng ngày 2/10, cả nhà anh Nguyễn Đức Hải, chủ một tiệm sửa xe máy ở huyện Kỳ Sơn, đang ngủ thì nghe tiếng mọi người hô hoán nên vợ chồng chỉ kịp bế theo đứa con và mang giấy tờ, chạy ra cửa sau để sang nhà hàng xóm thoát thân.
"Giờ trở về nhà nhìn cảnh này, tôi không dám ước tính thiệt hại nữa", anh Hải lo lắng đứng trước những chiếc xe chưa kịp sửa cho khách đang kẹt chặt trong bùn đất khi về đến nhà sáng 3/10.
Người dân địa phương kể lại lũ chảy cuồn cuộn kéo dài suốt một ngày, mang theo bùn đất bít hết lối đi. Hàng chục nhà dân bị chìm trong bùn, đổ vỡ, cuốn trôi.
Cùng thời gian, nước lũ đổ về thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) quá nhanh, khiến một cháu bé 4 tháng tuổi tử vong do bị lũ cuốn trôi. Ít nhất 13 nhà dân bị cuốn trôi, đổ sập và hàng chục nhà khác bị ngập.
Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền, thiệt hại do mưa lũ khiến 13 nhà bị trôi, 50 nhà bị ngập, 19 hộ bị sạt lở và 3 nhà kiên cố bị sạt hoàn toàn. 2 xã Tây Sơn và Tà Cạ bị cô lập. Trong đó bản Hòa Sơn và bản Sơn Hà thuộc xã Tà Cạ với gần 1.000 nhân khẩu bị chia cắt hoàn toàn chưa thể tiếp cận được.
Cũng trong 3 ngày này, nước lũ dâng cao cũng khiến cuộc sống của hơn 2.700 hộ dân tại xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo người dân, mưa lớn kéo dài cùng việc thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ khiến lũ lên nhanh trong đêm. Người dân dù đã đề phòng, di chuyển đồ lên cao song vẫn thiệt hại nhiều tài sản.
"Đàn gà đã chết gần 200 con, giờ ngấm nước cứ chết dần, chết mòn. Không biết rồi lấy đâu ra trả nợ", chị Nguyễn Thị Thoa (thôn 13, xã Quỳnh Lâm) xót xa nói.
Gia đình chị đã vay 100 triệu đầu tư nuôi hơn 600 con gà đẻ trứng. Chưa bán được quả trứng nào, mưa lũ đã đổ về khiến gia đình có nguy cơ trắng tay.
Cạnh nhà chị Thoa, bà Phạm Thị Phúc (62 tuổi) đang mong nước lũ sớm rút để phơi lại số lúa đang ngập chìm trong lũ.
"2h sáng lũ ùn ùn đổ về, hai vợ chồng cố gắng khiêng lúa lên nơi cao ráo nhưng không kịp. Hàng chục bao tải lúa dưới nhà kho giờ vẫn chìm trong lũ", bà Phúc nói.
Trong công cuộc khắc phục sau lũ, bà Hoàng Thị Linh (được nhắc đến đầu bài) đang cùng các con tranh hái đu đủ, ổi, dưa về bán gỡ vốn, đau đáu nghĩ về số nợ 50 triệu đầu tư không biết bao giờ mới trả được sau mỗi cơn lũ thế này.
Lần đầu chứng kiến
Đối với người dân huyện Kỳ Sơn, đây là lần đầu họ chứng kiến cảnh lũ quét kinh hoàng như vừa qua.
"Chỗ tôi ở hiếm khi ngập. Hơn 20 năm qua bao đợt bão lũ, đây là lần đầu tôi thấy nước ngập hết sân nhà", chị Trần Nga, nhà tại ngoại thành TP Vinh (Nghệ An), chia sẻ với Zing.
Không biết phải làm việc bao nhiêu năm mới đủ khắc phục thiệt hại.
Chị Trần Nga (Vinh, Nghệ An)
Sống ở địa phương không bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ, đây cũng không phải lần đầu chị Trần Nga trải qua lũ lụt, nhưng lần này đối với chị thật sự lo lắng.
"Ở chỗ tôi mới chỉ ảnh hưởng hoàn lưu đã như thế này, người dân ở các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp thiệt hại nặng mức nào, chắc họ phải làm việc nhiều năm mới đủ khắc phục thiệt hại", chị Nga chia sẻ.
Tối 28/9, lũ bắt đầu chảy về Nghệ An. Chị Trần Nga kể khoảng 23h trở đi, mưa lớn khủng khiếp. Gần 0h, gia đình chị tỉnh dậy, nước đã ngập nửa bánh xe. Cả nhà vội thu vén đồ đạc, sợ qua đêm không trở tay kịp.
"Lượng mưa lớn nên cống thoát nước không kịp. Cũng may mương rãnh ở khu nhà tôi khá tốt nên nước rút sau đó khoảng 30 phút. Nhiều chỗ rút chậm hơn, đi lại khó khăn hơn", chị Nga kể.
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, gần 21h, qua camera, Ngọc Tuấn (22 tuổi) thấy bố mẹ dáo dác nhờ hàng xóm kê đồ và lùa đàn lợn lên cao. "Lúc đấy chỉ sợ nửa đêm mưa liên tục thì không biết nhờ ai. Hôm qua là đêm khó ngủ của gia đình", Tuấn nói.
"Bố mẹ bảo mưa to từ 15h, mưa liên tục mấy giờ đồng hồ không ngớt tí nào, nước dâng nhanh. Không ai nghĩ là khu này sẽ ngập, vì địa hình cao hơn nơi khác", Tuấn kể lại.
Ngọc Tuấn cho biết mấy năm trước ở khu vực gia đình anh sinh sống không ngập nặng như năm nay. Đây là lần đầu có mưa lớn mà nước lên nhanh như vậy.
"Xóm tôi hầu như nhà nào cũng bị nước tràn vào. Ngay cả nhà cao nhất xóm ở gần núi cũng bị ngập. Còn mấy chỗ thấp hơn thì ngập sâu hơn", Tuấn nói.
Thời điểm mưa lớn, Tuấn cách quê nhà khoảng 60 km. Chàng trai trẻ muốn về để phụ gia đình ứng phó nước lũ, nhưng không thể vì có nhiều đoạn đường bị ngập sâu, xe không đi qua được. Anh ngồi cả đêm theo dõi nhà mình qua camera.
"Chỗ nhà tôi nằm trong khu vực đang xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam. Đường mương tiêu nước đang bị ngổn ngang đất đá chặn, nên nước không rút kịp", Tuấn cho hay thêm.
Theo chàng trai quê Quỳnh Lưu, các năm qua ở khu vực nhà anh chưa có tình trạng nước ngập quá mái nhà. Người dân có gì ăn nấy, hàng xóm chia nhau thực phẩm, đồ dùng, đợi vài ngày nước rút rồi trở về cuộc sống bình thường.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-so-lu-ve-trong-dem-cua-nguoi-mien-trung-post1359947.html