Nối thành công cánh tay cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa nối thành công cánh tay phải bị đứt lìa cho một bệnh nhân 40 tuổi bị tai nạn lao động do dây tời cuốn.
Trước khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân đã được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh với sơ cứu ban đầu là cầm máu và bảo quản cánh tay theo đúng cách trong đá lạnh rồi chuyển lên Hà Nội.
Để nối cánh tay cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ Hữu Trung, khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã thực hiện phương pháp nối bằng kỹ thuật vi phẫu.
Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài trong suốt 5 giờ. Nhờ hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất, các bác sĩ có thể phóng to và thực hiện những kỹ thuật vi phẫu phức tạp mà mắt thường không nhìn thấy được.
"Việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác cực khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể", bác sĩ Trung nói.
Bác sĩ Trung cũng cho hay nhờ sự phát triển của vi phẫu thuật, có thể trả lại chức năng vận động cho người bệnh, ví dụ như liệt đám rối thần kinh cánh tay, những tổn thương thần kinh ngoại vi, hay những trường hợp đứt rời hoặc khuyết hổng phần mềm chi thể sau những chấn thương nặng, đặc biệt là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
May mắn, ca ghép nối thành công. Hiện cánh tay được tưới máu tốt, hồng hào trở lại, vết nối khô.
Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận rất nhiều các trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động bị đứt rời chi (tay, chân, cánh tay, cẳng tay, cánh tay, cẳng chân, bàn chân...). Tỷ lệ ghép nối thành công các bộ phận này phụ thuộc vào việc bảo quản đúng cách.
Phần cơ thể bị đứt lìa không được tưới máu, các mô thiếu oxy và dưỡng chất, làm mô chết dần trong khoảng 2-3 giờ sau khi đứt. Nếu phần đứt được bảo quản đúng cách với điều kiện môi trường bảo quản từ 2 đến 8 độ C thì có thể tăng thời gian sống lên. Thời gian vàng để khâu nối cứu sống phần đứt thường không quá 6 giờ sau.
Bảo tồn chi bị đứt lìa bằng cách nhẹ nhàng rửa chi bằng nước muối hoặc nước sôi để nguội nhằm làm trôi đi các dị vật. Bao gói phần chi đứt bằng miếng gạc sạch hoặc vải sạch. Đặt chi đã được bao gói vào túi nilon sạch và buộc chặt miệng túi. Đặt túi đựng chi vào thùng có chứa nước đá lạnh. Các thao tác bảo tồn cần làm nhanh nhưng phải cẩn thận, nhẹ nhàng.
Vận chuyển ngay người bị nạn và phần chi được bảo quản đến bệnh viện chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình trong thời gian nhanh nhất để quá trình phẫu thuật khâu nối có cơ hội thành công.
Các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không rửa chi đứt lìa bằng xà phòng hoặc bỏ vào chậu nước. Không bỏ trực tiếp chi đứt lìa vào thùng nước đá lạnh.