Nối thông cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An
Hai dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe vào tháng 9 rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Nghệ An từ 4 - 5 tiếng còn khoảng 3 tiếng, lộ trình Nghệ An - Thanh Hóa từ 3 tiếng chỉ còn khoảng 1,5 tiếng.
Khởi đầu gian khó
Sáng 18/10, sau 2 tháng thông xe kỹ thuật, 2 dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ được Bộ GTVT và 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức khánh thành tại cửa phía Bắc hầm Trường Thi.
Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu là 2 trong 8 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được quyết định đầu tư theo phương thức PPP.
9 tháng, đưa vào khai thác 500km cao tốc
Cùng với nỗ lực hoàn thiện thủ tục khởi công dự án mới, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, 11 dự án giao thông quan trọng liên tiếp cán đích.
Trong đó, tổng số đường cao tốc được đưa vào khai thác trong 9 tháng đạt hơn 500km (dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn: Mai Sơn - QL45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm).
Thế nhưng, tương tự 3 dự án thành phần khác là Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, sau thời gian việc tìm kiếm nhà đầu tư không được như kỳ vọng, ngày 4/2/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1213 về việc chuyển hình thức đầu tư công đối với 2 dự án.
5 tháng sau đó, dự án QL45 - Nghi Sơn, chiều dài hơn 43km, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng và dự án Nghi Sơn - Diễn Châu chiều dài 50km, tổng mức đầu tư gần 7.300 tỷ đồng chính thức được khởi công.
Đó cũng chính là thời điểm dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An diễn biến phức tạp. Việc huy động các thiết bị đặc chủng thi công và các chuyên gia vận hành, sửa chữa thiết bị đến công trường trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khi dịch được kiểm soát, tiến độ của 2 dự án lại đối diện hàng loạt thách thức.
Sau nửa năm khởi công, hầu hết các gói thầu của dự án QL45 - Nghi Sơn vẫn trong cảnh "ăn đong" đất đắp từ các mỏ thương mại.
Một cán bộ ban điều hành thuộc nhà thầu Vinaconex nhớ lại, ròng rã nhiều tháng liền, lãnh đạo ban điều hành dự án thuộc Ban QLDA 2 đã đồng hành, sát cánh phối hợp với nhà thầu xúc tiến làm thủ tục xin cấp phép thêm các mỏ. Đến tháng 4/2023, vướng mắc mới được tháo gỡ hoàn toàn.
"Đất về như bắt được vàng, từ cán bộ kỹ sư đến công nhân, đều chạy đua tiến độ như "người không phổi", vị cán bộ kể.
Không gặp quá nhiều khó khăn về vật liệu thi công, thử thách với cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu lại là vướng mắc mặt bằng.
Tháng 7/2022, hơn 1 năm dự án triển khai, nút thắt mặt bằng trong phạm vi xử lý nền đất yếu tại nút giao Diễn Cát mới được giải quyết.
Cho đến tháng 6/2023, khi thời gian về đích của dự án đã được ấn định, Bộ GTVT vẫn phải phát đi văn bản đề nghị địa phương khẩn trương hỗ trợ để đáp ứng tiến độ.
Nhớ về thời điểm "cân não" nhất, anh Phùng Văn Phúc, cán bộ ban điều hành dự án Nghi Sơn - Diễn Châu (thuộc Ban QLDA 6) kể, thời điểm đó cán bộ, kỹ sư, nhà thầu "chong đèn" chạy đua với thời gian để thông công trình cầu vượt Diễn Đoài sau khi có mặt bằng thi công. Công trình không lớn nhưng nếu không thông cầu thì không thông được tuyến chính.
Giữa tháng 7/2023, cách thời gian cán đích của dự án (ngày 2/9/2023) khoảng 40 ngày, khối lượng thi công còn lại rất lớn.
Với tinh thần không có đường lui, liên tục trong 40 ngày ít ỏi còn lại, nhà thầu đã tổng lực thi công xuyên ngày - đêm.
Trong suốt thời gian thi công, bao trùm hai dự án là những cơn mưa "trắng trời", như trút nước. Chỉ tính riêng năm 2022, công trường dự án QL45 - Nghi Sơn đón nhận 181 ngày mưa. Trên công trường Nghi Sơn - Diễn Châu, hai tháng chạy nước rút cuối cùng, thời gian mưa kéo dài quá nửa.
Hóa giải thách thức
Gặp nhiều thách thức, song các dự án nhận được sự quan tâm lớn từ lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT và chính quyền địa phương.
Chỉ trong hai năm 2022 và 2023, hàng nghìn kỹ sư, công nhân tại hai dự án đã hai lần được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, thị sát công trường, tháo gỡ khó khăn. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, các thứ trưởng Lê Đình Thọ, Lê Anh Tuấn liên tục cùng lãnh đạo địa phương xuống hiện trường rà soát khó khăn và trực tiếp bàn cách giải quyết ngay trên công trường.
Mỗi chuyến đi của người đứng đầu Chính phủ, Bộ GTVT, địa phương là một lần "xốc" lại công trường khi các khó khăn từng bước được giải quyết. "Chỉ bàn làm, không bàn lùi", lan tỏa sự quyết liệt của Thủ tướng, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày - đêm không ngơi nghỉ.
Tinh thần và khí thế quyết tâm, sự linh hoạt trong các giải pháp đã tạo nên đột phá ấn tượng. Riêng tại dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, giá trị trên công trường có những ngày lên tới 300 tỷ đồng so với 100 tỷ đồng ở thời điểm bình thường.
"Đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được", chỉ đạo của Thủ tướng được tất cả các cán bộ, công nhân trên công trường thấm nhuần và quyết tâm thực hiện.
Nhờ đó, nhiều vị trí nền đất yếu đã được tối ưu thời gian xử lý. Thay vì phải mất đến 10 tháng mới có thể dỡ tải thì với giải pháp thi công mới, thời gian xử lý được rút ngắn từ 3 - 4 tháng.
Tuyến hầm xuyên núi Trường Vinh - một trong những hạng mục quan trọng quyết định tới sự thành bại của dự án cũng được nhà thầu tăng ca, tăng kíp, cải tiến phương pháp thi công, rút ngắn thời gian về đích tới 3 tháng.
Theo ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6, khoảng thời gian 24 - 25 tháng thi công một tuyến cao tốc hiện đại là điều trước đây nhiều người chưa từng nghĩ tới. Vậy nhưng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có hai dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã chạm tay vào kỳ tích đó.
Ông Hải cho biết, đó là nhờ ngay từ đầu, công tác xây dựng kế hoạch, lập kế hoạch đã được Bộ GTVT chỉ đạo phải lường trước những khó khăn, vướng mắc.
"Việc xây dựng kế hoạch thi công chi tiết cho từng tuần, từng tháng, từng quý, từng năm là rất quan trọng. Song song với đó là tháo gỡ những cái khó khăn về nguồn vật liệu, mặt bằng, là sự vào cuộc ngày đêm giữa ban điều hành hiện trường và nhà thầu để tăng tốc giải ngân", ông Hải nói.
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT):
Nhiều bài học kinh nghiệm từ 2 dự án
Hai dự án QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu được đưa vào khai thác tiếp tục khẳng định nhiều bài học kinh nghiệm lớn.
Đầu tiên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tháo gỡ vướng mắc, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT trong việc nhận diện sớm khó khăn, các vấn đề phát sinh. Từ đó, kế hoạch triển khai sẽ được xây dựng cụ thể, bám sát thực tiễn, vừa để xử lý các vấn đề kỹ thuật trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất, vừa là cơ sở để kiểm soát, đôn đốc tiến độ.
Song hành suốt quá trình thi công còn là cả một hệ thống quản lý điều hành, từ ban quản lý dự án đến tư vấn giám sát thực hiện vai trò kiểm tra, kiểm soát chất lượng, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, đảm bảo dòng tiền ổn định, tạo nguồn lực để nhà thầu sớm thi công các hạng mục.
Tiếp đó là sự đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm giữa các nhà thầu. Trên đà chạy nước rút, nhà thầu nào không đáp ứng được tiến độ sẽ được chủ đầu tư kịp thời bổ sung các đơn vị đáp ứng điều kiện để tương hỗ nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:
Cao tốc giúp tỉnh hấp dẫn nhà đầu tư
Không chỉ góp phần giảm chi phí vận tải, logistics, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, hai tuyến cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu được đưa vào khai thác sẽ giúp tỉnh Thanh Hóa tăng sự hấp dẫn về môi trường đầu tư.
Có cao tốc đi qua, hệ thống giao thông kết nối với cảng biển Nghi Sơn và cảng hàng không Thọ Xuân sẽ thuận lợi hơn. Đây cũng sẽ là động lực để hoạt động giao thương, kết nối giữa các khu công nghiệp đã, đang xây dựng và sẽ triển khai theo quy hoạch được phê duyệt.