Nơi ươm mầm cho hòa bình Việt Nam tại Pháp
Trong 5 năm tiến hành đàm phán Hiệp định Paris từ 1968 đến 1973, ngôi nhà số 49, nay là số 17, phố Cambacérès ở thành phố Verrìeres-le-Buisson, ngoại ô Paris, từng là nơi ở của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Trở lại ngôi nhà, nơi ươm mầm cho hòa bình của Việt Nam, sau 50 năm, cảnh sắc tuy thay đổi, nhưng tình cảm vẫn ấm nồng.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định hòa bình Việt Nam, phái đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có dịp thăm lại ngôi nhà số 49, nay là số 17, phố Cambacérès, nơi Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó và sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình dẫn đầu, đã từng ở trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Ngôi nhà do các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu cho đoàn Việt Nam.
Tọa lạc trên mô đất cao nhìn ra hồ Cambacérès thơ mộng, ngôi nhà nhỏ xinh xắn được bao quanh bởi vườn hoa, cây cảnh và cây ăn quả được chăm tỉa kỹ càng tạo nên một cảm giá thư thái, yên bình. Một tấm biển ghi nhận giá trị di tích lịch sử đã được đặt phía trước ngôi nhà cách đây 10 năm, nhân kỷ niệm 40 năm Hiệp định hòa bình Paris. Tấm biển ghi rõ: "Nơi đây, từ năm 1968 đến 1973, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam đã lưu trú để tham gia các cuộc đàm phán và ký Hiệp định Pari về Hòa bình ngày 27 tháng 1 năm 1973". So với cách đây 50 năm, kiến trúc bên trong ngôi nhà đã thay đổi nhiều, đẹp hơn và hiện đại hơn, nhưng những ký ức của lịch sử khi xưa vẫn được chủ nhà lưu giữ và trân trọng.
Khi mua lại ngôi nhà vào năm 2016, ông bà Henrie đã tìm hiểu lịch sử và đặc biệt ấn tượng khi biết nơi đây từng chứng kiến một giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Danìele Henrie, chủ nhà bày tỏ niềm vinh dự được sống trong ngôi nhà này. Bà nói: "Tôi thấy rất vinh dự khi biết ngôi nhà có một lịch sử đặc biệt và lâu đời. Được xây dựng từ năm 1903, ngôi nhà khi đó là một quán cà phê - nhà hàng ven hồ Cambacérès, trong rừng Verrìeres, nơi nhiều người dân Paris thường đến dã ngoại vào các kỳ nghỉ hoặc dịp cuối tuần. Đến năm 1968, bà Bình đã đến đây ở để tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định hòa bình Paris. Và tôi cho rằng đây là một dấu ấn lịch sử rất quan trọng của ngôi nhà. Chúng tôi rất tự hào về điều đó!".
Trân trọng những giá trị lịch sử của ngôi nhà, ông bà chủ nhà thậm chí đã đến thăm đất nước Việt Nam vào năm 2018 và có may mắn được gặp nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất ký vào Hiệp định Paris, khởi đầu cho tiến trình giải phóng dân tộc, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm phục, bà Danìele cho rằng bà Bình đã rất dũng cảm khi chấp nhận rời Việt Nam sang Pháp, xa chồng con để tham gia vào tiến trình đàm phán kéo dài đến tận 5 năm.
"Bà kể với tôi rằng mong muốn duy nhất của bà khi đó, với tư cách của một người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam, là tìm về với cội nguồn và hòa bình, và mỗi khi nhớ nhà, bà lại ra cửa sổ, nhìn ra hồ Cambacérès, ngắm những con thiên nga bơi lững lờ và mong muốn sẽ sớm ký được Hiệp định để trở về quê hương. Điều này làm tôi rất cảm động và mỗi khi đứng bên cửa sổ, tôi lại nghĩ đến bà ấy, cảm nhận được nỗi nhớ quê hương của bà", bà Danìele chia sẻ.
Chủ nhà cũng cho biết ngôi nhà này không chỉ là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử của Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, mà còn là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm của các lưu học sinh Việt Nam đến ở trong thời gian tu nghiệp tại Pháp vào những năm 1970-80. Rất nhiều người trong số họ, và sau này là các con cháu họ, đã đến thăm nơi đây mỗi khi có dịp quay lại Paris. Do đó mỗi khi có người Việt Nam đến bấm chuông cửa, tôi luôn chào đón họ, vì biết rằng ngôi nhà này rất có ý nghĩa đối với họ", bà cho biết thêm.
Trở lại địa danh lịch sử xưa, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng rất xúc động, đặc biệt với sự đón tiếp nồng hậu của ông bà chủ nhà, những người đã có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và lưu giữ trong nhà rất nhiều kỷ niệm liên quan đến bà Bình, đến lịch sử và văn hóa Việt Nam. "Có thể nói ngôi nhà không chỉ đánh dấu một giai đoạn lịch sử của đất nước, mà còn lưu lại tình cảm của hai dân tộc Việt Nam và Pháp", Đại sứ khẳng định.