Nới 'vòng kim cô' giá vé cho nhà đầu tư BOT đường bộ

Sau gần 8 năm không được điều chỉnh giá vé hoàn vốn theo quy định của hợp đồng, 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí sẽ thực hiện tăng giá vé kể từ 0h ngày 29/12/2023, với mức tăng dao động 10 - 18%.

Theo quy định của hợp đồng dự án BOT đường bộ, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần, với mức tăng 6%/năm.

Theo quy định của hợp đồng dự án BOT đường bộ, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần, với mức tăng 6%/năm.

Bung “phao cứu sinh”

“Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc điều chỉnh giá vé tại 44 hợp đồng BOT đường bộ do Bộ GTVT quản lý. Quyết định này tuy muộn, nhưng vẫn sẽ là ‘chiếc phao cứu sinh’ giúp nhiều dự án BOT đường bộ đang ngập trong khó khăn từng bước cải thiện được phương án tài chính”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết.

Trước đó, sau rất nhiều lần nâng lên, đặt xuống, ngày 5/12/2023, Bộ GTVT đã có Công văn số 14209/BGTVT-CĐCTVN chấp thuận điều chỉnh giá vé của 44 dự án BOT như đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam. Đây là những dự án đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, chưa được điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ từ 7 - 8 năm trong tổng số 72 dự án BOT do Bộ GTVT đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp dự án được phép điều chỉnh giá vé chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát danh sách các đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé dự án/trạm thu phí theo đúng quy định; thực hiện thông báo công khai việc điều chỉnh giá vé trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan theo quy định.

“Giao Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án/trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT và hoàn tất thủ tục điều chỉnh giá vé các dự án/trạm thu phí theo đúng quy định”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Đến ngày 17/12/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn tất công tác đàm phán mức giá, thời điểm điều chỉnh giá đối với từng nhà đầu tư/doanh nghiệp BOT nằm trong danh sách 44 dự án được Bộ GTVT cho phép điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Một điều khá bất ngờ là có tới 3 nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiến nghị chưa điều chỉnh giá vé do lo ngại nguy cơ sụt giảm lưu lượng phương tiện. Các trạm thu phí xin lùi thời điểm tăng phí, gồm: trạm Cù Mông thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; trạm Km1747 thuộc Dự án Nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; trạm Km11+625 thuộc Dự án Đầu tư, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT).

Ông Thái Hồng Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Quang Đức - doanh nghiệp dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ được đầu tư bằng vốn ngân sách (không thu phí) chạy song song với tuyến đường dự án đã chia sẻ một lượng lớn phương tiện qua lại địa bàn.

“Hiện xe vào Dự án Nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đoạn Km1738+148 - Km1763+610 đã rất vắng, nếu thực hiện tăng phí, sẽ không có xe đi qua trạm, tình hình tài chính sẽ còn bi đát hơn”, ông Thái Hồng Phúc lý giải.

Đối với 41 dự án/47 trạm thu phí còn lại, rất nhiều doanh nghiệp dự án đã đẩy mức giá mới tiệm cận mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-GTVT đối với các nhóm xe loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn); loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet); loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet). Biểu phí mới này thậm chí còn thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư bởi họ đã bị nén lại tới 2 chu kỳ điều chỉnh phí quy định tại hợp đồng (3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng 18%).

Cục Đường bộ Việt Nam cũng thống nhất các biểu giá mới tại 41 dự án/47 trạm thu phí sẽ được đồng loạt áp dụng từ 0 giờ 00 phút, ngày 29/12/2023.

Đến ngày 18/12/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã gửi thông báo về việc triển khai điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT do Bộ GTVT quản lý đến một số cơ quan thông tấn báo chí để thực hiện quy định công khai giá vé mới.

Theo ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - chủ đầu tư Dự án BOT đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, doanh nghiệp dự án vẫn sẽ cần hoàn thiện một thủ tục pháp lý quan trọng nữa là ký phụ lục hợp đồng BOT về việc điều chỉnh giá vé với Cục Đường bộ Việt Nam.

“Tuy nhiên, thủ tục này chắc sẽ chỉ mất khoảng 1-2 ngày tới. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc áp dụng biểu phí mới cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 kể từ 0h ngày 29/12/2023”, ông Tú cho biết.

Cần trần giá vé mới

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Chủng cho biết, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ là một trong những nội dung liên tục được VARSI và nhiều nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOT đường bộ, đơn vị tài trợ vốn “đeo bám” quyết liệt các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian qua.

Được biết, phần lớn các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016. Theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần, với mức tăng 6%/năm. Mặc dù các dự án/trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2, nhưng vẫn chưa được tăng giá, đã làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.

Lãnh đạo Bộ GTVT lý giải, trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, việc tăng phí theo lộ trình hợp đồng BOT đã ký kết chưa được thực hiện, dẫn đến doanh thu thực tế giảm so với doanh thu dự kiến trong hợp đồng dự án.

Ông Phạm Nam Hải, Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ - doanh nghiệp dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Phú Thọ đoạn từ Quốc lộ 2 (thị xã Phú Thọ) đến Hương Nộn (huyện Tam Nông) và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà cho biết, công trình do đơn vị quản lý có tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ tháng 3/2017. Thời điểm tăng giá vé theo quy định hợp đồng là tháng 3/2020 (tăng 18%).

Tuy nhiên, sau 2 chu kỳ tăng phí, dự án trên mới được Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam cho phép điều chỉnh mức phí. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, doanh thu thu phí thực tế chỉ đạt 45,9% so với phương án tài chính. Việc sụt giảm doanh thu của Dự án đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư trong việc trả nợ gốc, lãi cho đơn vị tài trợ vốn là VietinBank Chi nhánh Nam Thăng Long.

Không chỉ gặp khó khăn trong việc trả nợ gốc, lãi vay hàng tháng, Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ còn không biết tìm đâu ra số tiền hơn 30 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa, trung tu công trình vào năm 2024 như quy định của hợp đồng BOT.

Đại diện VARSI cho biết, tình trạng dưới đáy khó khăn như Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ là khá phổ biến, nên Hiệp hội mong người tham gia giao thông, các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư BOT.

Tuy nhiên, đại diện VARSI cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ cần được thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết là 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng 18% giá vé, thay vì phải thực hiện xin cho như hiện nay.

“Bên cạnh đó, mức giá tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ đường bộ được xây dựng từ năm 2015 đã quá lạc hậu. Ngay trong đợt điều chỉnh vào ngày 29/12/2023, nhiều dự án phải áp dụng mức giá tối đa cho một số nhóm phương tiên. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng lại mức giá tối đa mới cho sát với diễn biến thực tế, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư”, ông Trần Chủng đề xuất.

Tác động của việc tăng phí BOT đường bộ

Tháng 4/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về kết quả đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý.

Theo đó, đối với người sử dụng đường bộ, kết quả rà soát lợi ích người sử dụng đối với 54 trạm thu phí của 48 hợp đồng xem xét điều chỉnh giá cho thấy, trừ xe khách, hầu hết mức phí BOT đề xuất đều cao hơn lợi ích người sử dụng đường thu được khi lưu thông trên tuyến đường BOT. Sau khi điều chỉnh mức thu phí, chỉ có các xe khách thuộc nhóm 2 và 3 thỏa mãn được điều kiện đảm bảo lợi ích của người sử dụng đường, mức thu đề xuất của các nhóm phương tiện khác đều vượt quá lợi ích của người sử dụng.

Đối với nền kinh tế, với phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng khoảng 0,2-1,4% so với trước khi tăng giá vé BOT. Việc điều chỉnh này chỉ làm tăng giá cước vận tải khoảng 0,2~1,4%, nên dự kiến tác động không đáng kể đến CPI. Tuy nhiên, với tác động đồng thời của việc các doanh nghiệp vận tải khách và vận tải hàng hóa đang chật vật phục hồi sau đại dịch, giá xăng dầu lại liên tục tăng mạnh cùng với việc tăng phí BOT tại thời điểm này có khả năng gây ra phản ứng không tốt trong xã hội.

Đối với doanh nghiệp đầu tư dự án BOT, trong trường hợp không điều chỉnh giá, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, chỉ có 16 dự án có mức doanh thu đạt trên 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP. Trong trường hợp điều chỉnh giá, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, có 26 dự án có mức đạt trên 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/noi-vong-kim-co-gia-ve-cho-nha-dau-tu-bot-duong-bo-d205629.html