Nối vòng tay nhân ái ở 'Phố núi Gia Lai' - Bài 1: Những nỗi đau dai dẳng

Thành phố Pleiku ở tỉnh Gia Lai được mệnh danh là 'thành phố ngủ ngon' nhất Việt Nam nhờ được thiên nhiên ưu đãi không khí mát lành. Thế nhưng, trong nhiều căn nhà nhỏ ở Pleiku cũng như ở huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ của tỉnh Gia Lai, nhiều nạn nhân bom mìn vẫn không ngủ ngon giấc bởi nỗi đau thể xác lẫn tinh thần luôn dày vò họ.

Diện tích ô nhiễm bom mìn vẫn còn lớn

Từng là địa bàn trọng điểm trong chiến tranh, tỉnh Gia Lai hiện có nhiều huyện, xã có diện tích bị ô nhiễm bom mìn lớn, điển hình như ở thành phố Pleiku và các huyện Đức Cơ, Chư Prông, Kông Chro, Kbang,...

Nhận thức sâu sắc về hậu quả do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra đối với môi trường, sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, thành phố Pleiku đã xác định việc rà phá và hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Theo ông Trần Xuân Quang, Phó bí thư Thường trực Thành phố Pleiku, trong những năm qua, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2006 đến 2022, thành phố đã thu gom, xử lý 26.940 đạn, vật nổ các loại, với tổng trọng lượng hơn 9.570 tấn. Bên cạnh đó, Thành ủy thường xuyên chỉ đạo UBND thành phố thực hiện tốt các chế độ chính sách của Nhà nước và của địa phương, kết hợp với các chương trình, dự án, đề án từ nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, giúp cho các nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

 Các đại biểu tham dự buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn và tặng xe đạp cho các cháu học sinh nghèo tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Các đại biểu tham dự buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn và tặng xe đạp cho các cháu học sinh nghèo tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Còn tại Chư Prông-một huyện biên giới nằm về phía Tây Nam tỉnh Gia Lai, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Ksor Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết: Chư Prông có 311km đường biên giới giáp với Campuchia. Toàn huyện có 31.694 hộ với 135.771 khẩu, gồm 24 dân tộc cùng sinh sống. Mặc dù đại bộ phận các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện nhưng huyện Chư Prông vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có 39 thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 15,07% dân số toàn huyện. Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nhờ đó bà con nhân dân đã nhận thức rõ về những hiểm họa mà bom mìn, vật nổ gây ra, từ đó đã chủ động hơn trong công tác phòng chống, kịp thời phát hiện vật liệu nổ, bom đạn còn sót lại trên địa bàn, báo cơ quan chuyên môn phối hợp khắc phục, tiêu hủy bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, do diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn lớn nên đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Gia Lai phát triển. Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn kinh phí. Thống kê cho thấy trong những năm qua, các vụ tai nạn bom, mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh tại Gia Lai đã khiến hàng chục người thương vong, nhiều người trong số họ là lao động chính trong gia đình…

Món quà nhỏ xoa dịu nỗi đau

Trong Hội trường 15-9 ở huyện Chư Prông một sáng giữa tháng 9, bà Phan Thị Nguyệt, sinh năm 1965, ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn. Bà Nguyệt vốn là phụ nữ hay lam hay làm, lại là nhân lực chính trong gia đình có 6 người con. Tai họa ập đến vào tháng 4-2022 khi bà lên rẫy hái điều, chẳng may vấp phải mìn. Sau tiếng nổ chói tai, bà ngất đi và không biết gì hết. Tỉnh dậy trong bệnh viện, bà khóc ngất khi thấy hai chân bị dập nát gần một nửa, vết thương chằng chịt trên người.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ Hoa hòa bình, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao hỗ trợ sinh kế cho bà Phan Thị Nguyệt (ngồi xe lăn) cùng các nạn nhân bom mìn ở huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ Hoa hòa bình, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao hỗ trợ sinh kế cho bà Phan Thị Nguyệt (ngồi xe lăn) cùng các nạn nhân bom mìn ở huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ.

Bà Nguyệt được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Gia Lai lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ có bảo hiểm y tế cũng như sự chăm sóc, giúp đỡ của các y, bác sĩ, các nhà từ thiện, bà Nguyệt đã tai qua nạn khỏi. Sau 7 tháng nằm viện, bà trở về nhà với đôi chân bị cụt gần một nửa, mắt mờ, sức khỏe suy giảm. Hằng ngày, bà ngồi trên chiếc xe lăn, nhìn dòng người qua lại ngoài đường và lặng lẽ khóc. Bà ước muốn có một đôi chân giả....

Cùng chung hoàn cảnh như bà Phan Thị Nguyệt, ông Ksor Anglih trú tại ở xã Biển Hồ, Thành phố Pleiku phải cưa chân lên tới tận đùi. Nhớ lại ngày tai họa năm xưa, người đàn ông 53 tuổi này đượm buồn. Ông kể: Tôi đi du kích, vấp phải mìn. Mìn nổ xé toang đôi chân khỏi người tôi, tôi ngỡ mình đã chết. Thế nhưng, ông trời vẫn thương, cho tôi tiếp tục sống đến hôm nay. Đi đâu xa, tôi dùng xe lăn, còn ở nhà đôi ghế gỗ trở thành bạn đồng hành. Ước mong của tôi là có tiền để sửa lại xe lăn vì “giờ xe cũ quá rồi”.

Nhìn người thân đỡ ông Ksor Anglih như khênh bức tượng bán thân lên ghế ngồi, nhiều người có mặt tại Hội trường 19-5 ở thành phố Pleiku không giấu được xúc động. Họ vừa cảm thông, vừa cảm phục trước nỗ lực vượt lên số phận của ông Ksor Anglih.

Nỗi đau mất một phần thân thể do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh mà bà Phan Thị Nguyệt và ông Ksor Anglih đang phải gánh chịu cũng là số phận chung của nhiều nạn nhân bom mìn ở tỉnh Gia Lai. Họ sống vất vả, khó khăn với một phần cơ thể tàn tật, nhẹ thì vài vết sẹo trên người, nặng thì mất chân, mất tay, mất khả năng lao động. Nhưng họ không mất đi niềm tin vào cuộc sống.

Thấu hiểu nỗi đau, vất vả khó khăn của các nạn nhân bom mìn ở tỉnh Gia Lai, trong hai ngày 8 và 9-9, Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa Hòa bình, nhóm từ thiện “Chia sẻ ” ở TP Hồ Chí Minh, cùng các nhà tài trợ đã trao hỗ trợ sinh kế cho 35 nạn nhân bom mìn với số tiền 6 triệu đồng/người. Số tiền hỗ trợ này được đầu tư vào các hoạt động sản xuất, chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình các nạn nhân bom mìn.

Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (áo đỏ) và Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Quỹ Hoa Hòa bình trao xe đạp tặng học sinh nghèo huyện Đức Cơ và huyện Chư Prông.

Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (áo đỏ) và Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Quỹ Hoa Hòa bình trao xe đạp tặng học sinh nghèo huyện Đức Cơ và huyện Chư Prông.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng trao tặng 30 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, tặng 30 suất học bổng cho 30 cháu học sinh con em Bộ đội Biên phòng tỉnh và 30 suất học bổng cho 30 cháu học sinh dân tộc thiểu số là con em cán bộ Công an nhân dân tỉnh Gia Lai… Ngoài ra, nhóm “Chia sẻ - Sharing” TP Hồ Chí Minh và bà Mai Thị Hạnh, Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng tặng chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng Lệ Thanh” thuộc huyện Đức Cơ với số tiền là 50 triệu đồng. Tổng số quà cho đợt hỗ trợ lần 1 ở tỉnh Gia Lai của đoàn trị giá hơn 440 triệu đồng.

Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này, đoàn đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 người nghèo thuộc huyện Chư Prông.

Trong ngày 9-9, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã khám bệnh cho hơn 500 người nghèo ở huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ.

Trong ngày 9-9, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đã khám bệnh cho hơn 500 người nghèo ở huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ.

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Quỹ Hoa Hòa bình chia sẻ, những món quà mà đoàn công tác mang tới tặng các nạn nhân bom mìn tỉnh Gia Lai tuy nhỏ nhưng phần nào xoa dịu nỗi đau, giúp họ an tâm phát triển kinh tế.

(còn nữa)

Bài và ảnh: LINH OANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/noi-vong-tay-nhan-ai-o-pho-nui-gia-lai-bai-1-nhung-noi-dau-dai-dang-742791