Nói xăm mình là hư hỏng, có biết người Việt xưa đều rất mê xăm?

Sử sách cho biết người Việt cổ có tục xăm mình, bản thân các vua đầu tiên của nhà Trần cũng xăm mình, sao lại nói người có hình xăm là đầu gấu, đua đòi hư hỏng được?

Mấy hôm nay tôi đọc các bài viết trao đổi quan điểm về phụ nữ xăm mình trên VTC News và theo dõi sát các bình luận. Tôi ngạc nhiên vì “phe” phản đối lại áp đảo tới mức ấy. Đã vài chục năm kể từ khi thế giới bước sang thế kỷ 21, chúng ta vẫn còn nặng thành kiến với nghệ thuật xăm và khó chấp nhận sự khác biệt trong việc thể hiện bản thân của mọi người đến vậy.

Nhiều người tuyên bố rằng người xăm mình nếu là nam thì là giang hồ, đầu gấu, nếu là nữ thì đích thị gái hư. Một số người khác không bày tỏ thẳng thừng như vậy nhưng biểu thị đồng ý với nhóm vừa kể; số khác tuy nói không kỳ thị, thừa nhận xăm mình không xấu nhưng kết luận vẫn là: Nhìn người xăm thấy ghê, không bao giờ yêu, không bao giờ cưới…

Tôi đồng ý là nhiều anh chị xã hội đen xăm mình, nhiều thanh niên hư hỏng xăm mình, nhưng về mặt suy luận logic mà nói, điều đó đâu có nghĩa ai xăm cũng hư hỏng? Nếu như tôi nói gái làng chơi thường trang điểm đậm, vậy phụ nữ trang điểm đậm là gái làng chơi, có phải chị em sẽ ném cho tôi đống gạch đá đủ để xây mồ hay không?

Tại sao chúng ta một mặt vẫn ngắm những cô gái có hình xăm nhỏ tinh tế trên phố hay trên phim ảnh và khen đẹp, chúng ta tung hô những nghệ sĩ thần tượng có hình xăm, nhưng rồi lại cấm vợ, con gái, em gái chúng ta xăm với lý do “chỉ hạng gái chẳng ra gì mới làm vậy”?

Nhiều người viện đến thuần phong mỹ tục để phản đối xăm mình. Nhưng bạn có biết xăm mình là một trong những cổ tục của tổ tiên người Việt chúng ta hay không?

Người Việt cổ có tục xăm mình.

Người Việt cổ có tục xăm mình.

Sách “Lĩnh Nam chích quái”, phần “Hồng Bàng thị truyện” chép: “Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với vua. Vua nói: ‘Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại’.

Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy”.

"Từ điển Lễ tục Việt Nam" cũng ghi: “Người Việt cổ từ 2.000- 3.000 năm trước có tục xăm hình những con thủy quái (rồng, rắn..) lên bụng, ngực, lưng, chân, tay…. Tương truyền, thuở xa xưa con người lặn lội vùng sông nước kiếm ăn, nên xăm hình lên người để không bị thủy quái làm hại và hòa nhập với động vật ở dưới nước, từ đó mới săn bắt được chúng”.

Thời nhà Trần, khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược, người người đua nhau xăm hai chữ “sát Thát” vào cánh tay, điều này cho thấy hành vi xăm mình phổ biến đến mức nào. Đội quân Thánh Dực bảo vệ vua ai nấy đều xăm lên trán ba chữ “Thiên tử quân”…

Bản thân các vua đầu tiên của nhà Trần (dòng họ xuất thân ngư phủ) cũng xăm hình rồng vào đùi, thậm chí đây là điều bắt buộc. “Đại Việt sử ký toàn thư” kể rằng, một hôm Thượng hoàng Nhân Tông triệu Anh Tông đến cung Trùng Quang, bảo: "Dòng dõi nhà ta vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được".

Khi đó thợ xăm đã chờ sẵn trước cổng cung; nhưng vua Anh Tông rất sợ bị kim đâm vào da thịt nên thừa lúc cha nhìn sang hướng khác liền lẩn trốn về cung Trùng Hoa của mình. Thượng hoàng biết ý, sau không ép nữa. Từ đó, việc xăm mình không còn là điều bắt buộc.

Theo thời gian, thời đại, phong tục có thể thay đổi, nhưng nếu có cái nhìn xuyên suốt, chúng ta sẽ không đánh giá đạo đức, tư cách con người qua vẻ ngoài. Hành vi chăm chút ngoại hình nếu không gây hại cho cộng đồng hay cá nhân thì không thể coi là xấu.

Với xăm hình, nữ hay nam cũng vậy. Nếu như bạn thừa nhận người quen của bạn sống tốt, tính cách đáng yêu, vậy cần gì quan tâm họ có hình xăm hay không.

(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết trùng với quan điểm của VTC News.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Nghi Ân

Nguồn VTC: https://vtc.vn/noi-xam-minh-la-hu-hong-co-biet-nguoi-viet-xua-deu-rat-me-xam-ar555568.html