Nóng bỏng 7 bang chiến trường trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Bảy bang chiến trường cạnh tranh sít sao chưa từng có được cho sẽ quyết định bà Kamala Harris hay ông Donald Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5-11. Chính vì thế, giới chức tại những bang chiến trường đang chuẩn bị ứng phó với rối ren hậu bầu cử gồm thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, đe dọa và thậm chí là cả nguy cơ xảy ra bạo lực.

Bảo vệ nghiêm ngặt phiếu bầu tại thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania

Bảo vệ nghiêm ngặt phiếu bầu tại thành phố Philadelphia thuộc bang Pennsylvania

Cuộc đua sít sao, kết quả khó lường

Cuộc chạy đua để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47 giữa đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump được cho quyết liệt và sít sao chưa từng thấy. Vào thời điểm giờ “G” - ngày 5-11 sắp điểm này, các kết quả thăm dò dư luận cho thấy rõ điều này.

Trong kỳ bầu cử năm nay, Mỹ có 7 bang chiến trường gồm: Pennsylvania (nơi có 19 phiếu đại cử tri), Georgia và Bắc Carolina (cùng 16 phiếu đại cử tri), Michigan (15 phiếu đại cử tri), Arizona (11 phiếu đại cử tri),

Wisconsin (10 phiếu đại cử tri) và Nevada (6 phiếu đại cử tri). Hiện, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn cực kỳ sít sao ở 7 bang chiến trường này. Theo kết quả thăm dò dư luận do báo The Hill và tổ chức Decision Desk HQ công bố ngày -11, không ứng cử viên nào có cách biệt lớn hơn 2% ở bất kỳ bang nào trong 7 bang chiến trường. Tại 3 trong số 7 bang đó, tạm được gọi là “Bức tường Xanh” gồm Michigan, Pennsylvania và Wisconsin - là những nơi mà cách biệt giữa hai ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa là dưới 1%.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua đang rất gay cấn và có vẻ ông Donald Trump có một chút lợi thế. Cựu Tổng thống Mỹ đang dẫn trước ở nhiều bang chiến trường hơn đối thủ Kamala Harris trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất. Trong cuộc thăm dò của Decision Desk HQ, ông Donald Trump dẫn đầu ở 6 bang. Theo các cuộc thăm do trên một số trang web khác, cựu Tổng thống dẫn đầu ở 5 bang. Sự chênh lệch bắt nguồn từ bang Wisconsin, nơi 3 trang web khác cho thấy bà Kamala

Harris dẫn trước và cuộc thăm dò của Decision Desk HQ cho thấy ông Donald Trump dẫn trước. Tuy nhiên, việc suy đoán kết quả cuối cùng từ các số liệu thăm dò không đáng tin cậy. Truyền thông Mỹ nhận định, rất khó dự đoán kết quả của cuộc bầu cử nếu chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát số phiếu bầu sớm hay thăm dò bởi có sai số và phụ thuộc vào chính sách vận động cử tri của từng đảng.

Năm 2016, ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã giành được số phiếu phổ thông nhiều hơn 2% so với đối thủ Donald Trump, nhưng bà vẫn thua chung cuộc. Vì vậy, lợi thế hiện nay của ông Donald Trump vẫn chưa phải là chắc chắn. Dự báo từ Decision Desk HQ và FiveThirtyEight cho thấy ông Trump có lần lượt 54% và 51% cơ hội chiến thắng. Hiện tại, có sự chia rẽ rõ ràng giữa “Vành đai Mặt trời” và “Bức tường Xanh” và sự chia rẽ càng trở nên sâu sắc hơn trong những tuần gần đây.

Điều quan trọng là phải tính đến phiếu đại cử tri ở đây. Các cuộc thăm dò của Marist tại các bang chiến trường Michigan và Pennsylvania được công bố vào hôm 1-11 cho thấy, bà Kamala Harris dẫn trước đối thủ đảng Donald Trump 2 điểm phần trăm ở mỗi bang, 50% so với 48%. Cuộc thăm dò thứ ba đối với cử tri bang Wisconsin cho thấy bà Kamala Harris dẫn trước ông Donald Trump 3 điểm phần trăm, 51-48%. Nếu bà Kamala Harris giành chiến thắng ở 3 bang “Bức tường Xanh”, bà sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, ngay cả khi ông Donald Trump chiến thắng ở 4 bang chiến trường khác và miễn là kết quả tại các bang khác vẫn giữ nguyên như cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Các bang chiến trường ứng phó kịch bản xấu nhất

Do cuộc chạy đua giữa Kamala Harris và ông Tổng thống Donald Trump hết sức sít sao nên thắng hay thua của hai ứng cử viên Tổng thống này có thể được quyết định bởi một sự chênh lệch phiếu rất nhỏ tại các bang chiến trường. Trong cuộc bầu cử 4 năm trước, ông Donald Trump đã không chấp nhận thất bại trước đối thủ Joe Biden nên đã dẫn tới tình trạng căng thẳng, bất ổn tại nước Mỹ, thậm chí những người ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa còn xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ, gây ra một trong những cuộc bạo loạn tồi tệ nhất sau bầu cử Tổng thống.

Do vậy, hiện chính quyền các bang chiến trường đang rốt ráo chuẩn bị ứng phó với những kịch bản tồi tệ nhất trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 chính thức diễn ra.

Tại Philadelphia, Detroit và Atlanta - là 3 trong số những bang được cho là nơi cựu Tổng thống Donald Trump hay khiếu nại về gian lận bầu cử, giới chức trách đã có những biện pháp tránh tái diễn sự hỗn loạn của năm 2020. Kho kiểm phiếu của Philadelphia hiện được bao quanh bởi hàng rào có dây thép gai. Tại Detroit và Atlanta, một số văn phòng bầu cử được bảo vệ bằng kính chống đạn.

Tại Wisconsin, các nhân viên bầu cử đã được đào tạo về các kỹ thuật kiềm chế bạo lực và các trạm bỏ phiếu được sắp xếp lại để nhân viên có đường thoát hiểm trong trường hợp bị người biểu tình đe dọa. Tại bang Arizona - một tâm chấn năm 2020 về các khiếu nại gian lận do đảng Cộng hòa cáo buộc, giới chức địa phương cũng đang triển khai các công tác tập huấn ứng phó với thông tin sai lệch, bao gồm cả hình ảnh và chiêu trò giả mạo.

Tại thành phố Detroit, chính quyền địa phương đang chuẩn bị cho kịch bản bất ổn, bạo loạn tiềm ẩn với cảnh sát địa phương và các quan chức liên bang. Trụ sở bầu cử của thành phố đã được tăng cường lực lượng an ninh và lắp kính chống đạn. Cùng với đó, việc kiểm phiếu qua thư đã được chuyển đến một địa điểm an toàn hơn tại hội trường trung tâm thành phố. Hồi năm 2020, những người ủng hộ ông Donald Trump đã tìm cách ngăn quá trình kiểm phiếu này bằng cách đập cửa sổ nơi kiểm phiếu và hét lên “dừng kiểm phiếu”, sau khi ông Donald Trump cho rằng những lá phiếu qua thư được kiểm đếm trễ là gian lận và được nhét thêm vào để bầu cho đối thủ là ông Joe Biden.

Còn thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania đã cải tổ việc kiểm phiếu sau khi để xảy ra việc sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu qua thư hồi năm 2020. Sự chậm trễ này đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều thuyết âm mưu khiến những người ủng hộ ông Trump nhắm mục tiêu và đe dọa các quan chức bầu cử. Theo đó, vào đêm bầu cử (3-11-2020) năm 2020, ông Donald Trump tuyên bố mình là người chiến thắng sau khi kết quả ban đầu cho thấy ông đang dẫn trước đối thủ, dù lúc đó vẫn còn hàng nghìn lá phiếu chưa được kiểm đếm ở Philadelphia. Khi kết quả bầu cử đang trong thế hòa, thành phố đã mất 5 ngày mới kiểm đủ số phiếu và đưa ra kết quả cuối cùng rằng ông Joe Biden đã giành chiến thắng tại Pennsylvania, giúp ông Joe Biden chính thức vào Nhà Trắng. Năm nay, Philadelphia đã chuyển hoạt động bầu cử đến một nhà kho được quây bảo vệ bằng hàng rào thép gai, cách trung tâm hội nghị trung tâm thành phố, nơi các lá phiếu năm 2020 được kiểm là 24 km.

Ngoài những chiến trường kể trên, giới chức bầu cử ở Arizona, Nevada và North Carolina cũng đang gấp rút công tác chuẩn bị cho các tình huống. Một số văn phòng bầu cử địa phương đã lắp đặt nút báo động, kính chống đạn, camera an ninh và cửa nặng hơn. Các quan chức cũng đã được đào tạo để đối phó và xoa dịu những cử tri bất bình, trong khi cảnh sát đã được cung cấp hướng dẫn bỏ túi về luật bầu cử để chuẩn bị cho những thách thức gia tăng. Các quan chức bầu cử Mỹ cho biết, một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là kết quả sát nút, và mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào các cuộc chiến tại tòa án về số lượng nhỏ các lá phiếu tranh chấp.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nong-bong-7-bang-chien-truong-trong-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-post594408.antd