Nông Cống phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện Nông Cống xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế khá. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chương trình XDNTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện.

Mô hình trồng hoa thiên lý ở xã Yên Mỹ cho hiệu quả kinh tế.

Với tư duy đổi mới, nhạy bén với thị trường, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Nông Cống đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình của gia đình chị Hồ Thùy Chung, thôn Văn Đô, xã Trường Sơn. Được biết, trước đây, xã Trường Sơn có nhiều cánh đồng vốn thuộc đất sình lầy, canh tác không hiệu quả nên người dân bỏ hoang nhiều năm. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện về pháp lý, gia đình chị Chung đã vận động các hộ dân cho thuê để tích tụ được 20ha sản xuất. Sau đó chị thực hiện cải tạo lại đất, liên kết với doanh nghiệp đưa giống lúa nếp Đài Loan vào gieo cấy. Trung bình mỗi năm 2 vụ lúa, gia đình chị thu hoạch khoảng 90 tấn lúa nếp, trừ chi phí, cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Chị Chung phấn khởi cho biết: “Nhiều năm trước đây, khi nhắc đến xã Trường Sơn là nói đến vùng quê nghèo, lạc hậu. Nhiều cánh đồng sình lầy ngự trị trên vùng đất này, nay đã được thay thế bằng những cánh đồng canh tác quy mô lớn, những trang trại tổng hợp mang đến cuộc sống ấm no cho người dân”. Từ mô hình của gia đình chị Chung, hiện nay, xã Trường Sơn đã có hơn 70ha đất lúa được tích tụ, chủ yếu do các hộ cải tạo canh tác, cho thu nhập cao.

Để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, huyện Nông Cống đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích như: hỗ trợ hạ tầng các khu trang trại, hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới; hỗ trợ các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân; khuyến khích người dân phát triển mô hình cá - lúa an toàn theo quy trình hữu cơ tiến tới đạt các chứng nhận, thương hiệu (VietGAP, ASC, Organic...). Qua đó, nâng cao giá trị và kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhất là các mô hình nuôi, trồng kết hợp trên cùng một diện tích sản xuất. Nhờ vậy, đến nay huyện đã tích tụ được trên 1.400ha diện tích để xây dựng các mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cho giá trị thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Điển hình như: mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất lúa nếp hương, lúa thuần, giá trị thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng/ha tại các xã Minh Khôi, Trường Sơn, Tượng Văn, Trung Chính với tổng diện tích hơn 500ha; mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP giá trị thu nhập bình quân từ 180 - 200 triệu đồng/ha/năm tại các xã Thăng Long, Vạn Hòa, Vạn Thắng, Công Liêm, Trường Sơn, Thăng Bình, Yên Mỹ; mô hình sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hoàng Giang, Tế Lợi, Trường Sơn, Thăng Long, Vạn Hòa, thị trấn Nông Cống. Đồng thời, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại các xã Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Long, Tượng Sơn, Tượng Lĩnh giá trị thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha... Giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nông Cống tăng 130% - 200% so với sản xuất truyền thống, sản phẩm an toàn và bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với đó, huyện Nông Cống cũng đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện các dự án lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại như: dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung tại xã Yên Mỹ với quy mô 20.000 con; dự án sản xuất cây rau má và cây dược liệu tại xã Tượng Sơn; dự án sản xuất mùn hữu cơ xuất khẩu tại xã Vạn Thắng...

Để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển một cách bền vững, huyện Nông Cống tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tư duy của người dân, nhất là nông dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-cong-phat-trien-cac-mo-hinh-nong-nghiep-hieu-qua-216568.htm